Đã 5 ngày qua, người ta không còn thấy Daisy tha thẩn trên những con đường cát sỏi trong khu bảo tồn thiên nhiên Kruger Park nữa.
Hồi trước, Daisy là chú voi rừng được livestream nhiều nhất trên mạng xã hội vì "người khổng lồ rừng xanh" 17 tuổi luôn tỏ ra đặc biệt thân thiện với những đoàn xe chở khách tham quan tại một trong những khu bảo tồn nổi tiếng nhất thế giới thuộc Nam Phi này.
Sau một ngụm vang đỏ, Paul De Beers, chủ một trạm dừng nghỉ cho khách tham quan trong rừng chậm rãi kể rằng Daisy đã từng là "thỏi nam châm" dẫn khách đến với trạm của ông trong nhiều năm qua. Chú voi đực thường xuyên quanh quẩn trên những con đường dẫn đến khu vực này và luôn là tâm điểm của mọi ống kính hướng ra từ cửa xe. Và sau mỗi "show diễn" đó, Daisy thủng thẳng tiến gần đến những chiếc xe để nhận phần thưởng, thường là bim bim hoặc hoa quả mà khách mang theo.
Tuy nhiên, khu vườn thiên nhiên rộng lớn này đã trở nên vắng lặng từ khi Nam Phi tuyên bố tình trạng khẩn cấp, áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc do dịch COVID-19 và dừng mọi đường bay quốc tế đến quốc gia châu Phi, trong đó bao gồm những chuyến bay đưa du khách đến Kruger Park. Nhưng theo thói quen, mặc dù không thấy ai cả, Daisy vẫn tản bộ trên những cung đường mà khách du lịch thường hay đi qua, hết ngày này sang ngày khác.
Kể từ khi phát hiện ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên hôm 5/3 đến khi ghi nhận hơn 6.000 ca vào đầu tháng 5, cơn lốc COVID-19 đã không chỉ tàn phá nặng nề, làm kiệt quệ mọi nguồn lực của đất nước nằm ở cực Nam châu Phi này, mà còn lan tới và đe dọa cả những lãnh địa tưởng chừng như khó bị chạm tới nhất, đó là sự an nhiên của đại ngàn.
Với ông Paul De Beers, mặc dù đây là giai đoạn kinh doanh khó khăn chưa từng có khi buộc phải đóng cửa nhà hàng, khu vui chơi và nghỉ ngơi do không có khách, nhưng với kinh nghiệm hơn 10 năm làm kiểm lâm, ông thấy lo lắng hơn cho số phận của Daisy cũng như muông thú trong Kruger Park, vì chúng có thể là mục tiêu của con người khi họ không còn kế sinh nhai nào nữa trong đại dịch.
Lẽ thường, sự vắng bóng của con người sẽ khiến muông thú tìm lại được môi trường sống tự nhiên của mình, tự do tự tại trong thế giới mà tạo hóa đã tạo ra cho chúng từ hàng vạn năm trước. Tuy nhiên, không chỉ Kruger Park, mà với đa số những khu bảo tồn thiên nhiên tại châu Phi - nơi mà doanh thu từ khách du lịch chiếm phần lớn khoản ngân sách để duy trì hoạt động bao gồm công tác bảo vệ rừng - thì tình trạng không còn khách đến tham quan đồng nghĩa với những rủi ro đang đến với hàng trăm loài động vật tại đây.
Ông Matt Brown, Giám đốc điều hành khu vực châu Phi của The Nature Conservancy - một tổ chức phi chính phủ về bảo vệ thiên nhiên, chia sẻ từ khi COVID-19 bùng phát tại châu Phi, tất cả các loài động vật có sừng và ngà tại châu lục này đều đứng trước nhiều rủi ro hơn. Đơn cử, The Nature Conservancy vừa phát hiện một con voi bị giết hại với đôi ngà bị cắt cụt tại Kenya, sau nhiều năm không có việc tương tự xảy ra tại quốc gia này.
Ngoài ra, ông Matt Brown cho biết tình trạng săn thú nhỏ hơn để làm thực phẩm đang xảy ra ngày càng nghiêm trọng ở rất nhiều khu bảo tồn, khi nhiều người dân trở nên nghèo đói cùng cực trong bối cảnh nhiều quốc gia châu Phi đang áp dụng lệnh phong tỏa. Đối với họ, việc vào rừng bắn hạ thú để làm thực phẩm sẽ dễ dàng hơn nhiều so với việc kiếm tiền để ra chợ mua thịt.
Cùng lúc đó, nguồn thu từ khách du lịch bị gián đoạn do dịch COVID-19 khiến các vườn quốc gia không còn kinh phí để thuê lực lượng kiểm lâm, hoặc may mắn thì chỉ có thể duy trì lực lượng này ở mức tối thiểu. Với đa số kiểm lâm, nếu may mắn không bị sa thải, thì công việc của họ cũng sẽ kém hiệu quả khi phải kiểm soát một khu vực rộng lớn với số nhân lực ít hơn.
Trước mối đe dọa ngày càng hiện hữu đối với sự sống còn của nhiều loài động vật hoang dã bắt nguồn từ các tác động tiêu cực của dịch COVID-19, Tổ chức Bảo vệ thiên nhiên châu Phi (AWF) ngày 1/5 đã đưa ra báo cáo trong đó khẩn thiết yêu cầu việc tiếp tục thực hiện những biện pháp bảo vệ động vật song hành với cuộc chiến chống đại dịch tại châu Phi.
Theo Giám đốc điều hành AWF Kaddu Sebunya, báo cáo trên được đưa ra trong bối cảnh hiện nhiều quốc gia châu Phi đã cắt giảm nguồn kinh phí dành cho công tác bảo vệ thiên nhiên để chuyển sang cho các hoạt động ứng phó với dịch COVID-19 cũng như hỗ trợ người dân trong đại dịch. Một số quốc gia thậm chí đã không còn một đồng ngân sách nào cho việc này, phó mặc toàn bộ công tác bảo vệ thiên nhiên cho địa phương tự lo.
Trong báo cáo, AWF nêu rõ rằng việc các quốc gia ưu tiên mọi nguồn lực vào việc ứng phó với dịch COVID-19 là điều hoàn toàn chính đáng, nhưng cũng không vì thế mà lãng quên rằng công tác bảo vệ thiên nhiên và hệ sinh thái cũng là việc tối cần thiết bởi đây chính là tiền đề để châu Phi có thể phục hồi một cách bền vững sau đại dịch này.
Nghe trên đài phát thanh tin cảnh sát tỉnh Mpumalanga vừa bắt 2 nghi phạm buôn bán các bộ phận của động vật hoang dã và thu giữ 3 cặp sừng tê giác tại một địa điểm cách Kruger Park không xa, ông Paul De Beers thấy trong lòng như có lửa đốt. Ông vội vã lái xe lao vào rừng để tìm Daisy. Ông đi về hướng hồ nước cách đó hơn 10 km, nơi bầy thú hay tụ tập.
Đến nơi, Paul thấy Daisy đang chơi đùa bên hồ nước cùng 3 chú voi khác, dưới nước là lũ hà mã đang ngụp lặn trong khi bầy sư tử đang lượn lờ quanh đó. Ông nghĩ, có lẽ, sau nhiều ngày lang thang trên đường ngóng tìm những chiếc ô tô chở du khách quen thuộc mà không thấy, Daisy đã quyết định quay về với đàn của nó, tựa như Buck trong "Tiếng gọi nơi hoang dã" của đại văn hào Jack London.
Paul De Beers quay về trạm trong tâm trạng nhẹ nhõm và vui vẻ. Sáng hôm sau, ông nghe thông báo từ Ban quản lý Kruger Park, rằng đội ngũ kiểm lâm tại đây vẫn tiếp tục duy trì công tác bảo vệ rừng với đầy đủ quân số. Ông cũng nhớ rằng trước đó mấy hôm, Chính phủ Nam Phi thông báo gói hỗ trợ trị giá 11 tỷ USD dành cho những lĩnh vực kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19, trong đó có du lịch.