Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, chiếm 30% lực lượng lao động, nông nghiệp là một trong những hoạt động kinh tế chủ chốt của Thái Lan. Quốc gia Đông Nam Á này luôn nằm trong số những nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, được coi là vựa trái cây nhiệt đới của khu vực, tuy vậy ngành nông nghiệp chỉ đóng góp 8-9% vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Nông nghiệp Thái Lan cũng đang đứng trước nhiều thách thức như vấn đề già hoá dân số, tỷ lệ hộ gia đình nông dân mắc nợ cao, tỷ lệ áp dụng công nghệ để nâng cao năng suất mùa vụ còn thấp, tỷ lệ canh tác hữu cơ (không sử dụng phân bón hoá học) không đáng kể, dễ bị tổn thương do tác động của thời tiết, thiên tai.
Định hướng phát triển nông nghiệp của Thái Lan tập trung vào 4 vấn đề chính gồm thực hiện mô hình kinh tế Sinh học – Tuần hoàn – Xanh (BCG) trong nông nghiệp và tăng năng suất bằng canh tác quy mô lớn; khuyến khích tăng trưởng các mùa vụ có giá trị cao như rau, quả và cây trồng hữu cơ để xuất khẩu; khuyến khích tăng trưởng các loài cây trồng có thể sử dụng làm thức ăn có nguồn gốc thực vật để hỗ trợ xu hướng an ninh lương thực trong tương lai; và tăng tỷ lệ nông dân sử dụng công nghệ trực tuyến. Từ các định hướng này, trong những năm qua, Chính phủ Thái Lan đã có nhiều chính sách biện pháp, đặc biệt kết hợp với khu vực tư nhân trong lĩnh vực phát triển công nghệ để giúp người nông dân đổi mới cách làm nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững và có tính cạnh tranh cao hơn.
Nông trang Kubota - một dự án phát triển nông nghiệp hiện đại tại tỉnh Chonburi thuộc khu vực Hành lang kinh tế phía Đông của Thái Lan, được xem là một hình mẫu về chuyển giao kiến thức liên quan đến các giải pháp máy móc và giải pháp nông nghiệp để cải thiện năng lực nông nghiệp theo các định hướng đã được chính phủ nước này đề ra.
Do công ty Siam Kubota Corporation Co., Ltd., một liên doanh giữa Thái Lan và Nhật Bản điều hành, trang trại này được thiết kế theo khái niệm quy trình đầu cuối, đại diện cho một chu kỳ nông nghiệp hoàn chỉnh từ khâu làm đất, gieo hạt, chăm sóc, thu hoạch, sau thu hoạch tới tiêu thụ. Theo chia sẻ của chủ tịch Siam Kubota, ông Junji Ota, mục đích của Nông trang Kobuta là phát triển ngành nông nghiệp Thái Lan sang mô hình nông nghiệp thông minh bằng việc vận dụng lý thuyết nông nghiệp mới, sử dụng dữ liệu lớn trong canh tác mùa vụ và phân bổ tài nguyên, chẳng hạn như lượng nước tưới tiêu và nhiệt độ thích hợp cho từng loại cây trồng.
Nông trang Kubota hiện tại được phân bố thành 10 khu vực khác nhau, bao gồm khu Nông nghiệp Chính xác cho trồng lúa và luân canh, khu Nông nghiệp Lý thuyết mới thể hiện mô hình nông nghiệp mẫu theo triết lý kinh tế vừa đủ của Hoàng gia và việc triển khai thực tế thông qua việc sử dụng các giải pháp máy móc và nông nghiệp lý thuyết mới, khu Xây dựng trưng bày các giải pháp máy móc Kubota cho trồng trọt và xây dựng chuyên nghiệp, khu Nghiên cứu giới thiệu các nghiên cứu về các giải pháp cây trồng và đổi mới nông nghiệp toàn diện với sự cộng tác của Cục Phát triển Đất đai, khu Trang trại Trồng trọt hiện đại trưng bày các giải pháp tổng thể về quy trình canh tác hiện đại cho cây trồng trên đồng ruộng, bao gồm sắn, mía và giới thiệu kỹ thuật “Không đốt” theo khái niệm canh tác chính xác để giảm chi phí, song tăng thu nhập và năng suất nhờ sử dụng máy móc nông nghiệp… Toàn bộ 10 khu vực này cung cấp 86 giải pháp nông nghiệp, là kết quả của sự cộng tác trong nghiên cứu và phát triển với các đối tác, bao gồm khu vực chính phủ, khu vực tư nhân và các viện giáo dục ở Thái Lan.
Cũng theo ông Junji Ota, sự hợp tác giữa các đối tác nhằm giảm thiểu các rủi ro do thiên tai gây ra, giảm chi phí, nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm, tạo thu nhập bền vững, nhờ đó giúp cải thiện đời sống của nông dân Thái Lan.
Mục tiêu của Kubota là lan toả tập quán làm nông nghiệp hiện đại tại các địa phương trong nước, nhờ đó nâng cao tính cạnh tranh của nông nghiệp Thái Lan trên thị trường toàn cầu. Chia sẻ với phóng viên TTXVN, ông Pisanu Milintanuch, trợ lý giám đốc điều hành phụ trách các vấn đề chung, bán hàng, tiếp thị và dịch vụ của Siam Kubota cho biết đến nay, nông trang Kubota đã đón tiếp hơn 50.000 khách, bao gồm cả nông dân, quan chức chính phủ, đại diện khu vực tư nhân của Thái Lan và nước ngoài tới tham quan và tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm làm nông nghiệp thông minh.
Theo mô hình phát triển kinh tế BCG, Siam Kubota đã phổ biến các sáng kiến đổi mới và giải pháp bền vững tới các cánh đồng của nông dân thực thụ. Công ty này hiện có quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp cộng đồng và hợp tác xã tại 59 tỉnh của Thái Lan, với các dự án có sự tham gia của hơn 17.000 nông dân nhằm phát triển các cộng đồng nông nghiệp, chế biến nông sản và nâng cao nguồn lực con người.
Có thể nói năng lực nông nghiệp Thái Lan hiện tại đã có sự phát triển đáng kể nhờ các sáng kiến chính sách và hỗ trợ từ chính phủ, sự hưởng ứng tham gia tích cực của khu vực tư nhân. Với những kiến thức toàn diện được phổ biến từ những mô hình như Nông trang Kobuta, nông dân Thái Lan có thể sử dụng phân tích dữ liệu để lập kế hoạch và thiết kế quản lý canh tác hiệu quả hơn nhằm giảm bớt lao động thủ công, tăng năng suất và độ chính xác, cắt giảm chi phí và tạo thu nhập bền vững.