Trao đổi với hãng tin Sputnik, ông Paulina Kubiak - người phát ngôn của ông Shahid cho biết: “Chủ tịch Abdulla Shahid hoan nghênh tuyên bố chung của 5 cường quốc hạt nhân, những quốc gia thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an. Các cam kết theo nghĩa vụ của Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), bao gồm nghĩa vụ theo Điều VI và mong muốn tăng cường sự hiểu biết, cũng như tin cậy lẫn nhau, đồng thời ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang không mang lại lợi ích và gây nguy hiểm cho tất cả. Đây là thông điệp đúng đắn đối với thế giới trong bối cảnh chúng ta bắt đầu Năm mới”.
Cũng trong ngày 3/1, Bộ Ngoại giao Nga bày tỏ hy vọng tuyên bố của các cường quốc hạt nhân trên thế giới sẽ giúp xoa dịu căng thẳng trong bối cảnh tình hình an ninh có nhiều biến động hiện nay.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ: “Chúng tôi hy vọng rằng trong điều kiện khó khăn chung của tình hình an ninh quốc tế hiện nay, việc thông qua một tuyên bố chính trị như vậy sẽ giúp giảm căng thẳng quốc tế".
Trả lời hãng thông tấn RIA Novosti, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ Moskva vẫn coi hội nghị thượng đỉnh giữa các cường quốc hạt nhân lớn trên thế giới là điều “cần thiết”.
Trong khi đó, Trung Quốc khẳng định tuyên bố này giúp tăng cường sự tin cậy lẫn nhau giữa các cường quốc thế giới. Tân Hoa xã dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Mã Triều Húc nhấn mạnh: "Tuyên bố chung của 5 nhà lãnh đạo các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ giúp tăng cường sự tin cậy lẫn nhau và thay thế sự cạnh tranh giữa các cường quốc bằng sự hợp tác".
Ngày 3/1, Trung Quốc, Nga, Anh, Mỹ và Pháp đã nhất trí ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân và tránh để xảy ra chiến tranh hạt nhân.
Trong một tuyên bố hiếm hoi, 5 cường quốc hạt nhân của thế giới đồng thời là 5 quốc gia thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ khẳng định “không thể có quốc gia nào giành chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân” và cuộc chiến này không bao giờ nên xảy ra. Tuyên bố chung nhấn mạnh: “Việc sử dụng hạt nhân sẽ gây ra những hậu quả sâu rộng, chúng tôi cũng khẳng định rằng, đến khi nào chúng ta còn tồn tại, vũ khí hạt nhân phải phục vụ các mục đích phòng thủ, ngăn chặn sự xâm lược và chiến tranh. Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng cần phải ngăn chặn sự phổ biến rộng rãi hơn nữa của những loại vũ khí này".
Tuyên bố trên được công bố trước thềm một hội nghị dự kiến của Liên hợp quốc nhằm rà soát Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Các hội nghị rà soát được tổ chức 5 năm một lần kể từ năm 1975.