Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 5/11 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 48.369.860 ca, trong đó có 1.229.286 người thiệt mạng.
Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 34.618.532 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch hiện là 89.179 ca và 12.522.042 ca đang điều trị tích cực.
Ngày 4/11, thế giới có tới 145 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 92 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng mạnh trở lại. Dịch tiếp tục chuyển tâm từ Mỹ, Ấn Độ và Brazil sang diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước, nhất là tại châu Âu.
Trong vòng 1 ngày qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là Mỹ (87.564 ca), Ấn Độ (50.465 ca), Pháp (40.558 ca) và Italy (30.550 ca); trong khi đó Tây Ban Nha (với 1.623 ca), Mỹ (992 ca), Ấn Độ (704 ca) và Brazil (558 ca) ghi nhận số ca tử vong cao nhất.
Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi một số quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới. Châu Âu lại đang chứng kiến đợt bùng phát dịch mới nghiêm trọng hơn nhiều khi số ca bệnh tăng mại trở lại ở các nước thành viên.
Mỹ đang là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới với 9.780.530 ca nhiễm và 239.623 ca tử vong. Xếp sau Mỹ là Ấn Độ với trên 8,3 triệu ca nhiễm và 124.354 ca tử vong, và Brazil với trên 5,5 triệu ca nhiễm và 161.106 ca tử vong.
Tại Hàn Quốc, số ca nhiễm mới theo ngày đã tăng trở lại mức hơn 100 ca sau 3 ngày duy trì ở mức hai con số. Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ngày 4/11 ghi nhận thêm 118 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 26.925 ca.
Để chuẩn bị tốt hơn cho biện pháp phòng ngừa bệnh cúm mùa, Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc (MFDS) đã phê duyệt một bộ xét nghiệm có thể chẩn đoán cả bệnh COVID-19 và cúm mùa do có các triệu chứng tương tự nhau.
Trong khi đó, châu Âu đang trải qua làn sóng dịch bệnh thứ 2 khi nhiều nước ghi nhận số ca nhiễm và tử vong trong một ngày cao nhất. Nga ghi nhận thêm 19.768 ca mắc và 389 ca tử vong trong 24 giờ qua. Đây là số ca mắc và tử vong trong ngày cao nhất ở nước này kể từ khi dịch bệnh bùng phát, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 1.693.454 ca và 29.217 ca tử vong.
Ukraine cũng ghi nhận thêm 9.524 ca mắc và 199 ca tử vong trong 24 giờ qua, trở thành ngày có số ca mắc bệnh và tử vong cao kỷ lục, nâng tổng số ca mắc bệnh ở nước này lên 420.617 ca và 7.731 ca tử vong. Tương tự, Hungary cũng ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong theo ngày ở mức cao kỷ lục với lần lượt 4.219 ca và 90 ca.
Các nước Áo, Anh, Pháp cũng ghi nhận số ca nhiễm mới hoặc tử vong theo ngày ở mức cao kỷ lục. Trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều nước châu Âu đã phải tăng cường các biện pháp chống dịch. Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã ký ban hành lệnh giới nghiêm có hiệu lực từ ngày 5/11-3/12.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban thông báo tái áp đặt tình trạng khẩn cấp và ban bố lệnh giới nghiêm ban đêm từ 0h ngày 3/11 trong bối cảnh dịch COVID-19 đang đe dọa khả năng ứng phó của các bệnh viện.
Hà Lan cũng siết chặt phong tỏa nhằm làm chậm lại làn sóng lây nhiễm thứ hai. Hy Lạp tái áp đặt phong tỏa một phần thủ đô Athens và miền Bắc đất nước trong ít nhất một tháng nhằm chống dịch. Trong vài tuần qua, số ca nhiễm tại Hy Lạp đã tăng mạnh, hiện lên tới hơn 42.000 ca, trong đó có 642 ca tử vong.
Chính phủ Litva ngày 4/11 đã ra lệnh phong tỏa kéo dài 3 tuần, bắt đầu từ ngày 7/11 tới, nhằm giảm tốc độ lây lan của đại dịch. Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cùng ngày cũng tuyên bố đóng cửa hầu hết các cửa hàng tại những trung tâm mua sắm, cũng như các nhà hát, rạp chiếu phim và bảo tàng, nhằm kiềm chế dịch bệnh.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã ban hành các biện pháp nghiêm ngặt nhằm kiểm soát dịch bệnh, theo đó các cơ sở kinh doanh như nhà hàng và quán cà phê trên cả nước sẽ phải đóng cửa từ 22h đêm (giờ địa phương) ngày 4/11. Các bể bơi, tiệm làm tóc, các địa điểm tổ chức tiệc cưới, rạp chiếu phim, nhà hát và các cơ sở tương tự tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng phải đóng cửa.
Tại khu vực Trung Đông, Iran ngày 4/11 cũng ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất, với 8.932 ca. Với tổng số ca nhiễm lên tới 637.712, Iran là nước bị ảnh hưởng nhất tại khu vực Trung Đông. Số ca tử vong do COVID-19 ở nước này cũng tăng 422 ca, lên 36.160 ca.
Trong khi đó, nhiều quan chức thông báo nhiễm virus SARS-CoV-2. Ngoài Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Hungary Péter Szijjártó nói trên còn có Bộ trưởng Tư pháp Đan Mạch Nick Haekkerup và Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 4/11, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 6.526 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên 23.350 người.
Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN vẫn có 4 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia và Myanmar. Indonesia hiện là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này trong ngày ghi nhận số ca bệnh cũng như tử vong mới cao nhất khu vực. Tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” vẫn duy trì đà tăng nhiệt sau nhiều tháng dịch bùng phát tại đây.
Philippines dịch vẫn diễn biến xấu, số ca mắc mới cao, song số ca tử vong tiếp tục đà giảm những ngày gần đây. Malaysia tình hình cũng ngày càng đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đang hiện hữu khi nước này ghi nhận 1.032 ca bệnh phát sinh và 8 ca tử vong trong 1 ngày qua.
Myanmar dịch bệnh đang ngày càng nghiêm trọng với việc nhiều ngày liền ghi nhận số ca mắc và tử vong đều tăng nhanh. Tình hình tại quốc gia thành viên ASEAN này hiện rất đáng lo ngại với 1.136 ca bệnh mới và 23 người tử vong vì virus SARS-CoV-2 trong 1 ngày qua.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 23.352 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 192 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 965.770 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 830.063 trường hợp.
Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có tới 7 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Có Lào, Campuchia, Brunei và Timor Leste là những nước ASEAN không có thêm ca bệnh COVID-19 nào trong ngày 4/11.
Tại châu Phi, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (Africa CDC) cho biết tính đến chiều 4/11, tổng số ca mắc COVID-19 đã tăng lên 1.813.065 ca, trong đó 43.612 ca tử vong. Tổng số bệnh nhân hồi phục là 1.484.042 người.
Trong đó, Nam Phi, Maroc, Ai Cập, Ethiopia và Nigeria là những nước có số ca mắc COVID-19 cao nhất. Maroc ngày 4/11 ghi nhận 4.495 ca nhiễm mới, mức tăng theo ngày cao nhất ở quốc gia Bắc Phi này, nâng tổng số ca nhiễm lên 229.565 ca.
Chính phủ Australia mới đây đã ký thêm 2 thỏa thuận để bảo đảm quyền tiếp cận sớm với các loại vaccine phòng ngừa bệnh COVID-19 tiềm năng vào đầu năm tới. Theo các thỏa thuận trên, Australia sẽ nhận được 40 triệu liều vaccine do Công ty công nghệ sinh học Novavax phát triển và 10 triệu liều vaccine do Pfizer và BioNTech sản xuất. Cả 2 ứng cử viên vaccine này hiện đang trong giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng và nếu được chứng minh là an toàn và hiệu quả, sẽ có mặt ở Australia vào đầu năm 2021.
Hai thỏa thuận mới trên sẽ giúp Australia tiếp cận với tổng số 134 triệu liều của 4 loại vaccine khác nhau với tổng chi phí 3,2 tỷ AUD (2,2 tỷ USD). Đầu năm nay, Chính phủ Australia đã ký các thỏa thuận mua 33,8 triệu liều vaccine phòng ngừa COVID-19 của Đại học AstraZeneca/Oxford (Anh) và 51 triệu liều vaccine do hãng được phẩm CSL và Đại học Queensland (Australia) phát triển. Hai loại vaccine này sẽ được sản xuất trong nước, trong khi theo các thỏa thuận mới, các liều vaccine Novavax và Pfizer sẽ được sản xuất ở nước ngoài, tại Mỹ, CH Séc, Bỉ và Đức. Tất cả 4 loại vaccine đều phải phải dùng 2 liều.
Bộ trưởng Y tế Greg Hunt khẳng định vaccine phòng ngừa bệnh COVID-19 sẽ được cung cấp miễn phí, không bắt buộc ở Australia và được ưu tiên cho những người dễ bị tổn thương và các nhân viên y tế tuyến đầu. Mục tiêu và kỳ vọng của chính phủ là người dân sẽ được tiêm chủng loại vaccine an toàn và hiệu quả trong năm 2021.