Phương tiện truyền thông đứa tin giá dầu WTI đã lần đầu tiên kể từ năm 2002 phá đáy 25 USD/thùng.
Theo tờ Nhật báo Phố Uôn, thị trường “vàng đen” thế giới mở phiên giao dịch ngày 18/3 cũng lần đầu tiên kể từ năm 2003 chứng kiến giá dầu thô Brent lao dốc xuống dưới 27 USD/thùng, trong bối cảnh kinh thế thế giới đang đối mặt nhiều rủi ro vì dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) gây ra.
Trang Market Screener cho hay giá dầu ngày 18/3 đã chứng kiến phiên giao dịch tồi tệ thứ ba với việc giá dầu thô Mỹ lao dốc thấp kỷ lục 17 năm xuống dưới ngưỡng 25USD/thùng, sau khi nhu cầu sử dụng sụt giảm vì các biện pháp phong tỏa và hạn chế đi lại được áp dụng tại hàng loạt quốc gia để đối phó với dịch COVID-19.
Dầu thô Mỹ giảm 2,51 cent, tương đương hơn 9%, xuống 24,44 USD/thùng vào lúc 19h19 tối 18/3 theo giờ Việt Nam. Trước đó, giá “vàng đen” đã giảm còn 24,42 USD/thùng – mức thấp kỷ lục từ giữa năm 2002 đến nay.
“Sự sụp đổ về nhu cầu tiêu thụ dầu do ảnh hưởng của virus Corona đang ngày càng rõ rệt”, Ngân hàng đầu tư toàn cầu Goldman Sachs viết trong bản báo cáo mới đây, tiên lượng giá dầu Brent sẽ còn rớt xuống mốc 20USD trong quý 2 năm nay – mức thấp chưa từng thấy từ đầu năm 2002.
Sắc đỏ đầu là phiên giao dịch ngày 18/3 cũng trang ngập các sàn chứng khoán từ Mỹ cho tới châu Á. Chỉ số Dow Jones giảm tới 6%.
Đài Sputnik đưa tin ngày 18/3, đồng bảng Anh giao dịch ở ngưỡng 1 bảng đổi 1,183 USD, nối dài đà trượt giá từ tuần trước với tỷ lệ giảm 1,8%. Tạp chí Financial Times cho biết loại tiền tệ của Anh chưa bao giờ ở dưới ngưỡng 1,20 USD kể từ thập niên 1980 đến nay.
“Đồng bảng Anh đã chốt phiên giao dịch ngày sụt giảm nhất trong lịch sử với việc chạm mốc thấp nhất kể từ năm 1985, ngoại trừ cú sụt giảm chóng vánh hồi tháng 10/2016”, nhà phân tích Neil Wilson tại Markets.com nhận xét.
Trước đó, bảng Anh được quy đổi ở mức 1 pound trên 1,3005 USD, mất 1,5% tỷ giá so với đồng tiền Mỹ hồi tháng 2.
Trước diễn biến đáng lo ngại trên, Thống đốc Ngân hàng Anh, ông Andrew Bailey vừa cảnh báo nước này đang phải đối mặt với tình trạng khẩn cấp về kinh tế. Ông Bailey tuyên bố đang xem xét mọi giải pháp hợp lý để đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế liên quan đến dịch viêm đường hô hấp COVID-19.
Một khả năng đang được tính tới là Ngân hàng Anh sẽ bơm mạnh nguồn tiền vào thị trường tài chính để nới lỏng định lượng và tăng khả năng thanh khoản. Đây cũng chính là chiến lược Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang theo đuổi.
Trong nỗ lực để hỗ trợ nền kinh tế, các quốc gia giàu nhất thế giới đã chuẩn bị giải ngân hàng nghìn tỷ USD để giảm bớt tác động của đại dịch COVID-19, cũng như áp đặt các biện pháp hạn chế chưa từng thấy kể từ Thế chiến thứ hai.
Theo đó, Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak đã công bố gói cho vay trị giá 330 tỷ bảng (400 tỷ USD), trong khi Pháp và Tây Ban Nha thông báo các gói viện trợ trị giá hàng chục tỷ euro.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết giới chức nước này vẫn đang lên kế hoạch cho gói ngân sách trị giá hơn 1.000 tỷ USD, khiến đây trở thành kế hoạch khẩn cấp liên bang lớn nhất từ trước đến nay của Mỹ, vượt qua cả khoản hỗ trợ trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.