Theo đó, các lái xe đã bắt đầu đình công từ ngày 7/6, làm đình đốn lưu thông hàng hóa tại các cảng và nhà máy của nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á. Biểu tình nhằm phản đối quyết định chấm dứt đảm bảo lương tối thiểu và tình trạng chi phí gia tăng. Trong thông báo ngày 10/6, Bộ Đất đai, cơ sở hạ tầng và giao thông Hàn Quốc cho biết đã xảy ra tình trạng gián đoạn trong các lĩnh vực sản xuất ô tô, xi măng và thép.
Hàn Quốc cũng là nhà xuất khẩu chip bán dẫn lớn nhất thế giới, với công ty hàng đầu về chip Samsung Electronics, cùng các công ty sản xuất ô tô lớn như Kia và Hyundai Motors. Chính vì vậy, biểu tình làm dấy lên lo ngại chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã tắc nghẽn vì các biện pháp phong tỏa trong thời gian đại dịch COVID-19 hoành hành và ảnh hưởng từ cuộc xung đột tại Ukraine, sẽ tiếp tục chịu thêm áp lực. Thông báo của bộ trên nêu rõ Chính phủ Hàn Quốc đang nỗ lực giảm thiểu tác động bằng cách huy động các hình thức giao thông thay thế.
Theo ước tính của Bộ Đất đai, cơ sở hạ tầng và giao thông Hàn Quốc, khoảng 7.800 lái xe tải đã tham gia biểu tình, tương đương khoảng 35% thành viên Nghiệp đoàn tài xế xe tải chở hàng Hàn Quốc. Các lái xe bức xúc vì tình trạng chi phí nhiên liệu tăng cao trong bối cảnh lạm phát tại Hàn Quốc trong tháng 5 đã tăng lên mức cao nhất trong hơn một thập kỷ. Đây cũng là đợt đình công lớn đầu tiên xảy ra kể từ khi Tổng thống Yoon Suk-yeol nhậm chức vào tháng trước.
Trong phát biểu ngày 10/6, Tổng thống Yoon khẳng định chính phủ sẽ không can thiệp, đồng thời cho rằng người lao động và giới quản lý cần tự giải quyết mâu thuẫn. Ông Yoon tin rằng chỉ khi chính phủ đảm bảo duy trì luật pháp và các nguyên tắc, duy trì thái độ trung lập thì người lao động và giới quản lý mới có thể tự giải quyết những mâu thuẫn.