Đông Âu lo lắng khi thỏa thuận vận chuyển khí đốt Nga - Ukraine sắp hết hạn

Thỏa thuận vận chuyển khí đốt hiện tại giữa Nga và Ukraine sẽ hết hiệu lực vào cuối năm 2024. Đáng chú ý, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng không còn thời gian để gia hạn hợp đồng. Nhiều chuyên gia nhận định rằng các thành viên Liên minh châu Âu (EU) ở phía Đông “lục địa già” sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Chú thích ảnh
Hệ thống đường ống dẫn khí đốt của Tập đoàn dầu khí Gazprom thuộc Nga. Ảnh: ITAR-TASS/TTXVN

Hiện tại, khí đốt của Nga vẫn đang chảy qua mạng lưới đường ống của Ukraine đến EU. Một số doanh thu mà Nga thu được từ hoạt động xuất khẩu qua Ukraine vẫn nằm ở Kiev dưới dạng phí trung chuyển.

Ngày 19/12, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố, nước này sẽ không gia hạn thỏa thuận vận chuyển khí đốt với Nga. Ukraine không muốn giúp Nga kiếm thêm hàng tỷ USD trong khi xung đột vẫn tiếp diễn.

Tổng thống Nga Putin cũng xác nhận việc chấm dứt hợp đồng. Trong cuộc họp báo ngày 26/12, nhà lãnh đạo Nga nói với các phóng viên rằng không thể đạt được hợp đồng mới trong 3-4 ngày.

Việc chấm dứt thỏa thuận gây lo lắng về nguồn cung khí đốt ở các nước Đông EU không giáp biển, những quốc gia không thể nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) bằng đường biển. Áo, Hungary và Slovakia vẫn phụ thuộc vào khí đốt của Nga thông qua Ukraine. Đó là lý do tại sao chính phủ các quốc gia này mong muốn tiếp tục mua khí đốt của Nga.

Đôi bên có lợi

Chú thích ảnh
Một cơ sở khai thác khí đốt ở gần thành phố Novy Urengoi, Nga. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Trước khi xung đột bùng phát, Nga là nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới và châu Âu là thị trường quan trọng hàng đầu của Moskva. Các chính phủ châu Âu trong khi đó cũng ưu tiên tiếp cận năng lượng giá rẻ.

Mối quan hệ đôi bên cùng có lợi này bắt đầu từ hơn 50 năm trước, khi Liên Xô cần vốn và thiết bị để phát triển các mỏ khí đốt Siberia. Vào thời điểm đó, Tây Đức trong quá trình tìm kiếm nguồn năng lượng giá cả phải chăng cho nền kinh tế đang phát triển và đã ký thỏa thuận ống dẫn khí đốt với Moskva. Từ đây, các nhà sản xuất Tây Đức cung cấp hàng nghìn km đường ống để vận chuyển khí đốt của Nga đến Tây Âu.

Mối quan hệ năng lượng này vẫn tiếp diễn, vì các nhà nhập khẩu châu Âu thường bị ràng buộc vào  hợp đồng dài hạn khó thoát.

Theo viện nghiên cứu Bruegel có trụ sở tại Brussels, tính đến cuối năm 2023, lượng nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu của EU từ Nga lên tới khoảng 1 tỷ USD mỗi tháng, giảm so với mức 16 tỷ USD/tháng vào đầu năm 2022.

Năm 2023, Nga chiếm 15% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của EU, đứng sau Na Uy (30%) và Mỹ (19%). Phần lớn khí đốt của Nga chảy qua đường ống ở Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ. Các nước tiêu thụ chính nguồn khí đốt này bao gồm Áo, Slovakia và Hungary.

Ngoài ra, Tây Ban Nha, Pháp, Bỉ và Hà Lan vẫn nhập khẩu LNG của Nga bằng tàu chở dầu, một số trong số đó được trộn với các nguồn khí đốt khác trong mạng lưới đường ống của châu Âu. Do đó, nó thậm chí có thể đến Đức, bất chấp những nỗ lực của Berlin từ bỏ khí đốt của Nga.

Sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát năm 2022, giá khí đốt tăng mạnh, đôi khi gấp 20 lần, buộc một số nhà máy ở châu Âu phải cắt giảm sản lượng và nhiều doanh nghiệp nhỏ ngừng hoạt động. Giá khí đốt đã giảm kể từ đó nhưng vẫn cao hơn mức trước khủng hoảng, khiến các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng giảm khả năng cạnh tranh.

Người tiêu dùng châu Âu chịu “bão giá năng lượng” và khủng hoảng chi phí sinh hoạt nghiêm trọng, đã quyết định cắt giảm mức tiêu thụ. Theo Ủy ban châu Âu (EC), gần 11% công dân EU phải vật lộn để sưởi ấm nhà cửa đầy đủ vào năm 2023.

EC trấn an, các nước Đông Âu vẫn lo lắng

Chú thích ảnh
Ngọn lửa bếp gas tại Nice, Pháp. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Vào giữa tháng 12, trang tin bloomberg.com (Mỹ) đưa tin rằng việc chấm dứt thỏa thuận Ukraine-Nga đã được đưa vào dự báo thị trường khí đốt châu Âu của EC.

EU tự tin vào khả năng đảm bảo nguồn cung khí đốt thay thế. Bloomberg trích dẫn tài liệu của EC đánh giá: "Với hơn 500 tỷ mét khối LNG được sản xuất mỗi năm trên toàn cầu, việc thay thế khoảng 14 tỷ mét khối khí đốt của Nga quá cảnh qua Ukraine sẽ có tác động không đáng kể đến giá khí đốt tự nhiên của EU".

EU từ lâu lập luận rằng các quốc gia thành viên vẫn nhập khẩu khí đốt của Nga qua Ukraine, đặc biệt là Áo và Slovakia, có thể xoay xở mà không cần lượng khí đốt này.

Do đó, EC thông báo sẽ không tham gia đàm phán để giữ cho tuyến đường ống này hoạt động. Theo EC, các quốc gia thành viên đã có thể giảm mức tiêu thụ khí đốt 18% kể từ tháng 8/2022 so với mức trung bình 5 năm gần đó. Hơn nữa, Mỹ dự kiến xây dựng thêm các cơ sở sản xuất LNG mới hơn trong 2 năm tới và nguồn cung này nhiều tiềm năng giúp EU giải quyết gián đoạn tiềm ẩn. EC cho biết đã "chuẩn bị tốt".

Bất chấp lời đảm bảo từ EU, Hungary và Slovakia vẫn lo lắng về nguồn cung khí đốt. Thủ tướng Hungary Viktor Orban đang tìm cách duy trì cung cấp khí đốt qua Ukraine. Thủ tướng Orban đã đưa ra ý tưởng mua khí đốt của Nga trước khi đi qua Ukraine.

Ông chia sẻ trong một cuộc họp báo: "Chúng tôi hiện đang thử gợi ý này... rằng khi khí đốt đi vào lãnh thổ Ukraine, sẽ không còn là của Nga nữa mà thuộc quyền sở hữu của người mua. Vì vậy, khí đốt đi vào Ukraine sẽ không còn là khí đốt của Nga nữa mà sẽ là khí đốt của Hungary".

Slovakia có cách tiếp cận mạnh mẽ hơn, đe dọa sẽ có biện pháp đáp trả Ukraine. Thủ tướng Robert Fico đề xuất dừng cung cấp điện khẩn cấp cho Ukraine sau ngày 1/1/2025 nếu không đạt được thỏa thuận về khí đốt Nga trung chuyển qua đường ống Ukraine. Thủ tướng Fico nhận định việc duy trì vận chuyển khí đốt không chỉ là vấn đề song phương với các nước láng giềng Ukraine mà còn là vấn đề của toàn EU.

Ngày 25/12, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak tuyên bố Moskva sẵn sàng tiếp tục cung cấp khí đốt cho châu Âu qua nhiều tuyến đường, không chỉ bằng đường trung chuyển qua Ukraine.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo DW)
Liệu LNG từ Mỹ có lấp đầy được khoảng trống khí đốt Nga tại châu Âu?
Liệu LNG từ Mỹ có lấp đầy được khoảng trống khí đốt Nga tại châu Âu?

Việc thay thế khí đốt của Nga bằng LNG của Mỹ có thể làm tăng chi phí vận chuyển và giá cả ở châu Âu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN