Bản đồ năm 2023 của Liên đoàn Béo phì Thế giới (WOF) dự đoán rằng 51% dân số thế giới, tương đương 4 tỷ người, sẽ bị béo phì hoặc thừa cân trong vòng 12 năm tới.
Theo báo cáo này, tỷ lệ béo phì đang gia tăng đặc biệt nhanh chóng ở trẻ em và ở các nước có thu nhập thấp. Chủ tịch WOF Louise Baur đánh giá dữ liệu này là “cảnh báo rõ ràng” và các nhà hoạch định chính sách cần hành động ngay bây giờ để ngăn chặn tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Bà đồng thời nhấn mạnh: “Thật đáng lo ngại khi thấy tỷ lệ béo phì gia tăng nhanh nhất trong nhóm trẻ em và thanh thiếu niên. Chính phủ và các nhà hoạch định chính sách trên khắp thế giới cần làm tất cả những gì có thể để tránh viễn cảnh thế hệ trẻ phải trả giá về sức khỏe, xã hội và kinh tế”.
Trong báo cáo còn có nội dung rằng béo phì ở trẻ em có thể tăng hơn gấp đôi so với mức năm 2020, lên 208 triệu bé trai và 175 triệu bé gái vào năm 2035. Từ đó, gánh nặng chi phí đối với xã hội do tình trạng sức khỏe liên quan đến thừa cân là đáng kể.
WOF đánh giá đến 2035, chi phí này trên 4 nghìn tỷ USD hàng năm, tương đương 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Tuy nhiên, các tác giả của báo cáo cho biết họ không đổ lỗi cho các cá nhân mà kêu gọi tập trung vào các yếu tố xã hội, môi trường và sinh học liên quan đến các điều kiện.
Báo cáo sử dụng chỉ số khối cơ thể (BMI) để đánh giá, con số được tính bằng cách lấy cân nặng của một người theo kilogram chia cho bình phương chiều cao tính bằng mét.
Theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chỉ số BMI trên 25 là thừa cân và trên 30 là béo phì. Vào năm 2020, 2,6 tỷ người rơi vào các nhóm này, tương đương 38% dân số thế giới.
Báo cáo cũng cho thấy rằng hầu hết các quốc gia dự kiến rơi vào tình trạng béo phì gia tăng mạnh nhất trong những năm tới là những nước có thu nhập thấp hoặc trung bình ở châu Á và châu Phi. Dữ liệu trong báo cáo sẽ được đệ trình cho các nhà hoạch định chính sách của Liên hợp quốc và các quốc gia thành viên vào tuần tới.