Cụ thể, "Trăng máu" (Blood moon) có nghĩa là "nguyệt thực toàn phần" - hiện tượng trăng bị bóng Trái đất che khuất. Nguyệt thực sẽ khiến trăng đổi sang màu đỏ hoặc cam, nên còn được gọi là "trăng máu".
Lần này "Trăng máu" lại diễn ra cùng thời điểm Mặt trăng có quỹ đạo gần với Trái đất (Siêu trăng - Super moon), nên mới có tên là Siêu trăng máu, khi Mặt trăng xuất hiện với kích thước lớn nhất, to hơn bình thường từ 10-15%.
Chưa hết, hiện tượng Siêu trăng và "Trăng máu" còn trùng khớp với hiện tượng "Trăng sói" (Wolf moon), cái tên xuất phát từ thổ dân châu Mỹ để chỉ lần lần trăng tròn đầu tiên của tháng 1 - thời điểm những đàn sói thường tru lên trong đêm.
Xem video giới thiệu hiện tượng Siêu trăng máu - trăng sói vào đêm 20/1:
Tuy nhiên, theo thông báo của NASA, sẽ chỉ có một nửa thế giới được quan sát hiện tượng Siêu trăng máu - Ttrăng sói lần này, và rất tiếc là không có Việt Nam cũng như các nước châu Á khác.
Theo NASA, nếu bầu trời quang thì hiện tượng Siêu trăng máu sẽ được nhìn thấy rõ trên khắp Bắc Mỹ, Nam Mỹ, đảo Greenland, Iceland, Ireland, Anh, Na Uy, Thụy Điển, Bồ Đào Nha, Pháp và Tây Ban Nha. Phần còn lại của châu Âu và châu Phi cũng có thể quan sát một phần hiện tượng Siêu trăng máu -Trăng sói này.
"Trăng máu" sẽ bắt đầu vào lúc 23h41 đêm 20/1 (theo giờ Bờ Đông Mỹ), tức 11h41 ngày 21/1 theo giờ Việt Nam. Hiện tượng này sẽ kéo dài khoảng 62 phút, tuy nhiên nếu tính cả thời gian nguyệt thực một phần thì hiện tượng Siêu trăng lần này sẽ kéo dài tới 3 tiếng rưỡi.
Người dân sẽ không cần bất cứ thiết bị đặc biệt nào để ngắm Siêu trăng máu - Trăng sói. Tuy nhiên, để ngắm trăng hoặc chụp ảnh được đẹp hơn, họ sẽ cần những máy ảnh chuyên nghiệp với ống kính tele hoặc ống nhóm hay kính viễn vọng loại nhỏ. Đây cũng sẽ là trải nghiệm thực tế tuyệt vời về các bài học thiên văn dành cho bọn trẻ.