Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2012: Tìm hướng giải quyết khủng hoảng kinh tế thế giới

Với chủ đề chính là cuộc khủng hoảng ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) lần thứ 42 đã được tổ chức  tại Davos (Thụy Sĩ) từ ngày 25 đến  29/1. WEF 2012 diễn ra  trong nỗi lo âu về cơ hội phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, giữa bối cảnh một số thành viên Liên minh châu Âu (EU) chìm ngập trong gánh nặng nợ nần, trong khi giới phân tích nhận định thế giới đang đối mặt với những nguy cơ ngày càng tăng ở một quy mô chưa từng có trong nhiều thập kỷ qua.

Trọng tâm là vấn đề Eurozone

Phát biểu trước WEF 2012 ngày 29/1, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde cho rằng, việc khôi phục lại sự ổn định của Eurozone vẫn là vấn đề quan trọng hàng đầu đối với kinh tế toàn cầu. Bà Lagarde nhấn mạnh: "Đây không chỉ là cuộc khủng hoảng ở khu vực đồng euro. Đây là cuộc khủng hoảng có những tác động lớn và lan tỏa trên toàn thế giới. Mọi người đều có lợi khi cuộc khủng hoảng này được giải quyết".

Các thành viên của phong trào "Chiếm lấy WEF" biểu tình ở Davos ngày 28/1. Ảnh: AFP/TTXVN


Trong khi đó, Thủ tướng Anh David Cameron cho rằng EU hiện chưa có bất kỳ nhân tố then chốt nào có thể hỗ trợ cho một đồng tiền thành công. Tại Diễn đàn Davos, Thủ tướng Cameron đã nhấn mạnh một loạt nhân tố then chốt có thể giúp các đơn vị tiền tệ thành công, bao gồm một ngân hàng trung ương có khả năng đứng vững, một hệ thống tài chính, sự hội nhập kinh tế sâu rộng nhất có thể, khả năng linh hoạt trong việc ứng phó với những cú sốc kinh tế, một hệ thống giao dịch tài chính... Ông Cameron cũng cho rằng, nếu các nước có một cấu trúc kinh tế đủ chặt chẽ, chắc chắn sẽ hạn chế được những căng thẳng gia tăng. Ông kêu gọi các nước EU có những hành động mạnh mẽ để thoát khỏi các gánh nặng và giành lại sức cạnh tranh.

Tuy nhiên, WEF 2012 cũng ghi nhận và tỏ thái độ lạc quan về các nỗ lực giải quyết khủng hoảng tại Eurozone. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi nhận định, khu vực đồng euro  đã đạt tiến bộ lớn trong giải quyết khủng hoảng nợ công. So với cách đây 5 tháng, khu vực này "đã trở thành một thế giới khác". Những sai lầm về nguyên tắc cơ bản, từng là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, đã được giải quyết. Nhiều vấn đề đã được thảo luận và soạn thảo thành văn bản. Các nước thành viên khu vực hiện sẵn sàng hy sinh lợi ích quốc gia để đạt đồng thuận về một công ước tài chính mới, yếu tố mang tính quyết định đối với nỗ lực giải quyết khủng hoảng nợ công. Ông Draghi kêu gọi các nước thành viên Eurozone hành động nhanh hơn để biến quyết tâm thành hành động cụ thể.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner thì khẳng định, đã có những dấu hiệu chứng tỏ thời kỳ khủng hoảng nợ công nghiêm trọng nhất ở châu Âu đã qua. Ông Geithner thừa nhận trong 2 tháng qua, EU đã đặt nền tảng cho một khuôn khổ mới đáng tin cậy hơn. Một số chính phủ như Italia, Hy Lạp và Tây Ban Nha đã hành động kiên quyết để ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ.

Về phần mình, Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne đã ca ngợi những nỗ lực của các nhà lãnh đạo châu Âu trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng tại Eurozone, trong đó có việc huy động các nguồn lực tài chính và tìm cách giảm nợ. Tuy nhiên, ông Osborne cho rằng cần phải hành động quyết liệt hơn nữa trong thời gian tới.

Hoài nghi về chủ nghĩa tư bản

Đáng chú ý là tại WEF 2012 đã có những ý kiến nêu ra sự bất cập của chủ nghĩa tư bản hiện đại và yêu cầu cấp thiết phải thay đổi mô hình phát triển của chủ nghĩa tư bản. Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn Davos, ông Klaus Schwab, nêu ra câu hỏi quan trọng là liệu chủ nghĩa tư bản còn phù hợp với thế giới ngày nay. Theo ông Schwab, không rút ra được những bài học từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, chủ nghĩa tư bản trong trạng thái hiện nay không còn phù hợp, đã thất bại trong việc giải quyết các vấn đề và nguy cơ mà thế giới đang phải đối mặt và sau đó có thể dẫn thế giới rơi vào tình trạng "lạc lối" với kinh tế suy giảm, xã hội rối loạn đi kèm với các chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa dân tộc. Ông Schwab kêu gọi cải cách mô hình cũ để theo kịp với sự chuyển đổi của thế giới đang diễn ra.

Khép lại với những tranh cãi, lo âu và nhiều vấn đề còn để ngỏ, WEF 2012 được giới phân tích đánh giá là một cơ hội quan trọng giúp thế giới nhìn lại chặng đường 2011 đầy sóng gió và hướng tới một tương lai tươi sáng hơn của Eurozone nói riêng và nền kinh tế toàn cầu nói chung.

Hồng Hạnh

Nông nghiệp Việt Nam được đề cao tại WEF 2012

Tại phiên họp chuyên đề bàn về việc triển khai thực hiện “Tầm nhìn mới trong nông nghiệp” diễn ra trong khuôn khổ WEF 2012, Việt Nam đã được nêu lên như một điển hình xuất sắc cho việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp ở các nước đang phát triển.

Đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát dẫn đầu đã tham dự phiên họp chuyên đề này với sự tham gia của hơn 100 đại biểu, trong đó có nhiều nguyên thủ và quan chức cao cấp các nước cùng 50 lãnh đạo các công ty, tập đoàn đa quốc gia và nhiều tổ chức quốc tế.

Việt Nam chính thức tham gia sáng kiến “Tầm nhìn mới trong nông nghiệp” từ năm 2010. Đây là sáng kiến của WEF nhằm tăng sản lượng nông nghiệp lên 20%, trong khi giảm 20% tỷ lệ đói nghèo và giảm 20% mức phát thải cácbon trong 10 năm.

Lê Thanh (P/v TTXVN tại Thụy Sĩ)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN