“Thay thế khí đốt giá rẻ của Nga bằng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) đắt đỏ của Mỹ là một đề xuất vô lý”, Thủ tướng Hungary Viktor Orban nói trên sóng phát thanh Kossuth ngày 1/4.
“Không phải chuyện chúng ta sẽ phải mặc thêm áo len vào buổi tối và giảm hệ thống sưởi đi một chút hay trả thêm vài đồng bạc mua khí đốt. Thực tế là nếu như không lấy nguồn năng lượng từ Nga, thì không có khí đốt tại Hungary”, đài Sputnik dẫn lời nhà lãnh đạo.
Thủ tướng Orban cho biết 85% khí đốt và 64% lượng dầu mỏ của quốc gia này nhập khẩu từ Nga. Vị trí địa lý của Hungarry cũng làm hạn chế khả năng đa dạng hóa các nguồn cung năng lượng quốc gia.
Đồng tình với mối lo ngại của Thủ tướng Orban, Giám đốc điều hành tập đoàn năng lượng Áo OMV, ông Alfred Stern, cho biết nước này cũng sẽ không chuyển sang mua khí LNG.
“Từ bỏ khí đốt của Nga là việc không thể trừ khi chúng tôi sẵn sàng sống chung với hậu quả to lớn từ một bước đi như vậy. Một số quốc gia có thể làm điều đó. Tuy nhiên, Áo không thể làm như vậy. Là một quốc gia không giáp biển, chúng tôi không có có cơ sở tiếp cận với LNG. Bất kỳ sự đa dạng hóa nào cũng đồng nghĩa với việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng để tiếp cận với nguồn khí đốt đắt đỏ hơn. Việc loại bỏ khí đốt của Nga sẽ phải trả giá, và điều này chúng tôi nhận thức rất rõ”, ông Stern nói với tờ Die Presse ngày 1/4.
Tại quốc gia láng giềng, chính phủ Đức đã kích hoạt một kế hoạch khẩn cấp để ứng phó với việc gián đoạn trong nguồn cung năng lượng từ Nga.
Ông Martin Brudermuller, Giám đốc điều hành tập đoàn hóa chất khổng lồ của Đức BASF, nhận định kế hoạch tẩy chay khí đốt Nga của Berlin là một “thử nghiệm vô trách nhiệm” và nhấn mạnh Đức đã đánh giá thấp các nguy cơ từ bước đi như vậy. Ông cho rằng việc bị cắt hoàn toàn khỏi khí đốt Nga có thể dẫn tới cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất đối với nền kinh tế nước Đức kể từ khi Chiến tranh Thế giới thứ II chấm dứt.
Ngày 31/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo đã ký sắc lệnh yêu cầu bên mua nước ngoài phải thanh toán bằng đồng ruble để mua khí đốt của Nga từ ngày 1/4 và các hợp đồng sẽ bị tạm đình chỉ nếu các khoản thanh toán này không được thực hiện.
Trong phản ứng của mình, Đức và Pháp đã bác bỏ yêu cầu của Nga rằng các quốc gia châu Âu phải trả tiền cho khí đốt bằng đồng ruble, cho rằng điều này là hành vi vi phạm hợp đồng. Châu Âu là khu vực nhập khẩu khoảng 40% khí đốt từ Nga và thanh toán chủ yếu bằng đồng euro.