Hiệp ước sắp tới này được coi là cơ hội lịch sử để giải quyết tình trạng ô nhiễm nhựa ở mức báo động, vốn đã tăng theo cấp số nhân trong những thập kỷ gần đây.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), sản xuất nhựa đã tăng gấp đôi trong 20 năm và với tốc độ hiện tại thì con số này có thể tăng gấp ba vào năm 2060. Tuy nhiên, hơn 90% nhựa không được tái chế, với phần lớn đổ ra ngoài tự nhiên hoặc chôn trong các bãi chôn lấp rác.
Liên hợp quốc (LHQ) ước tính mỗi năm có ít nhất 460 triệu tấn nhựa được sản xuất. Khi vật liệu nhựa cứng phân hủy trong môi trường, nó tạo ra các hạt vi nhựa - với đường kính nhỏ hơn 5 mm, và phát tán ra khắp nơi - kể cả trong cơ thể người. Vi nhựa đã được tìm thấy ở các rãnh đại dương sâu nhất, đỉnh núi cao nhất, trong các đám mây và thậm chí trong cả sữa mẹ.
Phản ứng riêng lẻ
Chính phủ Mỹ đã công bố kế hoạch loại bỏ dần việc sử dụng nhựa dùng một lần trong tất cả các hoạt động liên bang đến năm 2035. Đây là một phần trong nỗ lực lớn hơn của Chính phủ Mỹ nhằm giải quyết khủng hoảng ô nhiễm nhựa ngày càng tăng.
Trong một tài liệu dài 83 trang, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết sẽ hành động để chấm dứt ô nhiễm nhựa, đồng thời hợp tác với thế giới để thúc đẩy nỗ lực tương tự. Tài liệu khẳng định đây là chiến lược toàn diện và có quy mô chính phủ đầu tiên tại Mỹ để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa trong tất cả các giai đoạn từ sản xuất, chế biến, sử dụng và thải loại.
Tại châu Âu, từ ngày 3/7, tất cả các loại nắp chai hoặc hộp nhựa chứa đồ uống được bán ở Liên minh châu Âu (EU) sẽ phải được gắn vào chai/hộp theo các quy định mới nhằm ngăn chặn tình trạng ô nhiễm. Theo đó, các sản phẩm nhựa dùng một lần chỉ được bán ra thị trường nếu đáp ứng các yêu cầu thiết kế sản phẩm cụ thể giúp giảm đáng kể số lượng nắp làm bằng nhựa thải ra môi trường. Quy định này là một phần trong nỗ lực lớn hơn nhằm hạn chế sản xuất nhựa sử dụng một lần và đã được chuyển thành luật ở các quốc gia thành viên EU. Năm 2021, EU đã cấm đĩa nhựa, dao kéo, ống hút và tăm bông dùng một lần.
Trong khi đó, Nhật Bản đang thực hiện chiến lược tái chế nhựa đối với các loại nhựa sử dụng một lần. Kế hoạch nêu rõ chính phủ sẽ thúc đẩy luật pháp nhằm ngăn chặn việc sử dụng các sản phẩm nhựa và xuất khẩu vật liệu đóng gói bằng nhựa và rác thải điện tử.
Indonesia cũng ban hành nghị định đề ra kế hoạch giảm rác thải nhựa trên biển vào năm 2025. Bên cạnh đó, Bộ Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia đã ban hành lộ trình giảm 30% rác thải nhựa không tái chế vào năm 2030.
Tại Ấn Độ, bắt đầu từ tháng 7/2022, nước này đã cấm sản xuất và sử dụng đồ nhựa dùng một lần. Các bang vùng Đông Bắc Ấn Độ đang thúc đẩy các sản phẩm thay thế nhựa từ tre với nỗ lực mang lại cơ hội kinh tế cho cộng đồng bản địa. Ở các vùng khác nhau, đĩa, ống hút và các vật liệu thay thế khác cho nhựa dùng một lần đang được làm từ mía, lá cây…
Tại Trung Quốc, từ năm 2021, nước này đã cấm túi nhựa và đồ dùng sử dụng một lần tại các thành phố lớn, ống hút dùng một lần cũng bị cấm trên toàn quốc.
Nỗ lực đi đến thỏa thuận chung
Các quốc gia đang hy vọng sẽ ký kết một thỏa thuận mang tính đột phá để giải quyết tình trạng ô nhiễm nhựa nghiêm trọng trên quy mô toàn cầu.
Các nhà đàm phán đã họp bốn lần để thảo luận về một thỏa thuận có thể bao gồm giới hạn sản xuất, các quy định thống nhất về khả năng tái chế và thậm chí là lệnh cấm một số loại nhựa hoặc thành phần hóa học.
Nhưng vẫn còn tồn tại nhiều khoảng cách lớn trong các cuộc đàm phán. Ông Eirik Lindebjerg, người phụ trách chính sách nhựa toàn cầu tại Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) lưu ý khả năng điều chỉnh sản xuất cũng như các biện pháp giảm ô nhiễm nhựa là những vấn đề gây tranh cãi.
Các nhóm môi trường từ lâu đã lập luận rằng hiệp ước phải bao gồm các biện pháp hạn chế nhựa mới, một lập trường được hàng chục quốc gia ủng hộ. Hiện tại, các nước này có một đồng minh mạnh mẽ là Mỹ, quốc gia ủng hộ một số giới hạn sản xuất.
Các nhóm bảo vệ môi trường hoan nghênh sự thay đổi trên, mặc dù ông Lindebjerg cảnh báo rằng vẫn chưa rõ liệu Washington sẽ ủng hộ những giới hạn bắt buộc hay tự nguyện.
Mức độ ràng buộc của thỏa thuận là một vấn đề gây tranh cãi khác. Một số quốc gia muốn có các biện pháp như mốc thời gian thống nhất để loại bỏ dần một số loại nhựa, trong khi những quốc gia khác lại ủng hộ phương án cho phép các quốc gia quyết định cách thức và thời điểm quản lý.
Giống như các cuộc đàm phán về khí hậu, nguồn tài chính để thực hiện bất kỳ thỏa thuận nào về giảm ô nhiễm nhựa cũng gây nhiều tranh cãi rất nhiều.
Ông Chris Jahn thuộc Hội đồng Hiệp hội Hóa chất Quốc tế (ICCA), đại diện cho ngành công nghiệp hóa chất toàn cầu, cảnh báo vẫn còn rất nhiều vấn đề chưa được giải quyết. Theo ông Jahn, ICCA sẽ phản đối việc quản lý hóa chất hoặc hạn chế sản xuất nhựa. Ông Jahn nhấn mạnh nhựa là vật liệu thiết yếu để thế giới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững và biến đổi khí hậu.
Tuần trước, Hội đồng Hóa học Mỹ đã cảnh báo việc Mỹ ủng hộ hạn chế sản xuất sẽ đi ngược lại lợi ích của ngành sản xuất của Mỹ và gây nguy cơ mất việc làm. Ông Jahn cho biết các ngành công nghiệp ủng hộ nỗ lực thúc đẩy tái sử dụng nhựa và những thiết kế mới để tái chế dễ dàng hơn, cũng như các quy định để buộc những nhà sản xuất phải trả tiền cho ô nhiễm nhựa.
Dù vẫn còn những khoảng cách, vẫn có sự lạc quan thận trọng rằng các nước có thể đạt một thỏa thuận vững chắc. Theo ông Lindebjerg, các nước đang đứng trước cơ hội lịch sử.
Năm 2022, hầu hết các quốc gia trên thế giới đã đồng ý ký kết hiệp ước ràng buộc pháp lý đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm đại dương. Mục tiêu là hoàn tất các cuộc đàm phán vào cuối năm 2024.