Trong ngày 8/7, quốc gia ghi nhận nhiều ca mắc nhất vẫn là Indonesia với 38.319 ca. Trong những ngày gần đây, số ca mắc ở Indonesia liên tiếp phá vỡ kỷ lục ngày trước đó.
Đứng số 2 ASEAN về ca mắc hàng ngày là Malaysia với 8.868 ca. Tiếp đó là Thái Lan với 7.058 ca, Philippines với 5.484 ca, Việt Nam với 1.314 ca, Campuchia với 954 ca, Lào với 69 ca, Timor-Lester với 63 ca và Singapore với 16 ca.
Về số ca tử vong, có 5 quốc gia ghi nhận ca tử vong mới: Indonesia (852 ca), Philippines (191 ca), Malaysia (135 ca), Thái Lan (75 ca) và Campuchia (27 ca).
Tình hình dịch bệnh tại ASEAN nghiêm trọng tới mức ngày 8/7, Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á thông báo Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) sẽ bị hoãn lại. Thông cáo nêu rõ: “Vì đại dịch COVID-19, sự kiện thể thao SEA Games 31, vốn được lên kế hoạch diễn ra tại Việt Nam từ ngày 21/11-2/12, sẽ được lùi sang năm 2022". Thời điểm mới để tổ chức sự kiện này sẽ được Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á quyết định trong thời gian tới.
Indonesia đứng thứ 3 thế giới về số ca mắc mới trong 1 ngày
Với 38.391 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 được xác nhận trong 24 giờ qua, hiện Indonesia đang đứng thứ 3 thế giới về số ca mắc mới COVID-19 trong 1 ngày, chỉ sau Brazil và Ấn Độ.
Không chỉ vậy, quốc gia Đông Nam Á này còn ghi nhận thêm 852 ca tử vong do mắc COVID-19. Đây là con số tử vong cao thứ 2 ở nước này kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào hồi năm 2020.
Tính đến nay, Indonesia ghi nhận hơn 2,4 triệu ca nhiễm, trong đó có 63.760 trường hợp không qua khỏi.
Trước tình hình diễn biến phức tạp, cùng ngày, Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Luhut Panjaitan tiếp tục hối thúc các cơ quan liên quan đẩy nhanh mua sắm và tăng khả năng cung cấp oxy cho các bệnh nhân COVID-19. Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin cho hay công suất sản xuất oxy của Indonesia đạt 866.000 tấn/năm, song các nhà máy mới chỉ hoạt động 75% công suất, do đó, tổng sản lượng quốc gia chỉ đạt 640.000 tấn/năm. Trong tổng sản lượng oxy nói trên, 75% được sử dụng cho các cơ sở sản xuất thép và nickel, trong khi 25% còn lại, tương ứng với 181.000 tấn mỗi năm, được dành cho ngành y tế. Theo ông Budi, Bộ Công nghiệp đã nhất trí dành 90% sản lượng oxy công nghiệp, tương đương với 575.000 tấn, để đáp ứng nhu cầu của các bệnh viện, đặc biệt là những bệnh viện tại các tỉnh Trung Java, Tây Java và Đông Java.
Thái Lan cân nhắc áp đặt phong tỏa
Trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 tiếp tục gia tăng, Tổng Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Thái Lan (NSC) Natthapol Nakpanich cho biết nước này đang cân nhắc áp đặt lệnh phong tỏa để ngăn chặn dịch bệnh.
Đại tướng Natthapol Nakpanich, người phụ trách hoạt động hằng ngày của Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA), nêu rõ CCSA sẵn sàng xem xét bất kỳ đề xuất nào của Bộ Y tế về việc phong tỏa để phòng dịch lây lan. Tuy nhiên, ông Natthapol cho biết đến nay vẫn chưa có đề xuất chính thức.
Khi được truyền thông sở tại hỏi liệu lệnh phong tỏa sẽ được áp dụng trên toàn quốc hay chỉ ở những khu vực mà biến thể Delta là nguyên nhân gây lây nhiễm, ông Natthapol cho biết các biện pháp phong tỏa sẽ tập trung ở Bangkok và các tỉnh lân cận cùng với 4 tỉnh biên giới ở miền Nam. Các khu vực khác của đất nước có thể được đặt trong tình trạng nửa phong tỏa từng phần.
Thái Lan ngày 8/7 ghi nhận thêm 75 ca tử vong do COVID-19 và là ngày có số ca tử vong theo ngày cao nhất từ khi dịch bùng phát. Bộ Y tế Thái Lan cho biết đây là lần thứ 2 trong tháng này, số ca tử vong lập mốc mới, vượt mốc 61 ca được thiết lập cuối tuần trước. Như vậy cho đến nay, Thái Lan đã có 2.462 ca tử vong kể từ khi dịch bùng phát, trong đó có tới 2.368 ca trong làn sóng dịch thứ 3 bùng phát từ đầu tháng 4 đến nay. Cũng trong 24 giờ qua, Thái Lan có thêm 7.058 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca lên 308.230 ca.
Biến thể Delta đang là nguyên nhân chính khiến số ca mắc mới COVID-19 tại Thái Lan tăng nhanh. Theo Bộ Y tế Thái Lan, 52% số ca mới hiện nay tại Bangkok là do biến thể Delta và biến thể này cũng được ghi nhận tại gần 50 tỉnh thành khác. Với tốc độ lây nhiễm như hiện nay, giới chức Thái Lan không loại trừ khả năng số ca mắc mới ở nước này có thể sẽ tăng lên 10.000 ca mỗi ngày trong tuần tới.
Số ca mắc mới tại Malaysia vẫn tăng cao
Ngày 8/7, Malaysia ghi nhận thêm 8.868 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 - mức cao thứ 2 kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này, đưa tổng số ca nhiễm ở quốc gia Đông Nam Á này lên 808.658 ca.
Trong số các địa phương, bang Selangor tiếp tục đứng đầu cả nước về số ca nhiễm mới, với 4.152 ca - mức cao nhất từ trước tới nay. Tiếp đó, là lãnh thổ liên bang Kuala Lumpur, với 1.133 ca và bang Nigeri Sembilan, với 897 ca. Như vậy, trong nửa tháng trở lại đây, số ca nhiễm mới hằng ngày tại Malaysia liên tục tăng, từ mức hơn 5.000 ca lên 6.000 ca, rồi 7.000 ca và 8.000 ca. Đáng chú ý là thời gian chuyển qua cột mốc mới dần ngắn lại, ví dụ từ mức 6.000 ca lên 7.000 ca mất 7 ngày, nhưng chỉ cần 2 ngày số ca nhiễm mới đã vượt lên mốc 8.000 ca.
Kỷ lục về số ca nhiễm mới trong ngày tại Malaysia được ghi nhận vào hôm 29/5, với 9.020 ca. Sau đó, để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, Malaysia đã quyết định đóng cửa toàn diện từ ngày 1/6 và đưa ra Kế hoạch Hồi phục quốc gia gồm 4 giai đoạn. Hiện nay, Malaysia đang ở giai đoạn 1. Để có thể chuyển sang giai đoạn 2, cần đáp ứng 3 yêu cầu: số ca nhiễm mới hằng ngày dưới 4.000 ca, công suất sử dụng giường điều trị tích cực về mức trung bình và 10% dân số hoàn thành tiêm chủng.
Các tỉnh của Lào phong tỏa một số địa phương
Để khoanh vùng ngăn chặn dịch bệnh COVID-19, các tỉnh của Lào đã ra lệnh phong tỏa một số địa phương báo cáo có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Theo đó, chính quyền tỉnh Viêng Chăn đang phong tỏa nhiều bản thuộc huyện Phonhong liên quan đến chuỗi lây nhiễm đầu tháng 7 này, đồng thời thiết lập các điểm cách ly mới để tiếp nhận người bệnh hoặc giám sát y tế người tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19. Tỉnh Salavan sau khi ghi nhận 1 ca lây nhiễm tại huyện Khongsedon cũng đã phong tỏa một số bản có nguy cơ cao tại huyện này đến ngày 31/7. Theo đó, người dân không được đi lại tự do, cửa ngõ mỗi địa phương cũng có điểm kiểm soát lưu động để giám sát việc thực hiện phòng chống dịch.
Ở tỉnh Champasak tại Nam Lào, một số bản cũng được đưa vào diện đỏ do lo ngại nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Đồng thời, những ngày qua, số lượng ca bệnh là người lao động trở về từ Thái Lan tại tỉnh Champasak tăng cao đã gây áp lực cho hệ thống phòng ngừa và giám sát y tế. Cơ quan chức năng cũng được yêu cầu tăng cường giám sát chặt chẽ khu vực biên giới với hai nước là Thái Lan và Campuchia để ngăn chặn kịp thời các trường hợp nhập cảnh bất hợp pháp mang theo nguy cơ lây nhiễm dịch vào cộng đồng.
Liên quan tình hình dịch COVID-19, Bộ Y tế Lào ngày 8/7 cho biết trong 24 giờ qua nước này ghi nhận 69 ca nhiễm mới, trong đó 68 trường hợp là lao động nhập cảnh từ Thái Lan được cách ly ngay tại các tỉnh và chỉ có 1 ca cộng đồng tại tỉnh Luang Namtha. Thủ đô Viêng Chăn - tâm điểm của làn sóng dịch thứ 2 - tiếp tục không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng trong nhiều ngày qua.
Đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 2.469 ca nhiễm, trong đó 3 người tử vong.
Số ca mắc mới tại Campuchia chưa giảm
Số ca mắc mới COVID-19 tại Campuchia vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt, với mức tăng gần 1.000 ca/ngày trong nhiều ngày qua, gây khó khăn rất lớn cho hệ thống y tế nước này.
Thông cáo của Bộ Y tế Campuchia ra ngày 8/7 cho biết trong 24 giờ qua, có thêm 954 ca mắc mới, trong đó có 136 ca nhập cảnh, đưa tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này kể từ đầu mùa dịch đến nay lên 58.057 ca, trong đó 50.020 người đã khỏi bệnh và 825 người tử vong.
Đáng chú ý, tối 7/7, Quận trưởng quận Toul Kork ở thủ đô Phnom Penh, ông Chan Bandith và giới chức quận Toul Kork thông báo phát hiện 92 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tại nhà máy Meng Ieng thuộc quận này. Tất cả các ca mắc COVID-19 tại đây đã được chuyển đến trung tâm cách ly ở Koh Pich và Olympic.