Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 13/12 (theo giờ VN), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 72.033.462 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, bao gồm 1.610.339 ca tử vong.
Số bệnh nhân bình phục đã lên tới 50.432.518 người, 19.994.922 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 106.596 ca nguy kịch.
Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Mỹ (181.732 ca), Brazil (43.814 ca) và Thổ Nhĩ Kỳ (29.136 ca); Mỹ cũng dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 2.024 ca), tiếp theo là Brazil (670 ca) và Italy (649 ca).
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 304.797 ca tử vong trong tổng số 16.507.218 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 142.994 ca tử vong trong số 9.854.208 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 181.123 ca tử vong trong số 6.880.127 bệnh nhân.
Mỹ: Ban cố vấn CDC đề xuất lưu hành vaccine Pfizer
Ban cố vấn về Thực hành chủng ngừa của Cơ quan Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) ngày 12/12 (theo giờ địa phương) đã bỏ phiếu nhất trí đề xuất sử dụng vaccine COVID do Pfizer/BioNTech phát triển cho người trên 16 tuổi. Quyết định này đưa Mỹ tiến thêm một bước tới việc triển khai chủng ngừa cho hàng triệu người dân. Vaccine sẽ không thể được tiêm cho đến khi Giám đốc CDC Robert Redfield chấp nhận đề xuất của Ban cố vấn, hành động dự kiến sẽ diễn ra chỉ trong vòng vài giờ sau.
Trước đó, ngày 11/12 (theo giờ địa phương), Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã công bố quyết định cấp phép uỷ quyền khẩn cấp cho vaccine phòng COVID-19 của Pfizer/BioNTech. Ngay sau quyết định này, Tổng thống Donald Trump cho biết Mỹ sẽ bắt đầu triển khai cho tiêm vaccine của Pfizer/BioNTech "trong vòng chưa đầy 24 giờ tới".
Ngoài vaccine của Pfizer, Chính quyền Tổng thống Trump sẽ mua thêm 100 triệu liều vaccine của công ty Moderna, và hàng sẽ được giao vào quý II/2021.
Cùng ngày, công ty Pfizer cho biết những lô vaccine COVID-19 đầu tiên sẽ bắt đầu rời khỏi nhà máy sản xuất của họ ở Kalamazoo, bang Michigan vào sáng Chủ nhật 13/12.
Trong khi đó, ngày 12/12, tiểu bang California đã chứng kiến kỷ lục mới về số ca nhiễm mới trong một ngày, với 35.729 trường hợp, vượt qua kỷ lục vừa lập ngày 11/12 là 35.468 ca.
Mexico phê duyệt vaccine của Pfizer
Mexico cũng đã phê duyệt vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech và sẽ tiếp nhận lô vaccine đầu tiên 250.000 liều trong tháng 12 này. Như vậy, Mexico đã trở thành quốc gia thứ 4 trên thế giới phê duyệt vaccine của Pfizer sau Anh, Bahrain và Canada. Mỹ là quốc gia thứ 5 phê duyệt vaccine này. Chính phủ Mexico cho biết kế hoạch tiêm vaccine ngừa COVID-19 sẽ bắt đầu từ cuối tháng 12 này và ưu tiên số 1 là dành cho các y bác sỹ tuyến đầu chống dịch.
Peru ngừng thử nghiệm vaccine của Sinopharm/Trung Quốc
Trong khi đó, Peru đã tạm ngừng thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa COVID-19 do tập đoàn dược phẩm Sinopharm của Trung Quốc sản xuất, sau khi một người tình nguyện gặp khó khăn khi cử động tay. Theo nhà nghiên cứu trưởng German Malaga của Viện trên, đây có thể là dấu hiệu của Guillain-Barre, một hội chứng rối loạn hiếm gặp và không lây nhiễm, ảnh hưởng đến cử động tay và chân.
Italy ghi nhận số ca tử vong cao nhất châu Âu
Italy ngày 12/12 một lần nữa ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao nhất châu Âu, vượt qua Anh, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh ở quốc gia Nam Âu này đang tiếp tục diễn biến xấu đi.
Theo trang thống kê worldometers.info, Italy đã ghi nhận thêm 649 ca tử vong trong ngày 12/12, đưa tổng số bệnh nhân thiệt mạng vì nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nước này lên 64.036 người, cao hơn con số 64.026 ca tử vong vì COVID-19 ở Anh, 57.567 ca tử vong tại Pháp và 47,624 ca tại Tây Ban Nha. Trong vòng 24 giờ qua, tại "đất nước hình chiếc ủng" đã ghi nhận 19.903 ca mắc COVID-19 mới.
Những con số thống kê trên được coi là bước lùi đối với Italy, quốc gia phương Tây đầu tiên phải vật lộn với đại dịch COVID-19 và phải áp đặt lệnh phong tỏa trên toàn quốc, cũng như phải đối mặt với số ca nhiễm bệnh và tử vong rất cao trong mùa Xuân năm nay. Dân số Italy vào khoảng 60 triệu người, ít hơn Anh 6 triệu người. Tuy vậy, dân số Italy lại già hơn so với Anh, trong khi những người trên 65 tuổi dễ tổn thương hơn trước virus SARS-CoV-2.
Đức có thể phong tỏa toàn phần vào tuần tới
Chính quyền trung ương Đức và các địa phương tối 12/12 đã nhất trí sẽ thực triển khai lệnh phong tỏa toàn phần chậm nhất từ ngày 16/12 tới. Tuy còn một số khác biệt, song chính quyền liên bang và các bang đã đạt nhất trí về biện pháp “khóa cứng” cho tới ngày 10/1/2021 nhằm kiềm chế tình trạng lây lan virus SARS-CoV-2.
Trong thời gian phong tỏa, các cửa hàng bán lẻ (trừ các cửa hàng thực phẩm) sẽ phải đóng cửa. Những hoạt động tụ họp sẽ hạn chế ở mức tối đa 5 người trong 2 hộ gia đình, không tính trẻ em dưới 14 tuổi. Riêng từ ngày 24-26/12, Đức sẽ cho phép gặp tối đa 10 người, có thể thuộc nhiều hơn 2 hộ gia đình nếu là họ hàng thân thích. Kế hoạch cụ thể sẽ được đưa ra sau cuộc thảo luận trực tuyến sáng 13/12 giữa Thủ tướng Merkel với những người đứng đầu 16 bang của Đức.
Về tình hình dịch bệnh ở Đức, trong 24 giờ qua, tại 15/16 bang của nước này (ngoại trừ bang Sachsen chưa thông báo) đã ghi nhận gần 23.300 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp mắc COVID-19 từ đầu dịch lên hơn 1.310.400 người, trong đó có 21.681 ca tử vong.
Châu Á: Trung Quốc siết chặt phòng dịch ở biên giới giáp Nga
Trong khi đó, Trung Quốc đã siết chặt các biện pháp phòng chống dịch tại hai thành phố ở vùng biên giới giáp với Nga là Đông Ninh (Dongning) và Tuy Phân Hà (Suifenhe) sau khi mỗi thành phố này đều có thêm một ca nhiễm mới liên quan tới các công nhân làm việc ở cảng và khu thương mại.
Về hoạt động phát triển vaccine phòng COVID-19, Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với vaccine ngừa COVID-19 do hãng Pfizer của Mỹ và BioNTech của Đức phối hợp bào chế. FDA cho biết vaccine trên có thể sử dụng cho người từ 16 tuổi trở lên; đợt đầu tiên có khoảng 2,9 triệu liều vaccine.
Nhật Bản lần đầu tiên ghi nhận số ca nhiễm mới trên 3.000 ca/ngày
Ngày 12/12 (giờ địa phương), Nhật Bản đã phát hiện thêm 3.031 ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Đây là lần đầu tiên kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát ở nước này vào giữa tháng 1/2020, số ca nhiễm mới vượt trên 3.000 người/ngày.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục lan rộng trên khắp toàn quốc, hệ thống y tế ở nhiều khu vực tại Nhật Bản bắt đầu có dấu hiệu quá tải. Các số liệu thống kê mới nhất của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho thấy tính đến ngày 10/12, có ba trong số 47 tỉnh, thành ở nước này có tỷ lệ bệnh nhân COVID-19/số giường bệnh ở các bệnh viện vượt quá 50%. Tỷ lệ này cao nhất ở tỉnh Hyogo (68,9%), tăng 3,9% so với tuần trước đó. Tiếp theo là Hokkaido (55,1%) và Kochi (53,5%). Các tỉnh, thành khác có tỷ lệ này cao gồm Tokyo (46,3%), Aichi (45,3%), Osaka (49,3%) và Okinawa (46,8%).
Nhằm khống chế dịch bệnh, Chính phủ Nhật Bản vừa đạt được thỏa thuận với hãng dược phẩm AstraZeneca PLC của Anh về việc mua 120 triệu liều vaccine, đủ để tiêm phòng cho 60 triệu người. Vaccine của AstraZeneca được cho là có hiệu quả tới 90%.
Hàn Quốc: Số ca nhiễm mới gần chạm ngưỡng 1.000 ca/ngày
Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ngày 12/12 thông báo Hàn Quốc ghi nhận thêm 950 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó 928 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là lần đầu tiên số ca nhiễm mới COVID-19 tính theo ngày ở Hàn Quốc vượt mức đỉnh dịch 909 ca ghi nhận ngày 29/2. Số người thiệt mạng do COVID-19 ở nước này đến nay là 578 người.
Số ca nhiễm COVID-19 ở Hàn Quốc vẫn tăng trong những ngày gần đây mặc dù chính phủ nước này áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội tăng cường cấp độ 2,5 (ở khu vực thủ đô và vùng phụ cận) và cấp độ 2 trên quy mô toàn quốc.KDCA đã nhận định rằng "về quy mô và thời gian, làn sóng lây nhiễm thứ ba này (vốn tập trung ở khu vực thủ đô và vùng phụ cận) có quy mô lớn hơn nhiều lần so với làn sóng lây nhiễm đầu tiên xảy ra ở thành phố miền Trung Daegu và tỉnh Gyeongbuk hồi cuối tháng 2, đầu tháng 3 vừa qua".
Indonesia đặt mục tiêu 75 triệu dân sớm tiêm vaccine COVID
Ngày 12/12, Bộ trưởng Bộ Doanh nghiệp nhà nước Indonesia, Giám đốc điều hành Ủy ban Xử lý COVID-19 và Phục hồi kinh tế quốc gia (KPC PEN) Erick Thohir cho biết nước này đặt mục tiêu tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho khoảng 75 triệu người trong vòng 8-9 tháng tới.
Trước đó, Chính phủ Indonesia đã quy định 6 loại vaccine COVID-19 có thể được sử dụng trong chiến dịch tiêm chủng trong nước. Đó là vaccine của các hãng Bio Farma, Astra Zeneca, Sinopharm, Moderna, Pfizer Inc/BioNtech và Sinovac Biotech.
Ngày 6/12 vừa qua, Indonesia đã nhận được 1,2 triệu liều vaccine do Công ty Sinovac Trung Quốc sản xuất. Dự kiến vào tháng 1/2021 sẽ có thêm 1,8 triệu liều vaccine và 15 triệu liều vaccine nguyên liệu thô để Công ty Biofarma sản xuất.
Indonesia ước tính sẽ cần tổng cộng khoảng 246,575 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 trong trường hợp mỗi người cần tiêm 2 liều và phải loại trừ 15% số vaccine có thể bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển.
Philippines: Trên 1.300 ca nhiễm mới
Bộ Y tế Philippines báo cáo có 1.301 ca nhiễm mới tại nước này trong ngày 12/12, nâng tổng số ca lên 448.331. Trong số này, có 30.168 ca, chiếm 6,7% đang được điều trị tích cực, và 409.433 ca đã xuất viện; 8.730 ca tử vong.
Tổ chức nghiên cứu OCT Recheach cho biết, số ca bệnh tại Phillippines có thể vẫn chưa tới nửa triệu ca khi kết thúc năm 2020, trừ khi tình hình đột ngột xấu đi.
Đến ngày 12/12, Philippines đã trải qua 272 ngày áp đặt lệnh phong toả từng phần, đánh dấu thời gian cách ly cộng đồng lâu nhất trên thế giới.