Đàm phán dỡ bỏ bằng sáng chế vaccine của WTO có thể kéo dài hàng tháng

Các cuộc thảo luận về việc miễn trừ bản quyền sáng chế vaccine ngừa COVID-19 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) có thể kéo dài đến hàng tháng do vấp phải sự phản đối từ một số quốc gia thành viên.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho một bệnh nhân ở California. Ảnh: Reuters

Theo hãng tin Reuters, ngày 6/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo quyết định ủng hộ các cuộc đàm phán về việc miễn trừ bằng độc quyền sáng chế vaccine của WTO.

Cùng ngày, Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala đã ca ngợi động thái của Mỹ và hối thúc các cuộc thảo luận về kế hoạch phải được khởi động càng sớm càng tốt. “Thế giới đang dõi theo và mọi người đang chết dần”, nữ lãnh đạo nhấn mạnh.

“Tối thiểu sẽ mất từ 1 đến 2 tháng để đạt được đồng thuận”, Clete Willems – cựu quan chức thương mại Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Donald Trump – nhận định.

"Hiện vẫn chưa có đề xuất nào liên quan đến miễn trừ bản quyền sáng chế đối với vaccine", ông Clete Willems đề cập đến thỏa thuận của WTO về Quyền Sở hữu Trí tuệ liên quan đến Thương mại.
Chuyên gia cho biết WTO có thể đạt được mục tiêu để kịp trước hội nghị bộ trưởng tiếp theo của WTO dự kiến diễn ra từ ngày 30/11 đến ngày 3/12 năm nay.

Điều đó sẽ giúp các nhà sản xuất vaccine có thêm thời gian để tăng nguồn cung toàn cầu, từ đó giúp ngăn chặn virus lây lan và giảm bớt áp lực cho quá trình thảo luận việc miễn trừ.

Trước đó, vào tháng 10/2020, Ấn Độ và Nam Phi từng đề xuất miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ bao gồm vaccine, phương pháp điều trị, bộ dụng cụ xét nghiệm, máy trợ thở, đồ bảo hộ và các sản phẩm thiết yêu khác đối phó với đại dịch COVID-19.

Theo Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) Katherine Tai, bà sẽ theo đuổi một quy trình "đàm phán dựa trên văn bản" về quyết định miễn trừ của WTO. Toàn bộ 164 quốc gia thành viên WTO phải đạt được sự đồng ý thì quyết định mới có hiệu lực.

“Các cuộc đàm phán sẽ mất thời gian do tính chất dựa trên sự đồng thuận của thể chế và sự phức tạp của các vấn đề liên quan”, bà Tai bác bỏ kỳ vọng về một thỏa thuận nhanh chóng đạt được.

Đức là một trong số các quốc gia thành viên WTO từ chối đề xuất miễn trừ. Một phát ngôn viên của chính phủ Đức nói rằng năng lực sản xuất là hạn chế chính đối với nguồn cung chứ không phải là quyền sở hữu trí tuệ. Công ty dược phẩm BioNTech của Đức đang là đối tác chính của Pfizer trong việc sản xuất vaccine.

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu bà Ursula von der Leyen cũng chỉ nói rằng bà sẵn sàng thảo luận về các kế hoạch của Tổng thống Biden. Thậm chí một số nhà lập pháp của đảng Cộng hòa còn cho rằng đề xuất mới của WTO sẽ tạo cơ hội cho công nghệ Mỹ chuyển giao cho Trung Quốc.

Tuy nhiên, nhìn nhận theo hướng tích cực, đàm phán thành công về việc miễn trừ bằng sáng chế vaccine sẽ "cải thiện bầu không khí" tại WTO, vốn được đánh dấu bằng việc không đạt được thỏa thuận về chính sách thương mại mới thực chất nào kể từ khi thành lập vào năm 1995.

“Hy vọng WTO có thể đi đến một sự đồng thuận”, Harry Broadman, một cựu quan chức thương mại của chính quyền Tổng thống Bill Clinton, nói thêm rông nhận thấy một thỏa thuận về vaccine có thể làm sống lại triển vọng cho các cuộc đàm phán rộng hơn của WTO.

Hồng Hạnh
Phản ứng xuất hiện huyết khối sau tiêm vaccine AstraZeneca liên quan đến giới tính 
Phản ứng xuất hiện huyết khối sau tiêm vaccine AstraZeneca liên quan đến giới tính 

Cơ quan quản lý dược phẩm và sản phẩm y tế của Anh (MHRA) ngày 6/5 cho biết có một số bằng chứng cho thấy tình trạng xuất hiện huyết khối, phản ứng phụ hiếm gặp sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca xảy ra ở phụ nữ nhiều hơn nam giới, song tỷ lệ khác biệt rất nhỏ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN