Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 28/2 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 435.759.121 ca, trong đó có 5.968.124 người tử vong.
Biến thể mới đang khiến đồ thị dịch COVID-19 đảo chiều. Dù vậy, sau hơn 2 năm ứng phó, nhiều nước đang chủ động thích ứng tốt với làn sóng dịch mới này và từng bước trở lại cuộc sống trước đại dịch.
Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh bắt đầu giảm trên phạm vi toàn cầu, những vùng bệnh “nóng nhất” nằm ở châu Âu-châu Mỹ khi dịch tái bùng phát, số ca mắc mới vẫn cao ở nhiều nước thuộc châu lục này. Song ngày càng nhiều nước thông báo sẽ nới lỏng các biến pháp phòng dịch nghiêm ngặt.
Trong 1 ngày qua, Hàn Quốc là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 168.000 ca), trong khi Nga là quốc gia có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với xấp xỉ 800 ca.
Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và đã lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 365 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 63 triệu ca và trên 75.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 27/2, thế giới có 91 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 71 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.
Tại châu Mỹ, Cuba đánh dấu ngày thứ 3 liên tiếp không có ca tử vong, giữ tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại nước này ở mức 8.494 ca. Cuba cũng ghi nhận thêm 609 ca mắc mới trong 24 giờ qua, giảm nhẹ so với ngày trước đó, nâng tổng số ca mắc lên là 1.068.757 ca. Hiện Cuba còn 2.586 ca chưa khỏi và con số này vẫn đang tiếp tục giảm.
Đến nay, 9,8 triệu người trong tổng số 11,2 triệu dân nước này đã được tiêm phòng đủ các mũi cơ bản, trong đó có 5,9 triệu người đã được tiêm mũi tăng cường, sử dụng các vaccine nội địa Abdala, Soberana-02 và Soberana Plus.
Trong 7 ngày qua, có 10.921.300 ca mắc mới trên toàn thế giới, giảm nhẹ 15%, tương đương 1.993.639 ca. Tương tự, số ca bệnh không qua khỏi cũng đi xuống với 58.788 ca tử vong mới, giảm 16% so với 7 ngày trước đó.
Diễn biến dịch tại các châu lục đều có dấu hiệu cải thiện khi số ca mắc mới giảm so với tuần trước đó, trừ châu Á và châu Đại Dương. Châu Á đã ghi nhận tổng cộng 3.956.199 ca mắc mới trong 7 ngày qua, tăng 4% so với tuần trước đó. Trong đó, Hàn Quốc là quốc gia có số ca mắc mới nhiều nhất với 973.274 ca, tăng 73% so với 7 ngày trước đó.
Với 5.086.268 ca, số ca lây nhiễm mới tại châu Âu đã giảm 22% so với tuần trước đó. Hầu hết các quốc gia châu Âu đều ghi nhận tỷ lệ số ca mắc mới giảm giao động từ 5%-40%. Tương tự, Bắc Mỹ và Nam Mỹ cũng chứng kiến số ca lây nhiễm mới giảm lần lượt là 35% và 25%.
Tại châu Á, trong 24 giờ qua, Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) ghi nhận 26.026 ca mắc mới, trong đó chỉ có 7 ca “nhập khẩu”, đưa tổng số ca bệnh trong làn sóng dịch bệnh thứ 5 lên 158.683 trường hợp. Hong Kong cũng ghi nhận 83 trường hợp tử vong trong độ tuổi từ 19-100 tuổi và 60 trường hợp đang trong tình trạng nguy kịch.
Giới chức Hong Kong dự đoán số ca mắc mới sẽ còn tăng lên do tình trạng lây lan nhanh trong cộng đồng. Nhà chức trách Hong Kong tiếp tục kêu gọi người dân hạn chế ra ngoài trong trường hợp không cần thiết, không tụ tập đông người để giảm nguy cơ lây lan. Những người có triệu chứng hoặc đã từng đến các địa điểm có nguy cơ cao nên tự làm xét nghiệm nhanh.
Nhật Bản bắt đầu triển khai tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi ở Tokyo và dự kiến sẽ mở rộng ra cả nước trong tháng tới.
Một số tỉnh, thành cũng đã được phép triển khai tiêm vaccine cho trẻ trong độ tuổi này nếu công tác chuẩn bị sẵn sàng. Từ tuần trước, Chính phủ Nhật Bản đã bắt đầu cung cấp vaccine phòng COVID-19 cho các trung tâm y tế trên toàn quốc.
Nhật Bản sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech cho trẻ em trong độ tuổi từ 5-11, với liều lượng bằng 1/3 so với liều dùng cho những người trên 12 tuổi. Khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là 3 tuần lễ. Theo kế hoạch, đến tháng 5, Chính phủ Nhật Bản cung cấp khoảng 12 triệu liều vaccine cho các cơ sở y tế trên toàn quốc để tiêm cho trẻ.
Nhật Bản đang mở rộng độ tuổi tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cũng như đẩy nhanh tốc độ tiêm mũi tăng cường trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm do biến thể Omicron hoành hành ở nước này cũng như trên thế giới.
Trong khi đó, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) - trung tâm tài chính và du lịch của Trung Đông, đã dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang tại nơi công cộng ngoài trời và yêu cầu cách ly bắt buộc đối với các trường hợp tiếp xúc gần với ca mắc COVID-19.
Theo quy định mới, du khách đã tiêm đủ liều cơ bản vaccine ngừa COVID-19 sẽ không cần xét nghiệm PCR khi nhập cảnh vào UAE. Cơ quan xử lý thiên tai và khủng hoảng khẩn cấp quốc gia của UAE cho biết thêm, trong các lĩnh vực kinh tế và du lịch, quy định giãn cách cũng được bãi bỏ, song người dân và du khách vẫn phải thực hiện đeo khẩu trang bắt buộc tại địa điểm công cộng trong nhà.
Thủ đô Abu Dhabi cũng dỡ bỏ yêu cầu xét nghiệm PCR đối với những người đến từ các tiểu vương quốc khác. Trong thời gian qua, số ca mắc mới tại UAE đã giảm mạnh từ mức 3.000 ca/ngày trong tháng 1 xuống còn 600 ca/ngày hiện nay.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 27/2, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 131.044 ca mắc mới COVID-19 và 577 ca tử vong.
Tới hết ngày 27/2, tổng số ca bệnh ở khu vực Đông Nam Á là trên 18.136.461 trường hợp và 318.653 ca tử vong. Trong ngày 27/2, Việt Nam có số ca mắc mới (trên 80.000 ca) cao nhất khu vực, trong khi Indonesia ghi nhận nhiều ca tử vong nhất (229 ca).
Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á mấy ngày qua diễn biến phức tạp và có sự khác biệt lớn giữa các nước. Diễn biến dịch tại Indonesia, Philippines và Việt Nam vẫn căng thẳng so với các nước khác.
Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 8 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Singapore, Malaysia, Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam.
Sự xuất hiện của biến thể siêu lây nhiễm Omicron khiến nhiều nước Đông Nam Á tăng mạnh số ca mắc bệnh. Hiện đã có ít nhất 9 thành viên ASEAN ghi nhận các ca nhiễm Omicron. Tuy vậy, về cơ bản, các nước đang ngày càng khống chế tốt đại dịch và số ca tử vong không quá cao.
Xét về tổng số ca mắc và tử vong từ đầu dịch tới nay, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Điểm nóng này hạ nhiệt nhanh chóng trong vài tháng trước, song những ngày qua dịch bệnh đang leo thang trở lại khi số ca mắc mới tăng vọt.
Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Indonesia - ông Luhut Binsar Pandjaitan hôm 27/2 thông báo bắt đầu từ ngày 14/3, Chính phủ Indonesia sẽ triển khai chương trình thí điểm miễn cách ly đối với du khách quốc tế đến hòn đảo nghỉ dưỡng Bali với một số điều kiện nhất định.
Phát biểu trong buổi họp báo trực tuyến, Bộ trưởng Panjaitan cho biết chương trình thí điểm có thể được triển khai trước ngày 14/3 nếu Chính phủ Indonesia nhận thấy diễn biến tích cực trong tuần tới khi số ca mắc mới COVID-19 ở Bali tiếp tục giảm.
Theo ông Panjaitan, du khách nước ngoài sẽ phải xuất trình chứng nhận thanh toán tiền đặt phòng khách sạn trong ít nhất 4 ngày nếu muốn đến Bali, trong khi những người Indonesia từ nước ngoài đến Bali cần cung cấp bằng chứng về nơi ở trên hòn đảo này. Ngoài ra, du khách quốc tế muốn đến Bali cũng phải được tiêm chủng đầy đủ hoặc được tiêm mũi vaccine tăng cường, bên cạnh yêu cầu thực hiện xét nghiệm PCR khi nhập cảnh và chờ kết quả xét nghiệm âm tính tại khách sạn.
Bộ trưởng Pandjaitan nêu rõ: “Nếu xét nghiệm cho kết quả âm tính, du khách quốc tế sẽ được phép thực hiện những hoạt động khác theo các quy định y tế”, đồng thời khuyến cáo những người này nên thực hiện lại xét nghiệm PCR vào ngày thứ ba tại khách sạn.
Cũng theo quan chức Indonesia, yêu cầu có người bảo lãnh cho các yêu cầu cấp thị thực điện tử du lịch sẽ bị hủy bỏ bởi vì quy định này được coi là gánh nặng đối với du khách nước ngoài.
Bộ trưởng Pandjaitan khẳng định Bali được chọn làm địa điểm cho chương trình thí điểm vì tỷ lệ tiêm chủng 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 của địa phương này cao hơn các tỉnh khác của Indonesia. Nếu chương trình thí điểm ở Bali thành công, Chính phủ Indonesia sẽ mở rộng chính sách miễn cách ly trên toàn quốc kể từ ngày 1/4 hoặc sớm hơn.
Hai nghiên cứu công bố sơ bộ ngày 26/2 (chưa được kiểm chứng chéo và công bố chính thức) cho rằng virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch COVID-19 nhiều khả năng xuất phát từ động vật sống ở một khu chợ tại thành phố Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, miền Trung Trung Quốc.
Nhà sinh học Michael Worobey thuộc Đại học Arizona (Mỹ), đồng tác giả của cả 2 nghiên cứu này, khẳng định các bằng chứng là rất rõ ràng. Trả lời phỏng vấn New York Times, ông Worobey nói: "Khi xem xét tất cả các bằng chứng, có thể thấy rất rõ là đại dịch xuất phát từ chợ hải sản Hoa Nam (Huanan) ở Vũ Hán".
Các nhà nghiên cứu thuộc đội ngũ của chuyên gia nay đã phân tích dữ liệu từ rất nhiều nguồn khác nhau trong nỗ lực tìm kiếm cho câu hỏi được đặt ra với thế giới từ khi đại dịch bùng phát. Kết luận của họ là virus SARS-CoV-2 hiện diện ở động vật có vú bán tại chợ đầu mối Hoa Nam vào cuối năm 2019. Các nghiên cứu cho rằng virus đã lây nhiễm sang những người mua bán hoặc làm việc tại chợ này.
Nhiều ca mắc COVID-19 ở giai đoạn đầu dịch có liên quan đến chợ Hoa Nam và đến cuối năm 2019, các bệnh viện ở Vũ Hán ghi nhận hàng chục ca mắc mà khi đó được coi là bệnh viêm phổi do virus. Ở thời điểm này, các nhà khoa học Trung Quốc nói rằng họ tìm thấy virus trên bề mặt và trong cống ở chợ nhưng không có virus ở các động vật bán tại đây.
Tuy nhiên, chuyên gia Worobey cùng đội ngũ cho biết họ tập trung vào khoảng 156 ca mắc COVID-19 tại Vũ Hán trong tháng 12/2019. Sau đó, tiếp tục khoanh vùng các ca trong tháng 1/2020 và tháng 2/2020, sử dụng dữ liệu từ các nhà nghiên cứu Trung Quốc với hơn 700 ca liên quan đến chợ Hoa Nam, đặc biệt là nhóm những người dân cao tuổi sinh sống tại khu vực này. Theo chuyên gia Worobey, tất cả cho thấy "đây không phải sự trùng lặp ngẫu nhiên".
Nhóm nghiên cứu phát hiện những sạp bán con lửng và thức ăn chế biến từ các loài động vật khác từng được tìm thấy là vật chủ của virus. Họ thu thập được các mẫu gene từ chợ hồi tháng 1/2020 cho thấy dấu vết của virus ở một góc chợ nơi từng có những sạp hàng trên. Sau đó nhóm nghiên cứu xem xét những đột biến trong "cây phả hệ" của virus và kết luận rằng virus đến từ động vật, rồi tự biến đổi thích nghi khi lây nhiễm sang người. Tuy nhiên, các nghiên cứu này chưa tìm ra được chính xác ca bệnh hay động vật đầu tiên phát tán virus.