Việc Thượng viện Mỹ thông qua dự thảo Đạo luật về tội ác thù hận trong đại dịch COVID-19 được đánh giá là một dấu mốc trong nỗ lực của chính quyền Tổng thống Biden nhằm bảo vệ cộng đồng người gốc Á. Đây cũng là một thành quả đối nội đáng ghi nhận của ông Biden trong 100 ngày cầm quyền đầu tiên.
Dự thảo Đạo luật về tội ác thù hận trong đại dịch COVID-19 nhận được sự ủng hộ của 96 thượng nghị sĩ và duy nhất 1 phiếu chống. Sự ủng hộ gần như tuyệt đối tại Thượng viện, nơi đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa chia nhau số ghế, cho thấy chính giới hai đảng ngày càng nhận thức được sự cấp bách trong việc ban hành một cơ sở pháp lý để ngăn chặn những vụ bạo lực chống lại người Mỹ gốc Á cũng như xử lý nghiêm minh các đối tượng có hành vi kỳ thị nhằm vào cộng đồng này.
Dự luật trên do hai nghị sĩ gốc Á duy nhất tại Thượng viện là bà Mazie Hirono (bang Hawaii) và bà Tammy Duckworth (bang Illinois) đề xuất, yêu cầu Bộ Tư pháp Mỹ đẩy nhanh tiến độ xem xét các vụ án liên quan đến thù hằn xuất phát từ đại dịch COVID-19, theo đó đề xuất thành lập một văn phòng trực thuộc Bộ Tư pháp với nhiệm vụ xử lý các hành vi tội ác chống lại người Mỹ gốc Á.
Lực lượng thực thi pháp luật ở cấp địa phương sẽ được hỗ trợ trong việc tiếp nhận và giải quyết các vụ bạo lực chống lại người Mỹ gốc Á, đồng thời mở rộng các nguồn lực nhằm cải thiện việc tiếp nhận thông tin về các vụ hận thù, tăng đầu tư nhằm hỗ trợ các nạn nhân. Đáng chú ý, dự luật còn hướng tới việc hạn chế tình trạng sử dụng ngôn từ phân biệt đối xử đang ngày một tăng kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Tháng 5 tới, Hạ viện Mỹ sẽ tiến hành bỏ phiếu về dự thảo đạo luật, song khả năng văn kiện trên được thông qua và trở thành luật là hoàn toàn khả thi khi đảng Dân chủ, vốn nắm quyền kiểm soát tại cơ quan này và cả Tổng thống Biden trước đó đã bày tỏ ủng hộ dự luật. Văn phòng quản lý và ngân sách (OMB) Nhà Trắng khẳng định dự luật mới “sẽ bảo vệ giá trị Mỹ thông qua việc chống lại tư tưởng bài ngoại và căm thù người gốc Á”. Lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer nhấn mạnh dự luật trên là thông điệp gửi tới cộng đồng người Mỹ gốc Á rằng "chính phủ sẽ quan tâm, lắng nghe và hành động để bảo vệ họ".
Đây có thể xem là một thành công của Tổng thống Biden, người đã liên tục hối thúc Quốc hội Mỹ thông qua dự luật ứng phó với tình trạng kỳ thị người gốc Á tại Mỹ. Có thể nói, giải quyết vấn đề phân biệt chủng tộc tại Mỹ nói chung, nạn kỳ thị người gốc Á nói riêng, là một trong những trọng tâm của chính quyền Tổng thống Biden. Chỉ 1 tuần sau khi nhậm chức, ông Biden đã ký một sắc lệnh hành pháp lên án thái độ định kiến và hành vi kỳ thị, bạo lực nhằm vào người Mỹ gốc Á.
Chính phủ Mỹ cũng đã thực thi hàng loạt biện pháp nhằm đối phó với tình trạng này, như thành lập một ủy ban đặc trách về giải quyết và chấm dứt nạn kỳ thị người gốc Á, kêu gọi chính quyền các địa phương quan tâm hơn đến vấn đề này. Mỹ cũng tuyên bố chi gần 50 triệu USD nhằm hỗ trợ những người gốc Á là nạn nhân của tình trạng bạo lực, kỳ thị. Một thư viện ảo gồm các dự án giúp tìm hiểu và tôn vinh những đóng góp của người gốc Á cho nước Mỹ cũng đang được triển khai.
Mới đây, Tổng thống Joe Biden đã bổ nhiệm bà Erika Moritsugu, một người Mỹ gốc Nhật Bản vào vị trí Phó trợ lý tổng thống và điều phối viên cao cấp phụ trách cộng đồng người Mỹ gốc Á và các đảo Thái Bình Dương. Cùng với những biện pháp của chính phủ, việc Thượng viện Mỹ thông qua dự luật trên là hành động cụ thể đầu tiên của các nghị sĩ, thể hiện sự quyết liệt của nhà chức trách Mỹ nhằm giải quyết vấn đề này.
Trên thực tế, các vụ kỳ thị người Mỹ gốc châu Á và các đảo trên Thái Bình Dương (AAPI), vốn chiếm 6,9% dân số Mỹ, đã tồn tại từ lâu trong xã hội nước này và ngày càng gia tăng kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát cách đây hơn 1 năm, một phần xuất nguồn từ những thông tin sai lệch về nguồn gốc virus SARS-CoV-2. Theo một nghiên cứu của Đại học bang California, thành phố San Bernardino, các vụ việc kỳ thị người Mỹ gốc Á đã tăng gần 150% trong năm 2020 tại 16 thành phố lớn nhất của Mỹ, đặc biệt là ở Los Angeles và New York, nơi có đông người gốc Á sinh sống.
Stop Asian American Pacific Islander (AAPI), tổ chức chuyên tổng hợp các vụ việc chống lại người Mỹ gốc Á, cho biết chỉ chưa đầy một năm kể từ khi bùng phát đại dịch COVID-19, trung tâm này đã tiếp nhận báo cáo về 3.795 vụ kỳ thị đối với người gốc Á và các đảo Thái Bình Dương trên toàn nước Mỹ, trong đó số vụ quấy rối bằng lời nói chiếm tới 68%, hành vi né tránh hoặc cố tính né tránh người gốc Á chiếm 20,5% và 11% là các vụ tấn công. Những con số này chỉ là “một phần nhỏ của những gì đang xảy ra”, song cho thấy mức độ phổ biến của các hành vi phân biệt đối xử và các vụ bạo lực chống lại cộng đồng này.
Theo số liệu của Trung tâm Nghiên cứu Pew công bố ngày 22/4, 81% trong số người Mỹ gốc Á tham gia khảo sát nói rằng bạo lực chống lại họ đang gia tăng ở Mỹ. Thậm chí, 45% trong tổng số 352 người trưởng thành gốc Á tham gia khảo sát này chia sẽ rằng họ là nạn nhân của ít nhất 1 trong 5 hành vi phân biệt chủng tộc kể từ dịch COVID-19 xuất hiện.
Không chỉ dừng lại ở các hành vi quấy rối về thể xác, tinh thần,, những vụ đập phá cửa hàng, cơ sở kinh doanh do người gốc Á làm chủ, cản trở cộng đồng này kinh doanh đã gia tăng đáng kể trong thời gian bùng phát dịch…
Theo thống kê của Quỹ New American Economy, tuy chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong dân số Mỹ, song người gốc Á và các đảo Thái Bình Dương có những đóng góp nhất định đối với nền kinh tế Mỹ. Mức thuế mà các hộ gia đình thuộc cộng đồng này đóng góp trong năm 2017 chiếm 7,8% tổng số thuế các tất cả các hộ gia đình tại Mỹ, tương đương 218,6 tỷ USD, và cộng đồng này cũng chi 526,2 tỷ USD trong các hoạt động chi tiêu tiêu dùng, mua nhà ở và đầu tư. Nếu chỉ có 9,5% người lao động Mỹ làm chủ doanh nghiệp thì tỷ lệ này ở người gốc Á và các đảo Thái Bình Dương là 10,3%, góp phần tạo ra hàng triệu việc làm cho thị trường lao động Mỹ. Năm 2016, các doanh nghiệp do người châu Á làm chủ đã tuyển dụng hơn 5,1 triệu lao động.
Có thể nói, làn sóng tuần hành chống nạn kỳ thị người gốc Á lan rộng ở Mỹ, các đội tuần tra bảo vệ người gốc Á được thành lập ở New York và nhiều thành phố thời gian qua, cho thấy sự thay đổi về nhận thức theo chiều hướng tích cực ở nước Mỹ đối với vấn đề này. Vấn nạn kỳ thị người Mỹ gốc Á khó có thể giải quyết trong một sớm một chiều, song những biện pháp mà chính quyền Tổng thống Biden đã và đang triển khai cho thấy những nỗ lực của nước Mỹ chống nạn phân biệt và hận thù sắc tộc, trên tinh thần “hàn gắn và hành động quốc gia”.