COVID-19 tới 6h sáng 7/4: Ca mắc mới tăng trên toàn cầu; Brazil trải qua ngày chết chóc nhất

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm trên 10.800 ca tử vong mới và trên nửa 545.000 ca nhiễm mới. WHO ghi nhận ca mắc mới và tử vong tăng trên toàn cầu trong tuần thứ 6 liên tiếp, trong khi Brazil trải qua ngày có ca tử vong cao nhất, vượt 4.000 người.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở Portimao, Bồ Đào Nha ngày 9/2/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 7/4 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 132.979.623 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 2.884.349 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 545.510 và 10.849 ca tử vong mới.

Số bệnh nhân bình phục đã đạt 107.232.155 người, 22.863.119 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 99.070 ca nguy kịch.

Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Ấn Độ (115.269 ca), Brazil (77.391 ca) và Mỹ (57.824); Brazil dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 3.794 ca), tiếp theo là Mỹ (862 ca) và Pháp (398 ca)

Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ hiện là 31.555.294 triệu người, trong đó có 570.216 ca tử vong. Brazil ghi nhận tổng cộng 13.100.580 ca nhiễm, bao gồm 336.947 ca tử vong. Trong khi đó, Ấn Độ xếp thứ ba với 12.799.746 ca bệnh và 166.208 ca tử vong.

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Santiago, Chile ngày 25/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Ca mắc COVID trên toàn cầu tăng trong tuần thứ 6 liên tiếp

Theo CNN, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 6/4 cho biết các ca mắc COVID toàn cầu đã tăng trong tuần thứ sáu liên tiếp.

Trong tuần trước, hơn bốn triệu ca nhiễm mới đã được ghi nhận. Khu vực Đông Nam Á - đáng chú ý nhất là Ấn Độ - và khu vực Tây Thái Bình Dương có số ca mắc mới tăng cao nhất. Tiếp sau Ấn Độ, các nước Brazil, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp có số ca mắc mới cao nhất.

Ngoài ra, hơn 71.000 trường hợp tử vong mới đã được báo cáo trong tuần qua - tăng 11% so với tuần trước nữa. Tất cả các khu vực ngoại trừ khu vực châu Phi đều báo cáo số ca tử vong tăng, khu vực Đông Nam Á có mức tăng nhiều nhất (46%) về số ca tử vong mới.

Brazil ghi nhận ngày chết chóc nhất

Brazil đã ghi nhận ngày có ca tử vong cao nhất kể từ đầu đại dịch đến nay, với trên 4.000 người chết trong một ngày.

Chú thích ảnh
Chôn cất nạn nhân COVID tại Sao Paulo, Brazil, ngày 31/3/2021. Ảnh: AFP/Getty Images

CNN dẫn báo cáo của Bộ Y tế Brazil cho biết, ngày 6/4 nước này đã ghi nhận ít nhất 4.195 trường hợp tử vong do COVID-19 mới trong vòng 24 giờ. Đây là lần đầu tiên Brazil có số người chết vượt qua con số 4.000, theo dữ liệu chính thức.

Số liệu mới nhất đưa số người chết của nước này lên ít nhất 336.947. Ngoài ra, ít nhất 86.979 trường hợp Covid-19 mới đã được báo cáo trên toàn quốc, nâng tổng số trường hợp mắc bệnh lên ít nhất 13.100.580, theo Bộ Y tế Brazil. 

AstraZeneca ngừng thử nghiệm vaccine COVID trên trẻ em

Người phát ngôn của Đại học Oxford ngày 6/4 cho biết, một cuộc thử nghiệm trên trẻ em đối với vaccine Oxford-AstraZeneca đã bị tạm dừng để chờ cơ quan chức năng của Anh xem xét về các trường hợp đông máu hiếm gặp ở người lớn.

Người phát ngôn cho biết thử nghiệm ở trẻ em không gây ra bất kỳ lo ngại nào về an toàn, nhưng nó bị tạm dừng trong khi Cơ quan quản lý Các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và thuốc của Anh, hay MHRA, xem xét các trường hợp hiếm gặp bị cục máu đông đồng thời có lượng tiểu cầu trong máu thấp. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Saint-Quentin-en-Yvelines, Pháp, ngày 24/3/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Tuần trước, cơ quan quản lý dược phẩm tại Anh cho biết ít nhất 30 người dân nước này đã bị chứng máu đông cục sau khi tiêm vaccin, nhưng cảnh báo rằng còn quá sớm để biết liệu chính mũi tiêm có gây ra máu đông cục hay không.

Người đứng đầu MHRA, Tiến sĩ June Raine, khẳng định: "An toàn của người tham gia trong bất kỳ thử nghiệm lâm sàng nào là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi và không có mối lo ngại nào về an toàn đã được báo cáo với thử nghiệm này".

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại một điểm tiêm vaccine cộng đồng ở Seattle, Washington, Mỹ ngày 13/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Châu Mỹ- Colombia phong toả gắt gao thủ đô

Tại châu Mỹ, 8 triệu người dân thủ đô Bogota của Colombia sẽ phải thực thi lệnh phong tỏa gắt gao trong 3 ngày từ 10-12/4 trong bối cảnh thành phố này đang chật vật ứng phó với làn sóng thứ 3 của đại dịch, theo đó tất cả người dân phải ở trong nhà, chỉ các hoạt động thiết yếu được phép diễn ra.

Kể từ cuối tháng 3, nhà chức trách Colombia đã áp đặt biện pháp hạn chế đi lại vào ban đêm nhằm ngăn chặn dịch lây lan, song số ca mắc mới và tử vong tiếp tục tăng cao do hoạt động đi lại của người dân vào dịp lễ Phục sinh. Cho tới nay, 2,4 triệu người trong tổng số 50 triệu dân quốc gia Nam Mỹ này đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine. Colombia là quốc gia có số ca mắc COVID-19 cao thứ 2 trong khu vực Mỹ Latinh, sau Brazil, với hơn 2,4 triệu ca, và đứng thứ 3 về số ca tử vong với 64.293 ca.

Châu Âu- Thủ tướng Gruzia nhiễm COVID

Tại châu Âu, Thủ tướng Gruzia Irakli Garibashvili thông báo có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Văn phòng Thủ tướng cho hay hiện ông Garibashvili đang tự cách ly tại nhà và vẫn tiếp tục làm việc. Gruzia đã ghi nhận 897 ca mắc mới trong ngày 6/4, nâng tổng số ca mắc tại đây lên 284.958 ca.

Hungary nới lỏng giãn cách

Chính phủ Hungary thông báo sẽ bắt đầu dần nới lỏng lệnh giãn cách xã hội trong vài ngày tới, trong bối cảnh nước này sắp có khoảng 25% trong tổng số 10 triệu dân được tiêm vaccine COVID-19. Khi đó, chính phủ sẽ rút ngắn thời gian áp đặt lệnh giới nghiêm vào ban đêm, tức là bắt đầu lúc 22h thay vì 20h, và cho phép tất cả các cửa hàng mở cửa đến 21h30 với điều kiện đảm bảo tối đa 10 m2/khách. Các trường học sẽ mở cửa trở lại vào giữa tháng 4 khi các giáo viên đều được tiêm phòng. Tuy nhiên, các khách sạn, quán ăn và nhà hàng, trừ những cơ sở cho phép mua đồ về nhà và giao hàng, sẽ tiếp tục đóng cửa.

Chú thích ảnh
Một quán cà phê mở cửa phục vụ khách hàng tại London, Anh ngày 18/10/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Bắc Macedonia bổ sung hạn chế

Chính phủ Bắc Macedonia đã quyết định áp đặt bổ sung các biện pháp hạn chế từ ngày 7 - 20/4 nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan. Cụ thể, các quán bar và nhà hàng sẽ đóng cửa trong hai tuần tới, ngoại trừ các dịch vụ giao hàng. Lệnh giới nghiêm toàn quốc sẽ bắt đầu sớm hơn 2 giờ so với lệnh giới nghiêm hiện nay, tức là sẽ áp dụng từ 20h hôm trước đến 5h sáng hôm sau. Các biện pháp bổ sung khác cũng bao gồm đóng cửa tất cả các trung tâm thể thao và tập luyện, cấm tổ chức các hội nghị, hội thảo và nhiều sự kiện khác. Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc mới và tử vong do COVID-19 tăng mạnh tại Bắc Macedonia. Thủ tướng Zoran Zaev cho biết số ca mắc mới gia tăng gần đây gây sức ép lớn nhất đối với hệ thống y tế nước này kể từ khi dịch bùng phát.

Australia đối mặt với nguy cơ thiếu hụt vaccine nhập khẩu từ EU

Nguồn tin Chính phủ Australia ngày 6/4 cho biết Liên minh châu Âu (EU) không cấp phép xuất khẩu 3,1 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca sang Australia và nước này nhiều khả năng sẽ không nhận được 400.000 liều vaccine theo đúng hạn trong cam kết.

Quyết định hạn chế xuất khẩu của EU đã phản ánh tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng vaccine của AstraZeneca trên toàn khối, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến chiến dịch tiêm phòng của Australia, vốn đã bị chậm 83% so với tiến độ đề ra. Australia hiện mới nhận được 300.000 liều vaccine của AstraZeneca và dự kiến sẽ được nhận thêm 400.000 liều vào cuối tháng 4. Nguồn tin giấu tên cho biết nhiều khả năng số hàng này sẽ không được chuyển đến đúng hạn. 

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Sydney, Australia, ngày 21/2/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Phát biểu với báo giới, Thủ tướng Australia Scott Morrison khẳng định vaccine bị giao chậm là nguyên nhân khiến nước này không thể tiến hành tiêm chủng theo đúng kế hoạch. Đầu tháng 1, Australia dự kiến sẽ nhận được 3,1 triệu liều vaccine, song số hàng này đã không được chuyển đến như kế hoạch.

Cho đến nay, Australia mới chỉ tiêm phòng được cho khoảng 670.000 người, thấp hơn nhiều so với mục tiêu ban đầu là 4 triệu người đến cuối tháng 3. Theo thống kê, Australia đã ghi nhận tổng cộng 29.364 ca nhiễm và 909 ca tử vong do COVID-19

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Srinagar, thủ phủ mùa hè của khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, ngày 5/4/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Châu Á- Thủ đô Ấn Độ áp đặt giới nghiêm

Chính quyền bang Delhi đã quyết định áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm nhằm kiểm soát tình trạng số ca mắc mới COVID-19 tăng cao. Theo đó, lệnh giới nghiêm từ 22h đêm hôm trước đến 5h sáng hôm sau sẽ có hiệu lực đến cuối tháng 4 này. Trong 2 ngày qua, chính quyền bang Delhi đã áp dụng nhiều biện pháp kiểm soát dịch, theo đó ngày 5/4 quyết định duy trì hoạt động 24/24h đối với 1/3 số điểm tiêm chủng tại các bệnh viện công. 

Nhật Bản: Tỉnh Osaka có trên 700 ca mắc mới

Tại Nhật Bản, tỉnh Osaka đã ghi nhận 719 ca mắc mới chỉ trong 1 ngày bất chấp việc tỉnh này đang thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch gắt gao. Số ca lây nhiễm mới trong ngày tại tỉnh Osaka luôn ở mức cao nhất cả nước trong nhiều ngày qua.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản ngày 1/8/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Norihisa Tamura cũng cảnh báo tình hình dịch bệnh tại thủ đô Tokyo đang xấu đi và hối thúc người dân cảnh giác. Tokyo cùng ngày ghi nhận 399 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc tại thành phố này lên 123.350 ca, cao nhất trong tổng 47 tỉnh của Nhật Bản. Bộ trưởng Tamura cho rằng trong trường hợp số ca mắc mới tăng trở lại tại Tokyo, các nhà chức trách có thể áp đặt các biện pháp phòng dịch gắt gao hơn tại từng thành phố, thị trấn cụ thể, thay vì thực hiện trên toàn tỉnh. Nếu tình hình dịch lên Cấp độ 4, mức cao nhất trong hệ thống gồm 4 cấp, chính phủ có thể ban bố tình trạng khẩn cấp. Các biện pháp tăng cường phòng dịch trọng điểm tương đương Cấp độ 2.

Hàn Quốc: Ngày thứ hai liên tiếp trên 400 ca nhiễm mới

Ngày 6/4 là ngày thứ hai liên tiếp Hàn Quốc ghi nhận số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 trên 400 ca, trong bối cảnh nước này xuất hiện các ổ dịch lẻ tẻ trên toàn quốc và dịch bệnh có nguy cơ tăng trở lại do người dân lơ là cảnh giác và gia tăng hoạt động đi lại vào mùa Xuân.

Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), nước này trong 24 giờ qua ghi nhận 478 ca nhiễm mới, trong đó có 460 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 106.230 ca, trong đó có 1.752 ca tử vong (sau khi có thêm 4 ca). 

Tình hình dịch bệnh tại các nước Đông Nam Á tiếp tục diễn biến phức tạp. Ngày 6/4, Bộ Y tế Timor Leste thông báo ghi nhận ca tử vong đầu tiên do COVID-19. Bệnh nhân nữ 44 tuổi, có tiền sử suy thận, được phát hiện mắc COVID-19 vào ngày 24/3. Timor Leste vẫn đang trong tình trạng khẩn cấp kể từ tháng 8 năm ngoái.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines mắc COVID

Trang Philstar ngày 6/4 cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. 

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Manila, Philippines, ngày 20/3/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong một tuyên bố, ông Lorenzana khẳng định: "Tôi sẽ được cách ly, tuân thủ các hướng dẫn phòng dịch để tránh lây nhiễm cho người khác. Những người đã tiếp xúc với tôi đã được thông báo. Họ được khuyến cáo cách ly và xét nghiệm COVID".

Ông Lorenzana lưu ý, Bộ Quốc phòng Philippines sẽ tiếp tục duy trì các lực lượng nòng cốt tham gia phòng chống dịch bệnh. "Tôi muốn nhắc nhở mọi người rằng mối đe dọa của virus vẫn có thật hơn bao giờ hết, hơn thế nữa là các biến thể mới. Tất cả chúng ta hãy hợp tác và tuân thủ các quy trình y tế để giúp hạn chế sự lây lan của COVID-19", Bộ trưởng Lorenzana kêu gọi.

Cùng ngày 6/4, Philippines ghi nhận 9.373 ca nhiễm mới và số ca tử vong tăng mạnh lên 382 người. Như vậy, nước này đã có tổng số 812.760 ca bệnh, trong đó 646.381 người đã bình phục và 13.817 ca tử vong.

Campuchia có thể bắt buộc tiêm chủng COVID-19

Báo Khmer Times ngày 6/4 dẫn lời Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho biết, chương trình tiêm chủng COVID tự nguyện hiện nay ở nước này có thể sẽ kết thúc. Sau đó, hoạt động tiêm vaccine phòng COVID có thể là bắt buộc.

Ông Hun Sen cho rằng, những người không tiêm vaccine có thể sẽ khó tìm được việc làm, hoặc bị phân biệt đối xử.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm phòng COVID-19 cho người dân Campuchia. Ảnh: Khmer Times

"Không lâu nữa trên thế giới, vaccine có thể trở thành bắt buộc, đây là kỳ vọng của tôi. Tôi nghĩ những người chưa được tiêm phòng là những người không may mắn, họ có thể không xin được việc làm hoặc không được chào đón bởi những người đã tiêm, điều này tạo ra sự phân biệt đối xử", Thủ tướng Hun Sen nói.

Ông cũng đã chỉ đạo Ủy ban Tiêm chủng COVID-19 lập kế hoạch cho chế độ tiêm chủng tiếp theo, tăng cường tiêm chủng ở các tỉnh Phnom Penh và Kandal và các vùng lân cận.

Chú thích ảnh
Kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại một khu chợ ở Phnom Penh, Cambodia, ngày 17/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước đó, báo Khmer Times cũng dẫn lời Thủ tướng Techo Hun Sen cho hay ông đã đề nghị Bộ Y tế nước này xem xét và chuẩn bị điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19 có triệu chứng nhẹ tại nhà để giảm tải cho các cơ sở chữa bệnh, trong bối cảnh các ca mắc mới COVID-19 liên quan đến “sự cố cộng đồng ngày 20/2” vẫn tăng nhanh mỗi ngày.

Indonesia: Phát hiện ca lây nhiễm biến thể giảm hiệu quả vaccine

Ngày 6/4, Indonesia đã phát hiện ca đầu tiên lây nhiễm biến thể mới của SARS-CoV-2, được cho là dễ lây lan hơn và làm giảm tác dụng bảo vệ của vaccine. 

Biến thể nói trên được các nhà khoa học đặt biệt danh là "Eek" vì khả năng né tránh phản ứng miễn dịch tự nhiên trong cơ thể có được sau lần nhiễm COVID trước, cũng như giảm hiệu quả bảo vệ của các loại vaccine hiện nay.

Mặc dù vậy, chính phủ Indonesia cùng ngày cho biết những loại vaccine được sử dụng ở nước này có thể đối phó được với biến thể "Eek".

Tới ngày 6/4, Indonesia ghi nhận tổng cộng 1.542.516 ca COVID, trong đó có 4.549 ca nhiễm mới, và 41.977 ca tử vong, bao gồm 162 ca tử vong mới.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Surabaya, Đông Java, Indonesia, ngày 3/4/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

WHO xác nhận khả năng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 từ người sang động vật

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 khi đưa thú cưng tới sân bay quốc tế Los Angeles, Mỹ ngày 5/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 5/4/2021 đã xác nhận khả năng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 từ người sang một số loại vật nuôi và động vật hoang dã như chó, mèo, chồn, chó gấu trúc, sư tử và hổ, đồng thời nghiên cứu ảnh hưởng của virus đối với các loài động vật khác. Do đó, WHO khuyến cáo những người dương tính với virus SARS-CoV-2 nên hạn chế tiếp xúc với vật nuôi. 

Thu Hằng/Báo Tin tức
LG rời thị trường smartphone, 'ngư ông' nào đắc lợi
LG rời thị trường smartphone, 'ngư ông' nào đắc lợi

Sự rút lui của LG Electronics khỏi mảng sản xuất và kinh doanh điện thoại thông minh sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các đối thủ, trong đó một tên tuổi sẽ đắc lợi nhất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN