Công nhân ngành may mặc châu Á chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19

Đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có nguy cơ kích hoạt một "cuộc chạy đua xuống đáy", có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới hàng triệu công nhân trong lĩnh vực may mặc ở châu Á, đặc biệt là phụ nữ.

"Cuộc chạy đua xuống đáy" là thuật ngữ chỉ sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, quốc gia, địa phương bằng cách giảm chất lượng hoặc hy sinh lợi ích của người lao động để giảm giá sản phẩm xuống thấp hơn đối thủ.

Chú thích ảnh
Công nhân làm việc tại một xưởng may ở Ashulia, Bangladesh. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo báo cáo về tác động của dịch COVID-19 đối với các công nhân may mặc do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố ngày 21/10, khoảng 40% công nhân bị cho nghỉ việc tạm thời hoặc bị sa thải do cuộc khủng hoảng dịch COVID -19 đã không trở lại làm việc trong quý III vừa qua. Trong khi đó, những người trở lại làm việc có nguy cơ đánh mất các quyền lợi lao động. 

Trao đổi với báo giới, bà Tara Rangarajan thuộc Chương trình Việc làm của ILO cho biết người lao động và các nhà máy dễ bị tổn hại nghiêm trọng khi đồng ý các điều kiện với các thương hiệu thời trang, theo đó không cho phép họ đảm bảo các điều kiện làm việc phù hợp. Bà nhấn mạnh điều quan trọng là phải đảm bảo vấn đề này không trở thành "cuộc chạy đua xuống đáy" khi những người có quyền hạn thấp nhất lại là những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Các công nhân trong ngành may mặc chịu tác động nặng nề nhất do đại dịch COVID-19, khi hàng loạt cửa hàng thời trang và nhà máy buộc phải đóng cửa. Theo nhóm vận động Clean Clothes, các thương hiệu thời trang đã hủy các đơn đặt hàng trị giá hàng tỷ USD từ các nhà cung cấp trên khắp thế giới, khiến người lao động mất đi 5,8 tỷ USD tiền lương. Tại châu Á-Thái Bình Dương, khu vực có khoảng 65 triệu công nhân may mặc, các đơn đặt hàng từ các khách hàng lớn phương Tây đã giảm tới 70% trong nửa đầu năm nay. Điều này đã khiến người lao động chịu thiệt hại trung bình từ 2 - 4 tuần lương. 

Trong khi ngành công nghiệp may mặc đã ổn định ở một số khu vực trung tâm, song tại Bangladesh, nơi có ít nhất 70.000 công nhân bị sa thải, nỗi lo ngại về nguy cơ nhiều người rơi vào cảnh bần hàn ngày càng gia tăng. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng COVID-19 cũng đã khiến ngành may mặc tại Campuchia, Thái Lan và Myanmar lao đao. Nhà kinh tế cấp cao của ILO chuyên về khu vực châu Á-Thái Bình Dương Christian Viegelahn cho biết phụ nữ chiếm phần lớn số nhân viên trong các nhà máy sản xuất quần áo và cũng là đối tượng gánh chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng. Chuyên gia này cảnh báo nguy cơ lớn đó là tình trạng bất bình đẳng giới đang ngày càng trầm trọng hơn, qua đó "đảo ngược" một số tiến bộ đã đạt được trong vấn đề này trong những năm gần đây.

Phương Oanh (TTXVN)
Số ca mắc COVID-19 vẫn tăng nhanh ở nhiều nước châu Á
Số ca mắc COVID-19 vẫn tăng nhanh ở nhiều nước châu Á

Tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương vẫn ở mức báo động đáng lo ngại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN