Đám cưới của Hoàng tử William và Kate Middleton: Truyện cổ tích thời hiện đại

Ngày 29/4, thế giới sẽ chứng kiến một câu chuyện cổ tích thời hiện đại khi Hoàng tử Anh William, một hoàng tử điển trai kiêm sĩ quan quân đội, chìa bàn tay và trao tước hiệu công nương cho một dân thường đáng yêu có bằng cử nhân ngành lịch sử nghệ thuật, trong một đám cưới được hơn một phần tư dân số toàn cầu háo hức ngóng chờ.

William và Kate rạng ngời bên nhau.

Chàng hoàng tử và cô bé lọ lem

Chào đời năm 1982, Hoàng tử William Arthur Philip Louis xứ Wales là quý tử đầu lòng của Thái tử Charles và Công nương Diana. Đây là một trong những quý ông hoàng gia điển trai nhất thế giới và là người xếp thứ hai trong thứ tự kế vị ngai vàng xứ sương mù (sau cha mình). Hoàng tử William đã tốt nghiệp Đại học St Andrews. Sau một năm ở Chilê và một số nước châu Phi, William đã gia nhập quân đội, dự khóa đào tạo phi công tại Royal Air Force College Cranwell năm 2009 và gia nhập Không quân Hoàng gia, được thăng hàm Trung úy. Mục tiêu của chàng trai này là trở thành một phi công thực thụ trong lực lượng tìm kiếm cứu nạn. Là chủ nhân ngai vàng Anh quốc trong tương lai, William lẽ ra phải chọn vợ trong số các tiểu thư thuộc dòng dõi quý tộc như Davina Duckworth-Chad hay Isabella Armaryllis Charlotte Anstruther-Gough-Calthorpe, những cái tên ghép thật dài với những dòng họ lẫy lừng trong giới vương giả. Nhưng anh đã chọn Catherine Elizabeth "Kate" Middleton, một thiếu nữ xuất thân từ một gia đình trung lưu, khác xa với các công chúa đài các châu Âu.

Kate là bạn học cùng William môn Lịch sử Nghệ thuật tại Đại học St Andrews (Scotland). Thần tình yêu đã gõ cửa trái tim hai người khi cô tham gia biểu diễn thời trang quyên góp từ thiện. Giống như công nương Diana trước đây, cô là một thiếu nữ tân thời, ăn mặc giản dị, có tấm lòng tốt với mái tóc dài màu nâu quyến rũ. Ở cô toát lên vẻ đẹp của một công nương: sự duyên dáng, phong thái điềm đạm mà gần gũi. Đặc biệt, cô học giỏi toán và được điểm A trong hầu hết các môn học.

Hệt như trong chuyện cổ tích, hai nhân vật chính của câu chuyện này đã phải trải qua rất nhiều thử thách. 9 năm đủ để hai người hiểu rằng họ chính là một nửa của nhau. Hơn 2 tỷ người trên toàn cầu đang háo hức hướng tới buổi phát sóng trực tiếp đám cưới giữa Hoàng tử William và “nàng công chúa lọ lem” Kate.

Phấn khích lẫn hoài nghi…

Đám cưới Hoàng gia Anh diễn ra trong bối cảnh kinh tế - xã hội Anh còn ảm đạm. Quý IV/2010, GDP giảm 0,5%, còn trong quý I/2011 chỉ tăng vỏn vẹn 0,5%. Tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao nhất kể từ năm 1994 trong khi chính phủ phải vật lộn với thâm hụt ngân sách kỷ lục trong thời bình. Do đó, đám cưới được xem như liều thuốc an thần để dân Anh tạm quên đi những khó khăn, u ám trước mắt. Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, đám cưới hoàng gia cũng sẽ là dịp kích thích tiêu dùng, qua đó thúc đẩy nền kinh tế Anh đang ì ạch. Vào ngày 29/4, người dân Anh sẽ mở 5.500 bữa tiệc trên đường phố để chúc mừng chú rể và cô dâu. Liên minh bán lẻ Anh ước tính, người dân Anh sẽ chi khoảng 800 triệu USD cho thực phẩm, đồ uống, quà cáp nhân ngày này. Cơ quan quảng bá du lịch Anh VisitBritain cho biết khoảng 600.000 du khách trong và ngoài nước sẽ đổ về thủ đô Luân Đôn và họ sẽ mở hầu bao chi khoảng 66 - 82 triệu USD.

Tuy nhiên, không phải ai cũng tỏ ra hào hứng với đám cưới bạc triệu này. Theo khảo sát của Hãng tư vấn Yougov, khoảng 36% người dân Anh tỏ ra không hài lòng với việc người dân đóng thuế sẽ phải thanh toán các khoản chi phí cho đám cưới. Khoảng 29% cho rằng đám cưới xa hoa, lãng phí này không phù hợp với tình hình kinh tế ảm đạm hiện tại của nước Anh. Ước tính chi phí cho đám cưới lên tới 48 triệu USD; công tác an ninh sẽ tốn kém khoảng 35 triệu USD. Đáng kể hơn, do chính quyền tuyên bố ngày 29/4 trở thành quốc lễ nên người dân được nghỉ. Một ngày không làm việc, nền kinh tế sẽ thiệt hại 9,6 tỷ USD, tương đương 1,5% GDP toàn quý. Do lễ cưới diễn ra giữa hai dịp nghỉ lễ cuối tuần kéo dài, nhà kinh tế Philip Shaw thuộc Hãng Investec ước tính, nền kinh tế Anh có thể thiệt hại tổng cộng 50 tỷ USD - một con số khổng lồ.

… và những dịch vụ ăn theo

Đây sẽ là đám cưới đầu tiên của Hoàng gia Anh được truyền hình trực tiếp đầy đủ qua mạng Internet. Đây cũng là đám cưới hoàng gia đầu tiên có hẳn một ứng dụng di động cho phép người dùng tải và liên tục theo dõi những tin tức liên quan. Chưa hết, đây cũng sẽ là đám cưới đầu tiên mà toàn bộ phần âm thanh trong buổi lễ sẽ được tung thẳng lên shop âm nhạc trực tuyến iTunes của Apple ngay sau khi buổi lễ kết thúc.

Nhiều doanh nghiệp tại Luân Đôn cũng đang khai thác triệt để đám cưới này và ước tính sẽ thu lãi 1 tỷ USD từ các dịch vụ ăn theo. Công ty Du lịch Celebrity Planet vừa tung ra thị trường sơ đồ các điểm du lịch liên quan đến cặp tình nhân trẻ Hoàng gia với giá 24 USD. Ấn phẩm này giới thiệu và hướng dẫn du khách đến thăm những nơi mà Hoàng tử và “cô bé lọ lem” có nhiều kỷ niệm. Cục Du lịch Anh cho biết, một số khách sạn ở gần Westminster đã “cháy” phòng. Nhiều khách sạn dự định tăng giá phòng lên 200% vào thời gian diễn ra lễ cưới.

Theo truyền thống, các đám cưới hoàng gia được ghi dấu bằng tem thư, tiền xu... Đám cưới này tất nhiên không phải là ngoại lệ. Xưởng đúc tiền Hoàng gia Anh đã ra mắt đồng xu kỷ niệm lễ đính hôn của Hoàng tử William. Đồng xu mệnh giá 5 bảng Anh có một mặt là chân dung Nữ hoàng Elizabeth II, mặt kia là hình William-Kate, kèm theo dòng chữ “Kỷ niệm lễ đính hôn của William và Catherine”. Hoàng gia Anh cũng đã thiết kế những con tem đặc biệt in các bức ảnh đính hôn chính thức của William và Kate.

Bên cạnh các loại đồ vật để lưu giữ kỷ niệm về đám cưới, các hãng sản xuất bánh kẹo cũng không bỏ lỡ cơ hội hốt bạc. Một chiếc bánh jelly bean bean, có hình hạt đậu, vỏ ngoài cứng và có nhân làm bằng thạch hoa quả đã được bán với giá tới 500 bảng Anh (16 triệu VND), vì trên bề mặt bánh có khắc chân dung Kate. Công ty sản xuất kẹo PEZ của Áo cũng vừa giới thiệu hộp đựng kẹo hình Hoàng tử William và hôn thê Kate Middleton.

Đặc biệt, Lifetime đã sản xuất bộ phim truyền hình đầu tiên về cuộc đời và mối tình của Hoàng tử William và cô Kate Middleton. William & Kate kể về quãng thời gian hai người yêu nhau, những rạn nứt, thăng trầm trong câu chuyện tình kéo dài 8 năm. Trong một dự án phim thứ hai làm về cặp đôi nổi tiếng này, Hollywood Reporter vừa thông báo kênh Hallmark sẽ sản xuất bộ phim truyền hình với tiêu đề William & Kate: A Royal Love Story (tạm dịch là William và Kate: Câu chuyện tình hoàng gia). Chưa hết, Fame: The Royals - bộ truyện tranh của nhà xuất bản Bluewater (Mỹ) kể về câu chuyện tình lãng mạn của Hoàng tử Anh Quốc William với “cô bé lọ lem” Kate Middleton sẽ được ra mắt vài ngày trước lễ cưới của họ.

Câu chuyện tình kết thúc có hậu giữa chàng Hoàng tử xứ sương mù và “cô bé lọ lem” Kate chắc chắn xứng đáng làm cốt cho những thiên tình sử lãng mãn thời hiện đại. Cả thế giới sẽ chiêm ngưỡng và cầu chúc cho đôi uyên ương này hạnh phúc đến đầu bạc răng long.

Bạch Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN