COVID-19 tại ASEAN hết 30/3: Nỗ lực của Philippines 'gần như về 0'; Campuchia ca mắc mới lên 3 con số

Ngày 30/3, các nước ASEAN đã ghi nhận trên 15.300 ca mắc mới và 183 ca tử vong. Tổng thống Philippines thừa nhận tình hình lây lan căng thẳng ở nước này đã đẩy những phản ứng chống dịch "gần như về 0".

Chú thích ảnh
Cảnh sát làm nhiệm vụ tại Manila, Philippines. Ảnh: THX/TTXVN

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 30/3, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 15.341 ca mắc COVID-19 và 183 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh lên 2.828.326 trường hợp và 58.589 ca tử vong. Toàn khối có 2.497.811 bệnh nhân đã bình phục.

Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á có 3 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 trong đó Indonesia chiếm nhiều nhất với 173 ca. Philippines ghi nhận 5 ca tử vong, Malaysia cũng thêm 5 ca.

Với 4.682 ca nhiễm mới Indonesia ghi nhận tổng cộng 1.505.775 ca bệnh và 40.754 ca tử vong, tiếp tục là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong các nước ASEAN.

Trong khi đó, Philippines bước sang ngày thứ năm liên tiếp ghi nhận trên 9.000 ca nhiễm mới. Tổng ca bệnh tại nước này đã lên tới 741.181 trường hợp, bao gồm 13.191 ca tử vong.

Tình hình tại Campuchia tiếp tục diễn biến phức tạp, với 105 ca nhiễm mới, bao gồm cả trẻ em. Timor Leste cũng ghi nhận số ca nhiễm tăng mạnh với 51 ca mới và hiện có tổng ca bệnh lên tới 563 trường hợp.

Chú thích ảnh
 Cảnh sát làm nhiệm vụ bảo đảm lệnh phong toả tại Manila, Philippines. Ảnh: THX/TTXVN

Tổng thống Duterte: Philippines gần như "trở về 0"

Ngày 30/3, Philippines ghi nhận 9.296 ca nhiễm mới, nâng tổng ca bệnh lên 741.181 trường hợp. 

Trước tình hình dịch lây lan nguy hiểm, Bộ Y tế Philippines đã khuyến nghị mở rộng việc thực hiện kiểm dịch cộng đồng tăng cường ở Vùng Thủ đô Manila và các tỉnh xung quanh (viết tắt là NCR +) trong một tuần nữa.

Tổng thống Rodrigo Duterte thông báo các tỉnh nằm ngoài khu vực "bong bóng NCR+" ở nước này sẽ trở lại trạng thái kiểm dịch chặt chẽ hơn trong tháng 4 khi ông thừa nhận rằng Philippines gần như "trở về con số không" trong ứng phó với đại dịch.

Vào tối 29/3, ông Duterte cũng thông báo sẽ cho phép các công ty tư nhân tự nhập khẩu vaccine COVID-19 nhưng các đòi hỏi hiện tại để tham gia các thoả thuận ba bên với chính phủ sẽ tiếp tục làm chậm quá trình mua đủ số liều vaccine cần thiết.

Nhằm đối phó với làn sóng lây nhiễm mới, từ ngày 29/3, vùng thủ đô Manila và 4 tỉnh phụ cận bắt đầu thực hiện lệnh phong tỏa. Hơn 24 triệu người sống tại vùng thủ đô phải ở trong nhà, ngoại trừ những người làm việc trong các ngành thiết yếu. 

Lệnh giới nghiêm được áp dụng từ 18h đến 5h sáng hôm sau và giảm tối đa hoạt động giao thông công cộng. Chỉ các siêu thị, cửa hàng thuốc và cơ sở kinh doanh hàng thiết yếu được phép hoạt động. 

Chú thích ảnh
Biểu đồ tình hình dịch lây lan tại Philippines. Nguồn: Philstar

Campuchia: Số ca mắc mới lại tăng lên ba chữ số 

Sau hai ngày tạm lắng với số ca mới chỉ tăng thêm vài chục, Bộ Y tế Campuchia sáng 30/3 thông báo số ca mắc mới COVID-19 tăng trở lại ba chữ số trong một ngày, trong đó số ca lây nhiễm cộng đồng nhiều nhất là ở thủ đô Phnom Penh.

Bộ Y tế Campuchia cho biết trong 105 ca mới phát hiện có một ca nhập cảnh, còn lại 104 ca lây nhiễm cộng đồng từ “sự cố ngày 20/2”. Các ca mới là người Campuchia, Trung Quốc và Việt Nam ở các tỉnh, thành gồm Phnom Penh (46 ca), Sihanoukville (34 ca), Svay Rieng (20 ca), Prey Veng (1 ca), Kampong Cham (2 ca) và Tbong Khmum (1 ca). Hôm nay có 4 người khỏi bệnh.

Như vậy tính đến sáng 30/3, Campuchia ghi nhận tổng cộng 2.378 ca mắc COVID-19, trong đó 11 người đã tử vong.

 Hôm 29/3, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã công bố kế hoạch phân bổ một triệu liều vaccine để tiêm phòng cho 500.000 người trong tháng tới. Mục tiêu mà Chính phủ Campuchia hướng tới là tiêm phòng COVID-19 cho một triệu người mỗi tháng và ông Hun Sen đề nghị các quan chức chính phủ tích cực làm việc để hoàn thành mục tiêu này.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại thủ đô Phnom Penh, Campuchia ngày 22/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong thông điệp chia sẻ trên trang Facebook chính thức, Thủ tướng Hun Sen cho biết lô vaccine của hãng Sinovac đã tới Campuchia và chính quyền trung ương sẽ cử các bác sĩ đến để hỗ trợ việc triển khai tiêm chủng tại nhiều khu vực của đất nước nhằm đẩy nhanh quá trình tiêm chủng.

Kế hoạch đẩy nhanh tiêm phòng vaccine COVID-19 được đưa ra sau khi lô hàng 1,5 triệu liều vaccine của Sinovac đặt mua của Trung Quốc đã đến Sân bay quốc tế Phnom Penh ngày 26/3 vừa qua. Vào ngày 31/3 tới, Campuchia dự kiến nhận thêm 700.000 liều vaccine của Sinopharm là quà tặng của Chính phủ Trung Quốc cho Bộ Quốc phòng và Bộ Y tế Campuchia.

Trong báo cáo công bố vào tháng 3/2021, Bộ phận châu Á-Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ghi nhận sáng kiến của Campuchia về đào tạo nghề cho người dân, hỗ trợ tiền mặt cho các hộ gia đình nghèo là những biện pháp ứng phó mạnh mẽ với đại dịch COVID-19.

IMF cho rằng Campuchia, dù với xuất phát điểm là hầu như không có những cơ chế phúc lợi-bảo hiểm xã hội, nhưng đã áp dụng một hệ thống nhằm xác định những người thuộc diện nghèo để phân phối tiền mặt.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Phnom Penh. Ảnh: Phnom Penh Post 

Malaysia cho phép bệnh viện tư nhân tự đàm phán mua vaccine COVID

Chính phủ Malaysia thông báo sẽ cho phép các cơ sở y tế tư nhân tự đàm phán mua vaccine COVID-19 riêng.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Điều phối chương trình tiêm chủng của đất nước, ông Khairy Jamaluddin, cảnh báo rằng đợt triển khai vaccine của khu vực tư nhân - cho phép các cá nhân tự trả tiền để được tiêm chủng COVID-19- có thể chỉ diễn ra trong nửa cuối năm của năm 2021. Ông Khairy cho biết ông sẽ tổ chức các cuộc thảo luận với các bệnh viện tư nhân về việc cho phép họ mua vaccine, nhằm thực hiện một chương trình tiêm chủng song song cùng với chương trình tiêm chủng miễn phí của chính phủ,  giúp đất nước nhan chóng đạt được miễn dịch cộng đồng.

Chú thích ảnh
Malaysia đặt mục tiêu tiêm chủng cho 80% dân số vào cuối năm 2021. Ảnh: EPA-EFE

Ông Khairy nói rằng việc sẵn sàng trả tiền cho các loại vaccine thông qua các bệnh viện tư nhân sẽ không đảm bảo cho các cá nhân được tiêm chủng sớm. Chính phủ Malaysia đã mua sắm đủ vaccine cho toàn bộ dân số nước này và đặt mục tiêu tiêm chủng sớm nhất cho 80% người dân vào cuối năm nay.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Lý do Trung Quốc trì hoãn tiêm vaccine COVID-19 cho người cao tuổi
Lý do Trung Quốc trì hoãn tiêm vaccine COVID-19 cho người cao tuổi

Trong khi người cao tuổi là đối tượng được ưu tiên tiêm chủng đầu tiên ở nhiều quốc gia vì đây là nhóm dễ bị tổn thương trước mối đe dọa của bệnh COVID-19, điều này đã không xảy ra ở Trung Quốc cho đến nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN