Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 11/5, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 16.263 ca mắc COVID-19 và 364 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh lên 3.605.595 trường hợp và 71.675 ca tử vong. Toàn khối có 3.290.022 bệnh nhân đã bình phục.
Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á có 5 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 trong đó Indonesia chiếm nhiều nhất với 247 ca. Philippines ghi nhận 59 ca tử vong, Malaysia thêm 22 ca, Thái Lan thêm 31 ca, Campuchia ghi nhận 5 ca tử vong mới.
Với 5.021 ca nhiễm mới, Indonesia ghi nhận tổng cộng 1.723.596 ca bệnh và 47.021 ca tử vong, tiếp tục là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong các nước ASEAN.
Trong khi đó, Philippines ghi nhận ca nhiễm mới trên đà giảm, với 3.973 ca nhiễm trong ngày 9/5, đứng sau Indonesia. Nước này đã ghi nhận tổng cộng 1.113.457 ca bệnh, trong đó có 18..620 ca tử vong và 1.038.175 ca bình phục.
Dịch bệnh tiếp tục diễn biến căng thẳng tại Thái Lan khi số ca nhiễm mới ở mức 1.919 người trong ngày 11/5. Campuchia cũng ghi nhận 480 ca nhiễm mới trong cùng ngày và tổng ca bệnh đã vượt qua ngưỡng 20.000 người.
Campuchia phong tỏa một khu vực giáp biên giới Việt Nam
Cùng ngày, chính quyền tỉnh Takeo, giáp biên giới tỉnh An Giang của Việt Nam, đã ban hành Quyết định số 222/SSR cho phép phong tỏa làng Bang Bat, xã Char, huyện Prey Kabas sau khi địa phương này liên tiếp phát hiện người dân nhiễm COVID-19.
Tỉnh trưởng tỉnh Takeo Ouch Phea cho biết lệnh phong tỏa bắt đầu áp dụng ngay từ 8h ngày 11/5 cho đến khi có thông báo mới. Theo báo cáo của chính quyền tỉnh gửi Bộ Nội vụ, tỉnh Takeo đã phát hiện các trường hợp lây nhiễm trên địa bàn các huyện Prey Kabas, Bati, Kirivong và T’ram Kok.
Trong khi đó, tình hình dịch bệnh tại Campuchia có chiều hướng khả quan hơn. Thống kê của Bộ Y tế Campuchia cho thấy số ca nhiễm mới SARS-CoV-2 giảm trong ngày thứ ba liên tiếp, khi nước này ghi nhận 480 ca trong ngày 11/5. Tổng số ca nhiễm tại Campuchia tới nay là 20.223 người, trong đó 8.170 ca được điều trị bình phục. Báo cáo của Bộ Y tế Campuchia ghi nhận tổng số ca nhiễm mới có chiều hướng giảm nhưng diễn biến dịch tại các địa phương vẫn phức tạp, trong đó lực lượng chức năng phòng chống dịch đã ghi nhận nhiều ca nhiễm.
Malaysia phong toả toàn quốc từ 12/5
Theo Straits Times, Thủ tướng Malaysia, Muhyiddin Yassin cho biết nước này sẽ áp đặt Lệnh kiểm soát di chuyển toàn quốc (MCO) kể từ ngày hôm nay 12/5, cho đến đầu tháng 6 trong bối cảnh số ca nhiễm mới COVID-19 đang tăng lên.
Đây là lần phong toả nghiêm ngặt thứ ba kể từ khi đại dịch bùng phát tại Malaysia, và nhiều khả năng là đợt nghiêm ngặt nhất từ tháng 3 năm ngoái.
Thủ tướng Muhyiddin cho biết các hoạt động kinh tế sẽ tiếp diễn trên toàn quốc, nhưng toàn bộ các hoạt động xã hội, các sự kiện, nhà hàng, di chuyển nội đô và liên bang đều bị cấm.
Hoạt động di chuyển giữa các bang, các quận chỉ được phép nếu phục vụ các hoạt động khẩn cấp, y tế, thăm vợ/chồng hoặc đến trung tâm tiêm chủng.
Philippines: Ghi nhận 2 ca mắc biến thể từ Ấn Độ
Ngày 11/5, Bộ Y tế Philippines cho biết đã ghi nhận hai trường đầu tiên mắc biến thể mới có nguồn gốc tại Ấn Độ. Bà Alethea De Guzman, một quan chức của bộ trên, nêu rõ các trường hợp mắc bệnh là hai thủy thủ từng tới Oman vào ngày 10/4 và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất vào ngày 19/4 trước khi nhập cảnh Philippines. Theo bà De Guzman, hai người này chưa từng tới Ấn Độ và hiện sức khỏe của họ đã ổn định. Cả hai đã được cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Cũng trong ngày 1/5, Philippines ghi nhận 4.4734 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia Đông Nam Á này lên mức 1.113.547 ca, trong đó có 18.620 ca tử vong.
Bộ trưởng Y tế Philippines Francisco Duque nhận định cuộc chiến chống COVID-19 tại nước này đang tiến triển khi tỷ lệ lây nhiễm có chiều hướng giảm trong hai tuần qua.
Trong một diễn biến khác, do tác động của dịch COVID-19, trong quý đầu tiên của năm 2021, nền kinh tế Philippines đã suy giảm mạnh hơn ước tính của giới chuyên gia. Điều này sẽ buộc ngân hàng trung ương nước này cân nhắc tiếp tục duy trì lãi suất thấp kỷ lục trong cuộc họp chính sách vào ngày 12/5 tới.
Theo số liệu được cơ quan thống kê Philippines công bố ngày 11/5, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý I vừa qua đã giảm 4,2% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu quý giảm thứ 5 liên tiếp trong bối cảnh nước này áp đặt lệnh phong tỏa tại một số khu vực nơi dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng. Trước đó, các chuyên gia kinh tế dự báo GDP của Philippines trong quý này sụt giảm 3%.
Tuy nhiên, hoạt động kinh tế vẫn được đánh giá từng bước được cải thiện, tăng 0,3% so với quý IV/2020 trên cơ sở điều chỉnh theo mùa. Bộ trưởng Kế hoạch kinh tế Kari Chua nhận định vị thế kinh tế vững chắc của Philippines trước thời điểm đại dịch ập đến và sự cải thiện trong các số liệu kinh tế trong những tháng gần đây cho thấy nền kinh tế của quốc gia Đông Nam Á này đang trên đà phục hồi.
Thái Lan tăng cường kiểm soát biên giới
Các nhà chức trách Thái Lan đã tăng cường thêm các trạm kiểm soát và tuần tra dọc theo biên giới, đặc biệt là ở miền Bắc và miền Nam, nhằm ngăn chặn việc nhập cảnh trái phép và giúp chặn đứng sự lây lan của đại dịch COVID-19.
Tư lệnh cảnh sát quốc gia Thái Lan Suwat Jangyodsuk đã ra lệnh cho tất cả các đơn vị cảnh sát tăng cường giám sát để ngăn chặn những người di cư bất hợp pháp trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này tiếp tục vật lộn chống lại làn sóng dịch COVID-19 thứ ba.
Theo Phó Tư lệnh cảnh sát quốc gia Damrongsak Kittiprapat cho biết các trạm kiểm soát sẽ được thiết lập ở các tỉnh nằm sâu trong nội địa, với nhân lực được bố trí làm việc suốt ngày đêm để ngăn chặn việc vận chuyển người di cư bất hợp pháp. Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan cũng đã ban hành hướng dẫn cách ly người di cư bất hợp pháp cho cảnh sát tuần tra biên giới tại 10 tỉnh. Những người di cư bất hợp pháp phải đối mặt với tội danh nhập cảnh bất hợp pháp theo Đạo luật Nhập cư và sẽ ngay lập tức bị cách ly, buộc tội và trục xuất ngay sau khi họ hoàn thành việc cách ly bắt buộc.
Việc tăng cường quản lý biên giới nói trên được thực hiện sau khi Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) hôm 10/5 nhấn mạnh chính quyền các địa phương cần phải cảnh giác đề phòng những vụ vượt biên trái phép từ các nước láng giềng. Theo CCSA, từ ngày 1-10/5, 1.126 người di cư bất hợp pháp đã bị bắt vì nhập cảnh trái phép, trong khi 104 người bị giam giữ trong 24 giờ qua vì nhập cảnh trái phép từ Myanmar, Lào, Campuchia và Malaysia.
Về tình hình dịch COVID-19 ở Thái Lan, nước ngày ngày 11/5 ghi nhận thêm 1.919 ca nhiễm mới và 31 ca tử vong, nâng tổng số các ca bệnh từ trước tới nay lên 86.924 ca, trong đó có 452 người không qua khỏi. Số ca tử vong theo ngày ghi nhận hôm 11/5 cao bằng mức kỷ lục được ghi nhận ngày 3/5. Kể từ khi xuất hiện đợt bùng phát COVID-19 thứ ba vào đầu tháng trước, Thái Lan đã có 58.061 ca mắc bệnh.