Theo hãng tin AFP, ít nhất 81 người tử vong và hàng nghìn người mất nhà cửa sau trận động đất mạnh 6,2 độ xảy ra sáng sớm 15/1 tại thành phố Mamuju.
Các bác sĩ phải đeo khẩu trang khi điều trị cho các bệnh nhân bị gãy tay chân và các vết thương khác tại một trung tâm y tế dã chiến được dựng lên tạm thời bên ngoài một bệnh viện duy nhất còn nguyên vẹn sau trận động đất.
"Người bị thương tiếp tục được đưa đến. Đây là bệnh viện duy nhất còn hoạt động trong thành phố. Nhiều người cần phẫu thuật nhưng chúng tôi bị hạn chế về nguồn lực và thuốc men", Nurwardi, quản lý hoạt động tại Bệnh viện Đa khoa Tây Sulawesi trả lời phỏng vấn hãng AFP. Hiện bệnh viện dã chiến này đang bị quá tải do thiếu nhân viên, và những người đang làm việc cũng hoạt động hết năng suất bất chấp nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2.
Ngày 18/1, Indonesia ghi nhận thêm 9.086 ca mắc bệnh COVID-19, nâng tổng số ca mắc bệnh tại quốc gia này lên là 917.015 ca. Thông báo của Bộ Y tế Indonesia (DOH) cho biết tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại quốc gia này cũng lên 26.282 ca, tăng 295 ca so với một ngày trước đó. Hiện toàn bộ 34 tỉnh trên cả nước đều có ca nhiễm.
Bệnh viện đang nỗ lực để mở rộng thêm phòng phẫu thuật và dựng lều bổ sung bên ngoài điều trị cho những người bị thương. Theo các bác sĩ tại đây, phần lớn bệnh nhân đều không muốn vào trong tòa nhà bệnh viện điều trị vì lo sợ một trận động đất khác ập đến có thể làm sập tòa nhà.
"Nhiều bệnh nhân không muốn điều trị trong bệnh viện vì họ lo sợ về một trận động đất khác. Không chỉ họ, các bác sĩ cũng sợ hãi khi ở bên trong tòa nhà”, nhà quản lý Nurwardi cho hay.
Hiện vẫn chưa rõ còn bao nhiêu người đang mắc kẹt dưới những đóng đổ nát hơn ba ngày sau thảm họa. Theo dữ liệu chính thức, ít nhất 18 người đã được kéo ra khỏi đống đổ nát, trong đó có một cặp chị em. Phần lớn thi thể của 81 người tử vong trong trận động đất lớn được tìm thấy ở Mamuju.
Trận động đất cũng khiến khoảng 19.000 người mất nhà cửa. Những người này cho biết họ đang cạn kiệt thức ăn, chăn màn và các vật dụng viện trợ khác. Nhiều người sống sót đã không thể trở về ngôi nhà của họ do bị phá hủy và họ cũng lo sợ nguy cơ sóng thần thường xảy ra sau các trận động đất mạnh.
Indonesia, quốc gia Đông Nam Á với gần 270 triệu dân, đã hứng chịu một loạt thiên tai trong tuần trước, bao gồm sạt lở chết người, lũ lụt và núi lửa phun trào.
Quốc gia thường xuyên phải hứng chịu các hoạt động địa chấn và núi lửa do nằm trên "Vành đai lửa" Thái Bình Dương - nơi các mảng kiến tạo va chạm.
Ngày 26/12/2004, một trận động đất lớn 9,1 độ xảy ra ngoài khơi đảo Sumatra đã gây ra sóng thần giết chết 220.000 người tại khu vực, trong đó có 170.000 người ở Indonesia. Đây được đánh giá là một trong những thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất được ghi nhận trong lịch sử.