Ngoại trưởng Italy Angelino Alfano, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson và Đặc phái viên Tổng thư ký LHQ về Libya Ghassan Salame chụp ảnh chung tại cuộc họp về vấn đề Libya ở thủ đô London ngày 14/9. Ảnh: AFP/TTXVN |
Các cuộc đàm phán dự kiến sẽ kéo dài tới cuối tuần này, được tổ chức tại Gammarth, một thị trấn ở ngoại ô thủ đô Tunis của Tunisia và là nơi từng diễn ra công tác hòa đàm trước đây.
Phát biểu trong một buổi họp báo, ông Salame khẳng định nếu đồng ý với kế hoạch này, các phe phái đối địch tại Libya có thể đưa ra một tín hiệu mạnh mẽ về triển vọng hợp tác tới phần còn lại của đất nước. Ông Salame bày tỏ tin tưởng rằng Libya có thể sẽ tổ chức được các cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống vào khoảng tháng 7/2018.
Trước đó vào ngày 20/9, bên lề Khóa họp 72 của Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) tại New York (Mỹ), các bên liên quan về vấn đề Libya đã có một cuộc họp riêng. Tại cuộc họp, ông Salame đã đưa ra một kế hoạch hành động mới nhằm phá vỡ thế bế tắc chính trị tại Libya, với đề xuất sửa đổi thỏa thuận hòa bình Skhirat được ký kết tại Maroc năm 2015 vốn đang bị đình trệ.
Cụ thể, Hội đồng Tổng thống của Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) sẽ phải giảm số thành viên xuống còn 3 người, sau đó đề cử một chính phủ chuyển tiếp mới. Theo ông Salame, người dân Libya mong muốn một tiến trình toàn diện, một con đường tương lai với các giai đoạn và mục tiêu được xác định một cách rõ ràng.
Theo kế hoạch hành động mới dự kiến sẽ kéo dài một năm, một bản hiến pháp mới phải được đưa ra trước khi tiến hành trưng cầu ý dân, mở đường cho các cuộc bầu cử. Ông Salame cũng cho rằng thỏa thuận Skhirat năm 2015 vẫn là "khuôn khổ duy nhất" cho các cuộc hòa đàm nhằm giải quyết tình hình xung đột Libya, đồng thời xác nhận thêm các bên liên quan đã nhất trí sửa đổi thỏa thuận này.