Tháng 4/2020, khi dịch COVID-19 lan rộng, nhân viên chính sách EU Felix Kartte phải làm việc 14 tiếng/ngày, cố gắng xử lý khối lượng lớn tin giả về virus SARS-CoV-2. Felix Kartte và các đồng nghiệp hiện làm việc tại StratCom, đơn vị chiến lược thuộc cơ quan ngoại giao EU có nhiệm vụ phát hiện thông tin thất thiệt về COVID-19 và vaccine. Họ sẽ đánh dấu những bài đăng sai lệch trên dữ liệu giám sát và viết báo cáo.
Ở thời điểm đầu năm 2020, châu Âu có nhiều bài đăng cho rằng dịch COVID-19 chỉ là trò lừa và bắt nguồn từ mạng không dây 5G. Ngoài ra còn có tin cho rằng có thể chữa COVID-19 bằng thuốc chống sốt rét hydroxychloroquine.
Vào tuần đầu tiên của tháng 4/2020, xuất hiện thông tin Mỹ tịch thu một lô hàng khẩu trang ở Thái Lan đang trên hành trình được chuyển đến Đức. Các quan chức Mỹ ngay lập tức tố cáo câu chuyện là dối trá. Nhưng vào thời điểm khẩu trang vô cùng khan hiếm và là mối quan tâm hàng đầu trong phòng dịch, các quan chức Đức đã cáo buộc chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump là "cướp biển hiện đại". Cùng thời điểm đó, có hàng loạt thông tin vô căn cứ về khẩu trang tịch thu tại Italy, Đức, Hy Lạp và Pháp. Đây là hiện tượng toàn cầu mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo đó là “dịch bệnh tin giả”.
Sau hơn một năm, EU đối mặt với chỉ trích vì đã không phản ứng đủ với thông tin giả, bị coi là mang đến rủi ro lớn cho chống dịch COVID-19 toàn cầu. Toà thẩm kế châu Âu (ECA) trong tháng 6 cảnh báo rằng chiến thuật của EU về tin giả đang chậm chân so với các mối đe dọa mới nổi.
Từ một văn phòng tại trụ sở cơ quan ngoại giao của EU ở Brussels, một nhóm các nhà phân tích đã nghiên cứu “các ngõ ngách” trên internet để tìm những thông tin đã đăng với mục đích gây ảnh hưởng đến dư luận châu Âu. Họ kiểm tra thực tế bất kỳ điều gì làm dấy lên nghi ngờ. Thông tin được xác định là sai lệch hoặc gây hiểu nhầm sẽ được lưu lại trên cơ sở dữ liệu công khai.
Jakub Kalensky, nhà phân tích tin giả hàng đầu của EU từ năm 2015 đến năm 2018, nhớ lại giai đoạn đầu, khi đó phần lớn ông làm việc một mình. Các ca làm việc vào cuối tuần chỉ được hỗ trợ bởi một mạng lưới các tình nguyện viên không được trả lương trên khắp châu Âu. “Tất cả họ đều làm việc miễn phí cho chúng tôi vì chúng tôi không có tiền”, ông Jakub Kalensky nói. Nhóm nghiên cứu đã phơi bày hàng chục thông tin sai lệch mỗi ngày.
Đến năm 2018, StratCom được mở rộng và cùng năm này EU thiết lập Hệ thống Cảnh báo Nhanh để các thành viên của khối có thể sử dụng nhằm chia sẻ thông tin về tin giả. StratCom tuyển dụng 16 nhân sự và có ngân sách hàng năm vào khoảng vài triệu euro. Những nhân sự này đều khá trẻ, từng làm trong lĩnh vực báo chí truyền thông hoặc ngoại giao. Tuy nhiên, ông Jakub Kalensky đánh giá nguồn lực của StratCom chỉ có thể nắm bắt được “phần nổi của tảng băng”.