Từ tháng 8/2018 đến tháng 1/2023, chỉ số chứng khoán S&P 500 đạt mức tăng trung bình hằng năm là 8%, trong khi các mẫu đồng hồ đã qua sử dụng từ các thương hiệu hàng đầu của Thụy Sĩ tăng trưởng với tốc độ hơn gấp đôi.
Theo dữ liệu từ báo cáo, giá trị một số mẫu đồng hồ như Rolex Daytonas, Patek Nautilus và AP Royal Oaks, đã giảm tới 33% kể từ khi thị trường đạt đỉnh vào quý I/2022, song điều này không khiến mức tăng hằng năm bị "lung lay".
Giá sản phẩm của các hãng đồng hồ được gọi là thương hiệu độc lập, bao gồm FP Journe, H. Moser & Cie và De Bethune - một nhà sản xuất nhỏ của Thụy Sĩ do WatchBox sở hữu phần lớn - năm 2022 cũng tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.
Với giá trị tăng liên tục theo thời gian, đồng hồ cao cấp giờ đây được coi như một loại tài sản đầu tư thay thế cho cổ phiếu, trái phiếu, tác phẩm nghệ thuật hay rượu vang.
Trong thời gian từ năm 2012 - 2022, cổ phiếu luôn là lựa chọn đầu tư vượt trội hơn so với đồng hồ xa xỉ, do S&P 500 có tốc độ tăng trưởng kép hằng năm là 12%, trong khi đồng hồ Rolex, Patek và AP tăng trung bình 7% mỗi năm vào giai đoạn này. Tuy nhiên, trong thời kỳ đại dịch COVID-19, đồng hồ cao cấp đã qua sử dụng lại trở thành mặt hàng mà nhiều người tiêu dùng Thế hệ Y và Z, cũng như tầng lớp giàu có nói chung, liên tục "săn lùng" để phục vụ sở thích sưu tập. Giá đồng hồ đã qua sử dụng cũng tương quan với giá tiền điện tử.
Theo dữ liệu báo cáo, thị trường đồng hồ cũ đã tăng lên 24 tỷ USD vào năm 2022, so với thị trường bán lẻ trị giá 55 tỷ USD. Theo dự báo của Boston Consulting Group, thị trường đồng hồ cũ dự kiến sẽ tăng trung bình 9% mỗi năm, đạt 35 tỷ USD vào năm 2026, trong bối cảnh giá đồng hồ liên tục tăng cao và xu hướng sưu tập đồng hồ ngày càng phổ biến.
LuxeConsult - một công ty tư vấn và phân tích độc lập của Thụy Sĩ, gần đây dự báo rằng doanh số bán đồng hồ xa xỉ đã qua sử dụng sẽ vượt qua thị trường bán lẻ sơ cấp vào năm 2033 với doanh thu tăng lên 85 tỷ USD.