Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, EC đánh giá Croatia tuân thủ tất cả các tiêu chí nghiêm ngặt của EU để có thể sử dụng đồng tiền chung euro, trong đó có tiêu chí duy trì lạm phát ở mức tương đương các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) và mức chi tiêu công hợp lý. Hơn nữa, các quy định của Croatia liên quan đến Ngân hàng trung ương nước này được đánh giá là phù hợp với luật của EU về hệ thống Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB). Croatia cũng đã tham gia cơ chế tỷ giá hối đoái châu Âu ERM II kể từ tháng 7/2020.
Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) Paolo Gentiloni tuyên bố: “Sau khi kỷ niệm 20 năm ngày ra đời tiền giấy và tiền xu euro vào đầu năm 2022, khu vực đồng euro hôm nay có thể vui mừng chào đón thành viên thứ 20 của mình”. Ông Gentiloni cho biết công tác chuyển đổi từ đồng kuna của Croatia sang đồng euro đã được tiến hành tốt.
Ngay từ tháng 9/2021, nhà chức trách Croatia cùng với EC và các nước trong khu vực Eurozone đã ký một biên bản ghi nhớ về kế hoạch sản xuất tiền giấy và tiền xu euro vào tháng 1/2023. Cũng theo quan chức này, việc gia nhập Eurozone sẽ giúp mang lại một số lợi ích kinh tế cho Croatia như chi phí tài chính và giao dịch thấp hơn, dòng vốn tăng, giảm thiểu rủi ro hối đoái trong hệ thống ngân hàng, hội nhập vào liên minh ngân hàng châu Âu, tăng tính minh bạch về giá.
Trong khi đó, trên trang Twitter cá nhân, Thủ tướng Croatia Andrej Plenković cho biết: “Croatia sẽ sớm trở thành thành viên của khu vực đồng euro, qua đó đạt được một trong những mục tiêu chiến lược của chính phủ”.
Croatia trở thành thành viên thứ 20 của Eurozone sau gần 10 năm nước này gia nhập EU. Sự kiện này cũng đánh dấu một cột mốc mới trong nỗ lực thúc đẩy hội nhập của khối.