Đây là kết quả nghiên cứu theo dõi sự dịch chuyển của các vùng khí hậu nóng hơn về phía Bắc ở Mỹ do tình trạng Trái Đất ấm lên và biến đổi khí hậu. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications ngày 12/2.
Dựa trên 2 kịch bản về khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nhóm nghiên cứu dự báo những thay đổi khí hậu tại 540 thành phố của Mỹ, nơi sinh sống của 250 triệu dân, trong 60 năm tới.
Cụ thể, nếu khí gây hiệu ứng nhà kính giữ ở mức hiện nay, các nhà khoa học ước tính các vùng khí hậu tại Mỹ sẽ dịch chuyển trung bình 850 km. Theo đó, những người sống ở thành thị hiện nay sẽ phải di chuyển gần 1.000 km, chủ yếu về phía Nam, để biết khí hậu ở thành phố họ sinh sống hiện nay sẽ như thế nào vào năm 2080. Trong 2 thế hệ, tức 60 năm tới, thủ đô Washington của Mỹ sẽ trở nên oi bức như các thành phố Memphis hoặc Jackson, thuộc bang Mississippi.
Nếu con người giảm được mức độ ô nhiễm để hạn chế mức tăng nhiệt toàn cầu ở mức 3 độ C, sự dịch chuyển của các vùng khí hậu sẽ giảm mạnh, song vẫn xa hàng trăm km.
Trưởng nhóm nghiên cứu Matthew Fitzpatrick, Giáo sư tại Đại học Trung tâm Khoa học Môi trường Maryland, cho biết khí hậu ở khu vực Bắc Mỹ căn bản sẽ khác so với ngày nay, cho dù các nước đạt mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu là kìm hãm mức tăng nhiệt của Trái Đất dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Khí hậu của nhiều vùng ven biển phía Đông từ thành phố Boston sẽ dịch chuyển sang vùng khí hậu cận nhiệt đới, trong khi nhiều vùng ở phía Tây và Tây Nam sẽ trở nên khô nóng giống sa mạc hơn. Tương tự với châu Âu, một số khu vực sẽ trở nên nóng và khô hơn trong khi những nơi khác sẽ có nhiều mưa và ẩm ướt hơn.
Tác giả Fitzpatrick chỉ ra những mặt tiêu cực có thể xảy ra do sự dịch chuyển vùng khí hậu, bao gồm giá lương thực tăng, nguồn nước khan hiếm, nhu cầu sử dụng điều hòa nhiệt độ tăng, vùng ven biển bị ngập úng, hiện tượng thời tiết cực đoan gia tăng, sâu bọ và bệnh dịch xuất hiện nhiều hơn.