Theo mạng tin Eurasianet.org ngày 8/9, Armenia đang nổi lên như một điểm nóng về năng lượng hạt nhân khi nước này cân nhắc rút khỏi thỏa thuận với Nga để hợp tác với Mỹ. Nhà máy điện hạt nhân Metsamor, được xây dựng từ năm 1976, đã hoạt động gần hết vòng đời và hiện đóng góp khoảng 40% nhu cầu điện của Armenia. Mặc dù Armenia đã ký thỏa thuận với Nga vào cuối năm 2023 để nâng cấp và kéo dài hoạt động của nhà máy đến năm 2036, nhưng với mối quan hệ song phương đang rơi vào tình trạng bế tắc, Yerevan đang tìm kiếm các lựa chọn năng lượng hạt nhân khác nhằm giảm bớt phụ thuộc vào Moskva.
Trong bối cảnh quan hệ giữa Armenia và Nga đang xấu đi, các quan chức chính phủ Armenia đã bày tỏ quan tâm đến hợp tác với Mỹ để xây dựng một nhà máy hạt nhân mới. Armenia đang tìm cách xây dựng một nhà máy điện hạt nhân hiện đại hơn, đồng thời giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga, đặc biệt là khi nhà máy Metsamor đã bị lo ngại về an toàn trong nhiều năm qua. Vào tháng 8/2023, Metsamor đã phải tạm dừng hoạt động sau khi bị sét đánh, làm dấy lên lo ngại về tính bền vững và an toàn của cơ sở này.
Chính phủ Armenia đã bắt đầu các cuộc thảo luận với Mỹ về khả năng xây dựng một nhà máy điện hạt nhân mới với sự hỗ trợ từ Washington. Armen Grigoryan, Thư ký Hội đồng An ninh Armenia, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết lập một "khung pháp lý" để đảm bảo việc chuyển giao công nghệ hạt nhân được thực hiện theo đúng luật pháp Mỹ và tuân thủ các biện pháp bảo vệ an ninh.
Để tiến hành hợp tác với Mỹ, Armenia cần phải ký kết Hiệp định 123 - một thỏa thuận song phương cho phép chuyển giao công nghệ hạt nhân và chia sẻ kiến thức kỹ thuật, điều kiện cần thiết để bắt đầu xây dựng nhà máy mới. Việc ký kết này phụ thuộc vào việc Armenia tuân thủ các nguyên tắc không phổ biến vũ khí hạt nhân, nhằm đảm bảo rằng công nghệ này sẽ không được sử dụng cho mục đích quân sự.
Dù chưa có xác nhận chính thức về việc công ty Mỹ nào sẽ nhận được hợp đồng xây dựng nhà máy, nhưng Yerevan đã khẳng định rằng họ vẫn mở cửa cho các đấu thầu cạnh tranh từ các quốc gia khác như Trung Quốc, Pháp và cả Nga.
Hiện tại, Armenia nhập khẩu tới 80% nhu cầu năng lượng từ Nga, phần lớn là nhiên liệu hóa thạch. Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh về năng lượng hạt nhân ở Brussels rằng năng lượng hạt nhân đóng vai trò quan trọng trong chiến lược của Armenia, giúp đảm bảo an ninh năng lượng và giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Tuy vẫn còn nhiều thách thức về mặt pháp lý và kỹ thuật, nhưng quyết tâm của Armenia trong việc xây dựng một nhà máy điện hạt nhân mới với sự hỗ trợ từ Mỹ đánh dấu một sự chuyển đổi quan trọng trong chính sách đối ngoại của quốc gia Nam Kavkaz này.