Dịch COVID-19: Trên 16.600 ca mắc tại Đức, 1.326 ca tử vong ở Tây Ban Nha

Ngày 21/3, giới chức y tế Đức thông báo số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại quốc gia này tăng thêm 2.705 ca chỉ trong một ngày, nâng tổng số ca nhiễm lên 16.662.

Chú thích ảnh
 Người dân đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại Barcelona, Tây Ban Nha, ngày 18/3/2020. Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Viện Robert Kochs cho biết tới nay có tổng cộng 47 người tử vong sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus này, tăng 16 ca so với một ngày trước đó.

Trong khi đó, số liệu mới được Bộ Y tế Tây Ban Nha cập nhật cũng cho thấy số ca tử vong vì dịch bệnh COVID-19 tại quốc gia này tăng lên tổng số 1.326 ca trong ngày 21/3, cao hơn nhiều mức 1.002 ca của một ngày trước đó. Số ca xác nhận nhiễm bệnh tại Tây Ban Nha trong ngày cũng tăng lên mức 24.926 từ mức 19.980 ca ngày 20/3. 

Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại Rome, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula Von der Leyen thông báo đình chỉ Hiệp ước Ổn định để hỗ trợ các quốc gia thành viên quản lý tốt hơn tình trạng khẩn cấp dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Theo đó, Italy có thể bơm thêm tiền vào nền kinh tế khi cần. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử EC đình chỉ Hiệp ước Ổn định. 

Trả lời nhật báo Il Corriere Della Sera của Italy, Chủ tịch EC khẳng định không một quốc gia thành viên EU nào có thể đơn phương đối mặt với mối đe dọa và mọi công cụ hữu ích sẽ được đưa ra bàn thảo, đồng thời nêu rõ EU sẽ không bao giờ cho phép lợi ích của các quốc gia riêng lẻ chiếm ưu thế. EU sẽ làm mọi việc có thể để hỗ trợ Italy. Chủ tịch EC cho rằng virus không có biên giới, các nước thành viên phải cùng nhau đối mặt với mối đe dọa này và EU sẽ mạnh hơn khi đoàn kết. EC sẽ áp dụng linh hoạt tối đa trong hỗ trợ các quốc gia và với việc tạm ngừng Hiệp ước Bình ổn, Chính phủ Italy có thể hỗ trợ các doanh nghiệp, thị trường lao động và đầu tư hơn nữa vào hệ thống y tế.

Các quy định của EU yêu cầu chính phủ các nước thành viên phải cắt giảm thâm hụt ngân sách về mức cân bằng hoặc thặng dư và phải giảm tỷ lệ nợ công/GDP (Tổng sản phẩm quốc nội) hằng năm tới mức bằng hoặc thấp hơn 60%. Với quyết định kể trên, các quốc gia thành viên sẽ có thể bỏ qua một số yêu cầu, để thực hiện các biện pháp để ứng phó khủng hoảng một các hợp lý. Chính phủ Italy thời gian qua đã phải chật vật tìm cách giảm tỷ lệ nợ công/GDP ở mức 137% do tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm và những khoản vay bổ sung để xoa dịu những tác động của dịch bệnh.

Cũng theo Chủ tịch EC, khi một số quốc gia thành viên đã đóng của biên giới nội bộ, EU ngay lập tức thảo luận về các hành lang dành riêng cho hoạt động vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm cần thiết và thiết bị y tế trong bối cảnh khủng hoảng COVID-19. Bà Ursula Von der Leyen khẳng định EC ưu tiên duy trì thị trường chung châu Âu hoạt động và linh hoạt nhất có thể.

Hải Linh - Lê Ánh (TTXVN)
Viện Robert Koch của Đức cảnh báo mức độ nguy hiểm của dịch COVID-19
Viện Robert Koch của Đức cảnh báo mức độ nguy hiểm của dịch COVID-19

Ngày 20/3, Viện Kiểm soát dịch bệnh Robert Koch (RKI) của Đức một lần nữa xác nhận mức độ nguy hiểm của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đồng thời kêu gọi người dân ý thức hơn nữa trong việc phòng tránh và thực hiện nghiêm túc các quy định do chính phủ đưa ra.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN