Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 7/3 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 117.047.286 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 2.598.665 ca tử vong.
Số bệnh nhân bình phục đã đạt 92.589.767 người, 21.711.954 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 90.708 ca nguy kịch.
Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Brazil (66.993 ca), Mỹ (51.885 ca) và Italy (23.641 ca); Mỹ và Brazil dẫn đầu về số ca tử vong mới (cùng với 1.377 ca), tiếp theo là Mexico (712 ca).
Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ hiện là 29.646.308 triệu người, trong đó có 536.980 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 11.210.502 ca nhiễm, bao gồm 157.791 ca tử vong. Trong khi đó, số ca tử vong tại Brazil là 264.325 trong tổng số 10.938.836 ca nhiễm.
Tính theo tỷ lệ dân số, Cộng hòa Séc là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 193 người tử vong
Mỹ: Thượng viện thông qua dự luật cứu trợ COVID-19; Nhiều tiểu bang nới lỏng hạn chế
Ngày 6/3, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật cứu trợ liên quan tới đại dịch COVID-19 trị giá 1.900 tỷ USD mà Tổng thống Joe Biden đề xuất, kết thúc một cuộc tranh luận, đàm phán và đề xuất sửa đổi kéo dài cả ngày nhằm thông qua một trong những dự luật lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng lớn nhất trong một thế kỷ - đại dịch COVID-19 - đã khiến hơn 521.000 người dân Mỹ tử vong, khiến hàng triệu người mất việc làm và ảnh hưởng đến hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế. Dự luật cứu trợ trị giá 1.900 tỷ USD có quy mô gấp đôi gói hỗ trợ mà Quốc hội Mỹ thông qua hồi tháng 12 năm ngoái. Theo đó, khoản ngân sách lớn trên gồm khoản trợ cấp 1.400 USD cho mỗi người dân Mỹ, gia hạn trợ cấp thất nghiệp khẩn cấp, tài trợ tiêm chủng và xét nghiệm COVID-19, hỗ trợ 129 tỷ USD cho các trường học, tăng tín dụng thuế thu nhập và kế hoạch tăng lương tối thiểu lên 15 USD/giờ vào năm 2025. Các biện pháp này được kỳ vọng có thể tạo đà cho sự phục hồi kinh tế của nước Mỹ.
Trong khi đó, theo NBC News, nhiều tiểu bang tại Mỹ đã dỡ bỏ các hạn chế phòng dịch, bao gồm cả quy định buộc đeo khẩu trang và giới hạn số người trong không gian kín.
Các bang Texas, Mississippi, Alabama và West Virginia tất cả đều chấm dứt các hạn chế trên toàn bang như bắt buộc đeo khẩu trang và hạn chế công suất chứa người trong nhà. Trước đó, một số tiểu bang khác cũng nới lỏng các hạn chế từ đầu năm 2021.
Nga: Trợ lý Tổng thống Putin nhiễm virus SARS-CoV-2
Ngày 6/3, hãng tin Nga RIA Novostin dẫn thông báo của Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cho biết, Trợ lý của Tổng thống Nga Vladimir Putin về lĩnh vực kinh tế Maxim Oreshkin được xác định nhiễm virus SARS-CoV-2. Thủ tướng Nga không cho biết thêm chi tiết, nhưng nhấn mạnh rằng ông Oreshkin và các đồng nghiệp đã nỗ lực trong công việc và vẫn duy trì liên lạc với đoàn công tác.
Trong thông báo mới nhất, Điện Kremlin khẳng định gần đây Tổng thống Vladimir Putin không gặp ông Oreshkin và cuộc họp nội các tuần tới về các vấn đề kinh tế sẽ bị hoãn.
Đến thời điểm này đã có nhiều quan chức chính phủ và nghị sĩ quốc hội Nga nhiễm virus SAR-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp. Bản thân Thủ tướng Mikhai Mishutin từng nhiễm loại virus này và đã được chữa khỏi.
Hiện nay, chính phủ Nga đang tích cực triển khai chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 trên diện rộng. Ngày 4/3, Tổng thống Putin cho biết đến thời điểm này đã có khoảng 4 triệu người Nga được tiêm chủng ngừa COVID-19. Tính đến ngày 6/3, Nga ghi nhận thêm 11.022 người nhiễm virus SAR-CoV-2, nâng tổng số người mắc bệnh lên hơn 4,3 triệu ca.
Italy phong tỏa thêm khu vực ở miền Nam
Ngày 5/3, Bộ trưởng Y tế Italy thông báo triển khai biện pháp phong tỏa đối với một khu vực ở miền Nam nước này vì tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có chiều hướng xấu đi trước sự lây lan của biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Quyết định này được đưa ra sau khi Viện Y tế ISS cho biết chỉ số R đo lường tỷ lệ lây lan COVID-19 đã tăng lên mức 1,06. Do đó, Bộ trưởng Y tế Roberto Speranza cho biết kể từ ngày 8/3, vùng Campania, bao gồm thành phố cảng Naples, sẽ được xếp vào vùng "đỏ", cùng với các khu vực khác là Basilicata và Molise. Tại các vùng "đỏ", các quán bar và nhà hàng, trường học và viện bảo tàng đều phải đóng cửa. Trong khi đó, hai khu vực khác là Friuli Venezia Giulia và Veneto được xếp vào vùng "cam" - nguy cơ dịch bệnh trung bình. Riêng vùng Sardinia vẫn nằm trong vùng "trắng" - nguy cơ dịch bệnh thấp.
Ngày 4/3 vừa qua, tổ chức tư vấn sức khỏe GIMBE cảnh báo Italy đã bước vào làn sóng dịch COVID-19 thứ ba với số ca mắc tăng mạnh. Trong giai đoạn từ ngày 24/2 đến ngày 2/3, số ca mắc mới tăng 35% so tuần trước đó lên hơn 123.000 ca, cao nhất kể từ khi dịch bùng phát. Sự gia tăng số ca mắc này trùng với thời điểm biến thể phát hiện tại Anh của virus SARS-CoV-2 lây lan mạnh mẽ.
Bồ Đào Nha siết chặt hành khách từ Anh, Brazil
Bộ Nội vụ Bồ Đào Nha thông báo những hành khách khởi hành từ Anh hoặc Brazil và quá cảnh tại một nước phải trình kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ trước khi nhập cảnh vào nước này và phải cách ly ngày 2 tuần. Biện pháp này có hiệu lực từ ngày 7/3. Động thái này là nhằm lấp lỗ hổng vốn cho phép những người có hành trình bay từ Anh và Brazil đến Bồ Đào Nha và quá cảnh tại một nước mà không chịu lệnh cấm đi lại của Bồ Đào Nha. Kể từ tháng 1, Bồ Đào Nha đã cấm các chuyến bay trực tiếp và tư nhân đi và đến từ Anh và Brazil nhằm hạn chế sự lây lan của biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Đức: Bộ xét nghiệm nhanh "cháy" hàng
Tại Đức, nhiều người dân nước này đổ xô tới chuỗi siêu thị Aldi để mua những bộ xét nghiệm virus SARS-CoV-2 nhanh đầu tiên. Chỉ trong vài giờ đồng hồ sau khi mở bán, các siêu thị thông báo đã bán hết hàng. Đối thủ của Aldi là chuỗi cửa hàng giá rẻ Lidl cho biết trang mạng bán hàng trực tuyến của hãng này đã bị sập sau khi bắt đầu cung cấp dịch vụ bán và giao hàng tại nhà các bộ xét nghiệm nhanh. Siêu thị Aldi đã giới hạn mỗi người chỉ được mua 1 hộp gồm 5 bộ xét nghiệm với giá 30 USD/hộp. Người dùng chỉ cần lấy dịch mũi và kết quả sẽ có trong vòng 15 phút.
Chính phủ Đức đang phụ thuộc nhiều vào việc xét nghiệm nhanh để đưa nước qua giai đoạn tiếp theo của đại dịch COVID-19 trong bối cảnh người dân mệt mỏi với các biện pháp siết chặt trong khi tiến độ tiêm chủng lại chững lại. Theo kế hoạch, tất cả người dân Đức sẽ được nhận 1 bộ xét nghiệm nhanh mỗi tuần tại các hiệu thuốc và phòng khám để họ có thể tự xét nghiệm tại nhà. Biện pháp này là nhằm giúp người dân cảm thấy thoải mái sau nhiều tháng tuân thủ các biện pháp hạn chế.
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhấn mạnh bộ xét nghiệm nhanh thường cho kết quả thiếu chính xác hơn phương pháp xét nghiệm PCR và vẫn phải giữ vệ sinh thường xuyên kể cả có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.
Vaccine Sputnik V phổ biến thứ hai trên thế giới
Vaccine Sputnik V ngừa COVID-19 của Nga là loại vaccine phổ biến thứ hai trên thế giới được các cơ quan quản lý dược phẩm quốc gia các nước phê duyệt sử dụng. Thông tin này đã được công bố trên trang Twitter chính thức của Sputnik V.
Thông báo của các nhà phát triển Sputnik V nêu rõ: "Sputnik V hiện là vaccine ngừa COVID-19 phổ biến thứ hai trên thế giới xét về số lượng các quốc gia đã phê duyệt. Cảm ơn các bạn đã tin tưởng!". Hiện tổng dân số của 45 quốc gia đăng ký vaccine Sputnik V đã vượt quá 1,2 tỷ người.
Vaccine COVID-19 phổ biến nhất thế giới hiện nay là vaccine của hãng dược phẩm AstraZeneca với 49 quốc gia đã cấp phép sử dụng. Xếp thứ 3 sau Sputnik V là vaccine của hãng Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) với 43 quốc gia đã cấp phép sử dụng. Tiếp theo là vaccine Moderna (19 nước) cũng như 3 loại vaccine của Trung Quốc là Sinopharm, Sinovac và CanSino, lần lượt được cấp phép tại 18, 16 và 4 nước. Vaccine Johnson&Johnson đứng ở vị trí thứ 8, được 4 quốc gia chấp thuận.
Nga đã cấp phép sử dụng Sputnik V hồi tháng 8/2020 và giai đoạn thử nghiệm sau cùng bắt đầu vào tháng 9.
Đến tháng 12, Nga triển khai chương trình tiêm chủng sử dụng vaccine Sputnik V trên diện rộng sau khi kết quả các cuộc thử nghiệm sơ bộ cho thấy vaccine này đạt hiệu quả tới 91,4%. Tính đến nay, hơn 2 triệu người Nga đã được tiêm chủng ít nhất mũi đầu của vaccine Sputnik V.
Thái Lan cấm tụ tập công cộng, xem xét "hộ chiếu vaccine"
Tại Thái Lan, chính phủ đã ra lệnh cấm các cuộc tụ tập công cộng hay biểu tình mà có thể làm lây lan dịch bệnh COVID-19 ở các tỉnh có nguy cơ cao. Lệnh cấm có hiệu lực tại các tỉnh Bangkok, Samut Prakarn, Samut Songkhram, Nonthaburi, Nakhon Pathum và Pathum Thani. Những người vi phạm lệnh này sẽ phải đối mặt với hình phạt 2 năm tù giam hoặc phạt tiền lên đến 40.000 baht (1.300 USD), hoặc cả hai hình phạt.
Liên quan đến vấn đề vaccine, Thái Lan đang cân nhắc phát hành "hộ chiếu vaccine" và miễn cách ly trong nỗ lực thúc đẩy lĩnh vực du lịch vốn chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch. Cụ thể, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã chỉ đạo Bộ Ngoại giao nước này tiến hành nghiên cứu về "hộ chiếu vaccine". Kế hoạch ban đầu sẽ liên quan đến công tác phát hành chứng nhận cho các du khách đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 đến Thái Lan, cho phép họ được miễn thực hiện chế độ cách ly bắt buộc trong 2 tuần và được nới lỏng một số biện pháp hạn chế. Tuy nhiên, Bangkok cũng đòi hỏi điều kiện tương tự từ những quốc gia khác đối với du khách Thái Lan.
Malaysia tranh luận người có tiền được "nhảy cóc" tiêm vaccine
Các chuyên gia y tế Malaysia đang chia rẽ xung quanh đề xuất cho rằng ngành y tế tư nhân Malaysia nên được phép mua vaccine COVID-19 để cung cấp cho khách hàng.
Một số người cho rằng đề xuất này giúp đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine và sớm đạt được miễn dịch cộng đồng, trong khi số khác tranh cãi rằng nó sẽ tạo điều kiện cho những người có tiền được "nhảy cóc" để tiêm vaccine COVID-19.
Các bệnh viện tư nhân tại Malaysia đã đề nghị chính phủ cho phép họ mua vaccine và cung cấp cho những người sẵn sàng trả tiền thay vì phải xếp hàng dài chờ đợi tiêm đại trà theo chương trình quốc gia.
Theo tờ Straits Times, đến nay trên 2 triệu người Malaysia đã đăng ký tiêm chủng COVID-19. Bộ trưởng Y tế nước này khẳng định không có bằng chứng về hiện tượng "nhảy cóc" xếp hàng tiêm vaccine trước những thông tin nghi ngờ về điều này.
Chính phủ Malaysia đặt mục tiêu tiêm vaccine cho 126.000 người/ngày tại 600 điểm tiêm trên toàn quốc sau khi kích hoạt chiến dịch từ ngày 24/2.
Philippines: Ca nhiễm mới lại vượt ngưỡng 3.000
Bộ Y tế Philippines ngày 6/3 cho biết nước này ghi nhận 3.439 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh lên 591.138. Trong số này, có 43.323 bệnh nhân đang điều trị, chiếm 7,3%; và 12.465 người đã không qua khỏi.
Đây là ngày thứ hai liên tiếp Philippines lại vượt qua ngưỡng 3.000 ca nhiễm mới. Mức ghi nhận trong ngày 6/3 đánh dấu mức nhiễm mới cao nhất kể từ ngày 12/10/2020.
Theo quan chức phụ trách chương trình tiêm chủng Carlito Galvez Jr., theo kế hoạch tối ngày 7/3, có thêm 38.400 liều vaccine AstraZeneca sẽ tới nước này. Lô hàng này hoàn tất đợt chuyển giao hàng đầu tiên của chương trình COVAX (do Tổ chức Y tế thế giới điều hành), với 525.500 liều vaccine cho Philippines.
Manila cũng hy vọng khoảng 20 triệu liều vaccine Moderna sẽ tới nước này vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6. Vaccine của Moderna có hiệu quả phòng bệnh 94%.
Campuchia: Chùm lây nhiễm cộng đồng mới tăng lên 446 người
Bộ Y tế Campuchia ngày 6/3 cho biết nước này ghi nhận thêm 21 ca lây nhiễm liên quan đến "sự kiện lây nhiễm cộng đồng" ngày 20/2, nâng tổng số ca trong ổ dịch này lên 446 người chỉ trong 2 tuần.
Theo thông cáo báo chí của Bộ trên, 21 ca mới bao gồm 3 người quốc tịch Việt Nam, một người Malaysia, 4 Campuchia, còn lại là người Trung Quốc. 10 trong số 21 bệnh nhân là người Trung Quốc sống tại tỉnh Preah Sihanouk.
Tổng số ca mắc COVID tại Campuchia cho đến nay là 953, với 461 người đang nằm viện.
Saudi Arabia nới lỏng một số biện pháp chống dịch
Ngày 6/3, Saudi Arabia thông báo sẽ nới lỏng các biện pháp hạn chế chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đối với hoạt động giải trí và sự kiện.
Hãng thông tấn nhà nước Saudi Arabia dẫn nguồn tin từ Bộ Nội vụ cho biết các rạp chiếu phim, trung tâm thể thao cũng sẽ được mở cửa trở lại. Việc nới lỏng này sẽ được áp dụng từ ngày 7/3 tới. Nhà chức trách sẽ tăng cường các chiến dịch thanh tra để đảm bảo việc tuân thủ các biện pháp còn lại như hạn chế tối đa 20 người tham gia trong các sự kiện xã hội.