Đây mới là lý do thực sự khiến Triều Tiên tuyên bố ngừng thử hạt nhân?

Khu thử hạt nhân trong núi của Triều Tiên được cho là đã đổ sập, khiến một số nhà nghiên cứu nghi ngờ đó là lý do thực sự khiến nhà lãnh đạo Kim Jong-un quyết định đóng cửa nơi này và thông báo ngừng chương trình hạt nhân-tên lửa.

Người Hàn Quốc theo dõi ảnh chụp vệ tinh khu vực thử hạt nhân của Triều Tiên, được phát trên truyền hình.

Hôm 21/4, nhà lãnh đạo Triều Tiên tuyên bố sẽ ngừng các cuộc thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa, để tập trung nguồn lực cho phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân. Tuyên bố này được đưa ra ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh liên Triều vào 27/4 và tiếp đó là cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ- Triều dự kiến vào tháng 5 hoặc đầu tháng 6.

Trong tuyên bố trên, ông Kim Jong-un cho biết Triều Tiên sẽ đóng cửa cơ sở hạt nhân Punggye-ri tại núi Mantap – nơi diễn ra 5 trong tổng số 6 vụ thử hạt nhân mà Triều Tiên đã tiến hành. Lý do theo ông là Bình Nhưỡng đã đạt được mục tiêu phát triển vũ khí của mình.

Tuy nhiên theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, các nhà địa chất học, dẫn đầu là các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Khoa học- Công nghệ Trung Quốc ở Hợp Phì (tỉnh An Huy) lại cho rằng, vụ thử hạt nhân gần đây nhất vào tháng 9/2017 đã tạo thành một khoang thủng khổng lồ có đường kính gần 200 mét bên trong núi, sau đó, chính khoang trống này đã bị sập. Nhóm này đã phân tích dữ liệu lấy từ khoảng 2.000 trạm địa chấn.

Nhóm nghiên cứu đứng đầu là ông Wen Lianxing kết luận rằng, vụ sập này xảy ra sau khi Triều Tiên kích nổ đầu đạt nhiệt hạch công suất lớn nhất mà Bình Nhưỡng từng chế tạo trong đường hầm dài nằm sâu khoảng 700 mét tính từ đỉnh núi. Vụ thử hạt nhân mạnh nhất đã biến núi Mantap thành những phiến nứt vỡ bất ổn định.

Đồ hoạ khu vực bãi thử hạt nhân Punggye-ri nằm ở đông bắc Triều Tiên (chấm màu đỏ) và khu vực xảy ra động đất vào ngày 23/9, 12/10/2017 (chấm màu vàng).

Cũng theo nhóm nghiên cứu trên, bụi phóng xạ có thể đã thoát ra qua những vết nứt trên ngọn núi. Các chuyên gia cảnh báo rằng, một vụ nổ tiếp theo ở cùng địa điểm và với công suất 100 kiloton tương tự như vụ nổ ngày 3/9/2017 có thể gây ra một “thảm hoạ môi trường”, theo tờ Wall Street Journal.

“Cần phải tiếp tục quan trắc những chỗ rò vật liệu phóng xạ tiềm tàng, được tạo ra sau vụ sập”, nhóm của ông Wen nói trong tuyên bố về phát hiện của họ, dự kiến sẽ được công bố trên tạp chí Geophysical Research Letters.

Theo tờ Wall Street Journal, Giáo sư địa chất học Wen Lianxing cho biết, những phát hiện của nhóm không bao gồm kết luận rằng, núi Mantap sẽ trở thành vô dụng với những cuộc thử trong tương lai.

Một nhóm nghiên cứu riêng rẽ khác, được dẫn đầu bởi ông Liu Junqing, thuộc Cơ quan động đất Cát Lâm, và Cơ quan động đất Trung Quốc ở Trường Xuân cũng đạt được những kết luận chung nói rằng, “vụ nổ đã tạo ra một khoang trống và một 'ống khói' bằng đá đã bị phá huỷ phía trên nó”. "Hiện tượng 'sập đá' lần đầu tiên được ghi nhận tại địa điểm thử hạt nhân của Triều Tiên”, nhóm của ông Liu Junqing viết trong báo cáo công bố hồi tháng trước trên tạp chí American Geophysical Union của Mỹ.

Một đồng tác giả, giáo sư Li Li, thuộc Viện nghiên cứu địa vật lý – Cơ quan động đất Trung Quốc, phát biểu với tờ Wall Street Journal rằng, bà nghĩ rằng, bãi thử Punggye-ri có thể được sử dụng cho các vụ thử hạt nhân khác.

Cảnh báo từ Trung Quốc?

Triều Tiên coi núi Mantap là địa điểm lý tưởng cho các thí nghiệm hạt nhân trong lòng đất, bởi độ cao của núi so với mực nước biển lên tới trên 2.100 mét và địa hình sườn núi dày, khá bằng phẳng, dường như có thể chịu được những chấn động.

Bề mặt bên ngoài núi Mantap không cho thấy dấu vết tổn hại gì sau 4 lần thử hạt nhân dưới lòng đất từ trước năm 2017. Nhưng vụ thử với đầu đạn công suất 100 kiloton vào ngày 3/9 năm ngoái đã "nung chảy" lớp đá bao quanh bởi sức nóng chưa từng thấy và mở ra khoang trống có đường kính tới 200 mét, theo công bố trên website của nhóm Wen Lianxing hôm 23/4 vừa qua.

Ngoài ra 3 vụ động đất nhỏ từng tấn công các khu vực gần đó cũng có thể góp phần dẫn tới vụ sập.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chứng kiến một vụ phóng tên lửa đạn đạo vào ngày 29/11/2017. Ảnh: Reuters

Những đồn đoán về việc bãi thử của Triều Tiên gặp trục trặc xuất hiện từ khi ông Lee Doh-sik, nhà địa chất học hàng đầu của Triều Tiên, tới thăm Viện nghiên cứu Khoa học Trái Đất thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (ở Bắc Kinh) khoảng 2 tuần sau vụ thử và gặp riêng với các nhà địa chất học cao cấp của chính phủ Trung Quốc.

Mặc dù mục đích chuyến đi của ông Lee không được tiết lộ, nhưng hai ngày sau đó, Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ không tiến hành thêm các vụ thử hạt nhân trong lòng đất nữa.

Ông Hu Xingdou, một học giả tại Bắc Kinh chuyên theo dõi chương trình hạt nhân Triều Tiên nhận định rằng, khả năng cao là Bình Nhưỡng đã nghe theo những khuyến cáo từ Bắc Kinh.

Guo Qiuju, giáo sư Đại học Bắc Kinh, từng tham gia nhóm cố vấn cho chính phủ Trung Quốc về phản ứng khẩn cấp trước mối đe doạ phóng xạ, cho biết, nếu bụi phóng xạ thoát ra qua các khe nứt ở núi Mantap, nó có thể theo gió bay tới vùng biên giới với Trung Quốc. "Tới nay chúng tôi chưa phát hiện sự gia tăng bất thường hàm lượng phóng xạ. Nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi khu vực xung quanh với những thiết bị chính xác cao và phân tích dữ liệu trong các phòng thí nghiệm tiên tiến".

Trong khi đó, ông Zhao Guodong, chuyên gia chất thải hạt nhân tại Đại học Nam Trung Hoa nói rằng, Triều Tiên nên cho phép các nhà khoa học Trung Quốc và các nước khác tới địa điểm thử hạt nhân để đánh giá thiệt hại. "Chúng ta có thể đổ lớp đất dày lên khu vực sập, làm đầy các khe nứt bằng xi măng đặc biệt, hoặc loại bỏ chất ô nhiễm bằng hoá chất", tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng dẫn đề xuất của ông Zhao.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Nhật Bản phản đối thực đơn cho cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều
Nhật Bản phản đối thực đơn cho cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều

Một trong những điều “ngọt ngào” mà Hàn Quốc dự định mang đến cho nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Hội nghị thượng đỉnh lịch sử vào ngày 27/4 đã khiến Nhật Bản bất bình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN