Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 22/3 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 471.727.481 ca, trong đó có 6.102.870 người tử vong.
Sau hơn 2 năm ứng phó, nhiều nước đang chủ động thích ứng tốt với làn sóng dịch mới này và từng bước trở lại cuộc sống trước đại dịch, coi COVID-19 như một loại bệnh đặc hữu.
Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh tiếp tục xu thế giảm trên phạm vi toàn cầu, những vùng bệnh còn “nóng nhất” nằm ở châu Á-châu Mỹ. Tuy nhiên, ngày càng nhiều nước thông báo sẽ nới lỏng các biến pháp phòng dịch nghiêm ngặt.
Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và đã lây lan ở 225 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 407 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 57 triệu ca và trên 62.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 21/3, thế giới có 67 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới.
Trong 1 ngày qua, Hàn Quốc là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 209.000 ca), trong khi Nga là quốc gia có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với trên 400 ca. Trung Quốc cũng chứng kiến xu thế dịch đáng ngại khi số ca mắc mới tăng mạnh, khiến nhà chức trách nước này quyết định phong tỏa một số thành phố lớn.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 21/3, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận tổng số ca bệnh trên 24 triệu trường hợp và 395.412 ca tử vong. Trong ngày 21/3, Việt Nam có số ca mắc mới (trên 131.000 ca) cao nhất khu vực ASEAN, trong khi Indonesia cũng ghi nhận nhiều ca tử vong nhất (154 ca).
Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á mấy ngày qua diễn biến phức tạp và có sự khác biệt lớn giữa các nước. Diễn biến dịch tại Indonesia, Philippines và Việt Nam vẫn căng thẳng so với các nước khác.
Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 7 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Lào và Việt Nam.
Sự xuất hiện của biến thể siêu lây nhiễm Omicron khiến nhiều nước Đông Nam Á tăng mạnh số ca mắc bệnh. Tất cả các nước thành viên ASEAN đều ghi nhận các ca nhiễm Omicron. Tuy vậy, về cơ bản, các nước đang ngày càng khống chế tốt đại dịch và số ca tử vong không quá cao.
Chính phủ Hàn Quốc đã thắt chặt các hạn chế nhập cảnh từ Việt Nam. Theo đó, từ ngày 1/4 tới, tất cả du khách từ Việt Nam nhập cảnh Hàn Quốc sẽ phải tự cách ly trong 7 ngày bất kể đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 hay chưa.
Phóng viên TTXVN tại Seoul dẫn tờ Nhật báo Kinh tế Hàn Quốc cho biết, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) ngày 18/3 đã chỉ định bổ sung Việt Nam vào danh sách “quốc gia tăng cường kiểm dịch”, cùng với Ukraine và Myanmar. Trong khi đó, Hàn Quốc dỡ bỏ các biện pháp tăng cường kiểm dịch đối với du khách đến từ Pakistan và Uzbekistan.
Theo quy chế mới, kể từ ngày 1/4, người từ Việt Nam nhập cảnh Hàn Quốc sẽ không được hưởng quy chế miễn cách ly khi nhập cảnh đối với những người đã hoàn thành tiêm vaccine ngừa COVID-19, theo đó phải thực hiện tự cách ly trong 7 ngày cho dù đã tiêm phòng hay chưa. Tỷ lệ bán vé trên các chuyến bay từ Việt Nam đến Hàn Quốc chỉ được tối đa 60% trên tổng số ghế. Việc bán vé mới cho các chuyến bay có lượng đặt trước vượt quá 60% sẽ bị đình chỉ ngay lập tức.
Tại Trung Quốc, Khu hành chính đặc biệt Hong Kong có kế hoạch nối lại các chuyến bay từ 9 quốc gia, trong đó có Mỹ và Anh, từ tháng 4 tới. Lệnh cấm bay đã được áp đặt từ đầu tháng 1, khi biến thể Omicron lần đầu tiên xuất hiện tại đặc khu này. Chính quyền Hong Kong cũng quyết định đình chỉ kế hoạch thực hiện xét nghiệm bắt buộc toàn dân sau khi xem xét ý kiến của các chuyên gia.
Ngoài ra, nhà chức trách công bố một số biện pháp nới lỏng giãn cách xã hội theo 3 giai đoạn kể từ ngày 21/4, trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 giảm trong những ngày gần đây. Theo đó, trong giai đoạn đầu, các nhà hàng có thể sẽ được đón tiếp khách ăn tại chỗ sau 18h, giới hạn tụ tập nơi đông người được nới lỏng lên 4 người. Trong giai đoạn 2, các quán rượu, bể bơi và bãi biển... sẽ được mở cửa trở lại.
Tuy nhiên, tại các địa điểm nói trên, khách hàng vẫn phải thực hiện các biện pháp phòng dịch cơ bản nhất, gồm sử dụng ứng dụng “Leave Home Safe” (Đi lại an toàn) và “thẻ thông hành vaccine”. Việc giảng dạy và học tập trực tiếp sẽ được nối lại sớm nhất vào ngày 19/4.
Trung tâm công nghệ Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, cũng đã quyết định dỡ bỏ phong tỏa toàn thành phố kéo dài một tuần qua do tình hình dịch đã được kiểm soát. Theo quy định mới, thành phố sẽ cho phép các cơ quan chính phủ và các công ty nối lại hoạt động và sản xuất bình thường. Dịch vụ xe buýt và tàu cũng được nối lại. Quyết định sẽ có hiệu lực từ ngày 21-27/3. Chính quyền thành phố cảnh báo người dân không nên tụ tập đông người sau khi các biện pháp phong tỏa được nới lỏng.
Trong khi đó, tại Ấn Độ, số ca mắc mới COVID-19 đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 1 năm qua, với 1.549 ca trong 24 giờ qua. Cùng với 31 ca tử vong mới ghi nhận, Ấn Độ hiện có 516.510 ca tử vong trong số hơn 43 triệu ca mắc. Tuy nhiên, Bộ Y tế Ấn Độ kêu gọi các bang tăng cường các biện pháp truy vết phòng dịch do lo ngại số ca mắc mới tăng trở lại ở một số khu vực châu Á và châu Âu, trong đó có Trung Quốc và Italy.
Hiện Ấn Độ đang cân nhắc triển khai tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19 cho tất cả những người trên 18 tuổi có nguyện vọng. Nước này mới đang triển khai tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ ba cho các nhân viên tuyến đầu và người trên 60 tuổi, miễn phí tại các cơ sở tiêm chủng nhà nước và mất phí tại các bệnh viện tư nhân.
Tại Israel, sau một tháng liên tục giảm, hệ số lây nhiễm và số ca mắc mới COVID-19 đang gia tăng trở lại, làm dấy lên lo ngại làn sóng dịch bệnh có nguy cơ tái bùng phát. Thông báo của Bộ Y tế Israel cho biết số ca mắc mới COVID-19 ghi nhận trong ngày 21/3 là 12.869 ca, tăng 5.070 ca so với ngày trước đó, đưa tổng số ca mắc lên 49.349 ca. Đồng thời, hệ số R cũng tăng lên 1,23. Mức trên 1,0 cho thấy dịch bệnh đang lây lan. Tuy nhiên, số ca COVID-19 nặng vẫn đang ở mức thấp là 328 ca, tăng nhẹ so với ngày 20/3.
Tại châu Âu, dịch COVID-19 đang có dấu hiệu nóng lên. Giới chức Pháp ngày 21/3 cho biết trong 7 ngày qua, trung bình mỗi ngày nước này ghi nhận gần 90.000 ca mắc mới, tăng 36% so với cách đây 1 tuần khi chính phủ dỡ bỏ phần lớn các biện pháp phòng dịch trước thềm các cuộc bầu cử.
Cụ thể, ngày 20/3, Pháp ghi nhận 81.283 ca mắc mới, theo đó số ca mắc mới trung bình hằng ngày trong tuần qua ở mức 89.002 ca, cao hơn nhiều so với con số trung bình hơn 60.000 ca mắc mới mỗi ngày một tuần trước đó. Số ca mắc trên 100.000 dân cũng ở mức cao nhất kể từ ngày 18/2.
Trong khi đó, số ca nhập viện mới giảm 1,7% so với một tuần trước đó và là mức giảm thấp nhất kể từ đầu tháng 2 vừa qua, cho thấy những xu hướng tích cực trước đó của tình hình dịch bệnh đang có nguy cơ đảo chiều.
Còn tại Đức, theo thống kê của Viện Robert Koch (RKI), số ca mắc mới COVID-19 cũng có xu hướng tăng mạnh trong những ngày gần đây, lên mức trung bình khoảng 220.000 ca nhiễm mới/ngày trong 7 ngày qua, mức cao nhất kể từ đầu dịch.
Kết quả một nghiên cứu mới cho thấy vaccine CoronaVac ngừa COVID-19 do hãng dược phẩm Sinovac Biotech (Trung Quốc) bào chế có hiệu quả trong việc ngăn ngừa nguy cơ bệnh nặng ở trẻ em từ 3-5 tuổi nếu trẻ ở nhóm tuổi này đã tiêm 2 liều.
Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu đối với 490.694 trẻ em đã tiêm 2 liều vaccine CoronaVac cách nhau 28 ngày. Nghiên cứu được thực hiện tại Chile vào thời điểm Omicron là biến thể chủ đạo ở nước này từ tháng 12/2021 đến tháng 2/2022. Kết quả cho thấy vaccine của hãng Sinovac chỉ có hiệu quả bảo vệ trước virus SARS-CoV-2 là 38% ở trẻ em từ 3-5 tuổi. Về mặt ngăn ngừa nguy cơ nhập viện và phải điều trị trong phòng chăm sóc đặc biệt, vaccine này có hiệu quả lần lượt là 64% và 69%.
Tỷ lệ này thấp hơn đáng kể so với nghiên cứu thực hiện trước đó đối với nhóm trẻ em từ 6-16 tuổi tiêm loại vaccine này trong đợt bùng phát dịch bệnh do biến thể Delta gây ra. Ở nghiên cứu này, hiệu quả của vaccine CoronaVac xét theo các tiêu chí ngừa khả năng lây nhiễm, nhập viện và nguy cơ bệnh nặng, lần lượt đạt 74%, 91%, và 93%.
Hai báo cáo nghiên cứu mới công bố tiếp tục cung cấp những bằng chứng về các tác động lâu dài của bệnh COVID-19 tới khả năng nhận thức vài tháng sau khi mắc bệnh. Các báo cáo, thực hiện dựa trên một dự án nghiên cứu hội chứng "COVID kéo dài" do Đại học Cambridge đứng đầu, chỉ ra nhiều bệnh nhân bị hội chứng này đang chịu những tổn thương "đáng kể và có thể đánh giá được" về khả năng ghi nhớ hoặc tập trung, kể cả sau khi bệnh nhẹ.
Lucy Cheke, tác giả của các báo cáo mới, cho rằng hội chứng "COVID kéo dài" vẫn chưa nhận được sự quan tâm thích đáng. Hội chứng này cần được xem xét và chú ý một cách nghiêm túc hơn, các vấn đề nhận thức là một phần quan trọng trong đó.
Các kết quả báo cáo được từ những dữ liệu của dự án có tên "Bệnh COVID và nghiên cứu nhận thức" (COVCOG). Dự án tập hợp gần 200 bệnh nhân COVID-19 trong giai đoạn từ cuối 2020 đến đầu 2021 và đối chiếu với một nhóm tương đương về quy mô, các điều kiện nhân khẩu học và không nhiễm bệnh.
Theo các kết quả, khoảng 2/3 số người bị bệnh COVID-19 đã xuất hiện các triệu chứng COVID kéo dài (kéo dài hơn 12 tuần kể từ ngày xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2). Trong số những người nhiễm COVID-19, 78% gặp vấn đề khó tập trung, 69% gặp vấn đề não sương mù, 68% xuất hiện các triệu chứng hay quên và khoảng 40% gặp khó khăn về ngôn ngữ như nói hoặc viết sai.