Theo Bloomberg ngày 11/3, khi đơn đặt hàng máy phát điện dự phòng tăng vọt ở Ukraine, công ty Aksa Power Generation của Thổ Nhĩ Kỳ đã cử quản lý cấp cao Salih Komurcu đến Kiev. Tuy nhiên, công việc của Salih Komurcu không chỉ là giám sát hoạt động kinh doanh hiện tại ở quốc gia đang bị xung đột tàn phá này, mà còn về những gì sẽ xảy ra khi giao tranh chấm dứt.
Tình hình ở tiền tuyến không thể đoán định khi nào và bằng cách nào cuộc xung đột Nga - Ukraine kết thúc. Những thất bại của Ukraine đã làm dấy lên tâm trạng u ám ở Kiev thời gian gần đây. Nhưng ngày càng nhiều công ty đang dần tăng cường sự hiện diện trên thực địa với triển vọng về cơ hội đầu tư lớn nhất kể từ Thế chiến thứ hai.
Các chính phủ, giám đốc điều hành và nhà đầu tư đang chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc tái thiết mà Ngân hàng Đầu tư châu Âu ước tính có thể lên tới hơn 1 nghìn tỷ USD vốn công và tư. Được điều chỉnh theo lạm phát, con số này lớn hơn gấp năm lần so với Kế hoạch Marshall do Mỹ tài trợ, vốn đã thúc đẩy sự phục hưng công nghiệp ở châu Âu sau thất bại của Đức.
Nhìn vào hoạt động tái thiết trên khắp Ukraine - ngay cả khi giao tranh đã bước sang năm thứ 3 - sẽ cho chúng ta ý tưởng về nỗ lực quy mô lớn có thể trông như thế nào. Các công ty Thổ Nhĩ Kỳ đang khôi phục cầu đường, đồng thời cung cấp máy phát điện và bệnh viện di động, với hy vọng họ sẽ có lợi thế khi cuộc cạnh tranh giành các hợp đồng giá trị lớn đang diễn ra.
Nhìn xa hơn, các công ty Đức và Áo đang lên kế hoạch đầu tư vào cơ sở hạ tầng và quốc phòng, JPMorgan Chase & Co. đang chờ các nhóm làm việc để “lập kế hoạch tiền dự án”, trong khi Đan Mạch cho đến nay đã tài trợ 120 triệu euro (130 triệu USD) để xây dựng lại trung tâm đóng tàu của Mykolaiv.
Mustafa Nayyem, người đứng đầu Cơ quan Phát triển Tái thiết và Cơ sở hạ tầng Nhà nước Ukraine, cho biết trong văn phòng của mình ở Kiev: “Chúng tôi có cơ hội xây dựng lại tốt hơn”.
Hiện tại, Ukraine đang phải vật lộn để nhận được viện trợ nhằm hỗ trợ nỗ lực phòng thủ đang suy yếu của mình chứ chưa nói đến việc xây dựng lại đất nước. Một bước đột phá xảy ra vào đầu tháng 2 vừa qua khi Hungary ngừng phản đối gói viện trợ trị giá 50 tỷ euro của EU cho Kiev.
Nhưng trên thực tế, công việc đang được thực hiện để duy trì hoạt động của nước này cũng như chuẩn bị cho công cuộc tái thiết. Các công ty năng lượng Ukraine đã khắc phục cơ sở hạ tầng bị hư hại và những công ty nông nghiệp đang khôi phục các hầm chứa và tuyến đường trung chuyển.
Nhà sản xuất thép lớn nhất, Metinvest BV, ước tính rằng một khi quá trình tái thiết quy mô lớn bắt đầu, sẽ cần khoảng 3,5 triệu tấn thép để khôi phục nhà ở và cơ sở hạ tầng xã hội trong vòng 5 đến 10 năm. Công ty cho biết họ sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đó.
Các công ty Đức đang thực hiện theo chính phủ của họ, hỗ trợ song phương cho Ukraine. Tập đoàn quốc phòng khổng lồ Rheinmetall AG đã công bố kế hoạch thành lập một liên doanh ở Ukraine vào tháng 2 năm nay để sản xuất loại đạn pháo 155 mm rất cần thiết.
Nhà sản xuất vật liệu xây dựng Fixit đã xây dựng một địa điểm sản xuất mới ở phía Tây Ukraine kể từ năm ngoái, trong khi công ty dược phẩm và y sinh hàng đầu thế giới Bayer AG đã công bố đầu tư vào hạt giống.
Waagner-Biro Bridge Systems, một công ty của Áo chuyên sản xuất cầu vượt bằng thép bắc qua sông và thung lũng, đã bắt đầu sản xuất tại một địa điểm ở phía Tây Ukraine. Giám đốc điều hành của công ty này Richard Kerschbaumer cho biết trong một cuộc phỏng vấn năm ngoái rằng “sẽ có rất nhiều việc phải làm trong nhiều thập kỷ”.
Dựa vào nguồn tiền sẽ đến từ đâu, các công ty Mỹ và châu Âu có thể sẽ nhận được phần lớn các hợp đồng khi họ đến. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ đang đi trước một bước trong thời điểm này. Bộ trưởng Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ Omer Bolat cho biết hồi đầu năm nay rằng các nhà thầu xây dựng Thổ Nhĩ Kỳ đã hoàn thành 70 dự án ở Ukraine trong hai năm xung đột trị giá khoảng 1 tỷ USD. Công ty lớn nhất trong số họ, tập đoàn Onur, đang sửa chữa những cây cầu bị hư hại, chẳng hạn như cầu ở Irpin, ngoại ô Kiev.
Hợp tác với Tập đoàn Samsung C&T của Hàn Quốc, tập đoàn Onur cũng đang xây dựng các bệnh viện di động ở Ukraine. Công ty trên cũng muốn tiếp tục tái phát triển sân bay Quốc tế Dnipro cùng với một số dự án đường cao tốc.
Emre Karaahmetoglu, điều phối viên chung của công ty ở Ukraine cho biết: “Chúng tôi có hơn 4.000 thiết bị máy móc ở đây và chúng tôi cam kết với Ukraine và chưa bao giờ cân nhắc việc từ bỏ”, nhưng lưu ý thách thức cấp bách nhất của Ukraine là tìm đủ công nhân vì phải nhập ngũ.
Trong khi cạnh tranh giành hợp đồng sẽ rất lớn, các công ty Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng kinh nghiệm làm việc ở các quốc gia đang phải vật lộn với xung đột sẽ mang lại lợi thế cho họ. Công ty xây dựng Dogus Constructioncó trụ sở chính tại Istanbul, đã có mặt ở Ukraine trong nhiều năm, đang xây dựng lại ba cây cầu với sự hỗ trợ từ Anh và dự kiến một ngày nào đó sẽ có các hợp đồng trị giá “vài tỷ USD” từ nỗ lực tái thiết, theo đại diện của công ty Suha Canatan.
Tuy nhiên, Beata Javorcik, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu, nơi đã cung cấp 3,8 tỷ euro tài chính cho Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra, lưu ý rằng trọng tâm của công cuộc tái thiết Ukraine không chỉ là vấn đề tiền mà còn cả vấn đề con người.