Cơ hội hòa bình mong manh

Gần 18 năm đã trôi qua kể từ khi Mỹ đưa quân vào Afghanistan, nhưng quốc gia này vẫn chưa có một "nền hòa bình và ổn định" như mục tiêu mà Washington đề ra.

Trải qua nhiều cuộc bầu cử tổng thống, song sự đối đầu giữa chính phủ với lực lượng Taliban và cũng như mâu thuẫn giữa các phe phái trong chính phủ vẫn không hề thu hẹp. Bất chấp các trở ngại này, chính phủ Afghanistan đã quyết định tổ chức bầu cử tổng thống vào ngày 28/9 với hy vọng sẽ thúc đẩy chuyển giao quyền lực một cách hòa bình tại quốc gia Nam Á này. 

Chú thích ảnh
Lính thủy đánh bộ Mỹ ở tỉnh Helmand, miền Nam Afghanistan. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo thông báo của chính phủ Afghanistan, cuộc bầu cử diễn ra ngày 28/9 có tất cả 18 ứng cử viên. Hai ứng cử viên hàng đầu là Tổng thống đương nhiệm Ashraf Ghani và quan chức điều hành cấp cao chính quyền Afghanistan Abdullah Abdullah.

Đây là hai đối thủ truyền thống từ cách đây năm năm, trong một cuộc bầu cử bất phân thắng bại mà cuối cùng Washington phải đảm nhiệm vai trò trung gian hòa giải để thành lập chính phủ chia sẻ quyền lực hiện tại. Quyết định tái tranh cử của hai đối thủ truyền thống báo hiệu Afghanistan sẽ có một cuộc bầu cử chông gai. Cả hai ứng cử viên mạnh nhất nói rằng sẽ không lặp lại thỏa thuận chia sẻ quyền lực "tồi tệ " như hiện tại, một tuyên bố cho thấy quyết tâm loại hẳn đối thủ lâu năm của nhau.   

Tổng thống Ghani và ông Abdullah đều công bố cương lĩnh tranh cử với cam kết đoàn kết đất nước và chấm dứt nội chiến. Tuy nhiên, cả hai người đều không đưa ra được kế hoạch chi tiết nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình để phát triển kinh tế đất nước. Điều này cho thấy hai ứng cử viên hàng đầu đang lúng túng trong việc hoạch định chương trình hành động cụ thể để giải quyết vấn đề lớn nhất của đất nước. Đó chính là giải quyết xung đột với Taliban - phong trào Hồi giáo cực đoan kiểm soát tới 11% dân số Afgahnistan.

Sau vụ tấn công khủng bố 11/9/2001 vào nước Mỹ, Washington từng xác định Taliban là một "tổ chức khủng bố", coi Taliban là đối tượng tấn công trọng điểm. Taliban cũng thường xuyên thực hiện các vụ tấn công đẫm máu vào quân đội Mỹ và chính phủ Afghanistan. Sau 18 năm, chính phủ Mỹ của Tổng thống Donald Trump đã quyết định khởi động đối thoại trực tiếp với Taliban. Tuy nhiên, Tổng thống Trump đã quyết định hủy bỏ tiến trình đối thoại này với lý do "Taliban vẫn tiếp tục các vụ tấn công khủng bố". 

Chú thích ảnh
Khói bốc lên từ hiện trường vụ tấn công nhằm vào văn phòng của người liên danh tranh cử với Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani ở Kabul ngày 28/7/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Điều đó cho thấy mâu thuẫn giữa Mỹ với Taliban cũng như sự tranh chấp quyền lực trong nội bộ chính quyền đương nhiệm của Afghanistan rất khó đạt được sự đồng thuận. Việc chính quyền của Tổng thống Trump không quan tâm đến sự tồn tại của chính phủ Afghanistan, công khai tuyên bố phải đàm phán với Taliban đồng nghĩa với việc "đổ thêm dầu vào lửa" vào mối quan hệ giữa chính phủ Afghanistan với Taliban khiến bất đồng ngày càng trầm trọng. 

Trong một thông báo liên quan đến bầu cử, Taliban đã chính thức lên án cuộc bầu cử ngày 28/9 là không hợp pháp vì các lực lượng nước ngoài vẫn đang hiện diện tại Afghanistan. Phong trào Hồi giáo cực đoan này cảnh báo người dân không được đi bầu cử trong ngày 28/9 vì Taliban sẽ tấn công các điểm bỏ phiếu.  

Giới quan sát lo ngại số người đi bầu cử năm nay sẽ rất thấp, khoảng 3,6 triệu trong tổng số 9,6 triệu người đăng ký. Do an ninh bất ổn, cuộc bầu cử lần này sẽ chỉ diễn ra tại những vùng chính phủ kiểm soát, chiếm khoảng 60% dân số cả nước. Chính phủ cho biết sẽ đóng cửa 2.400 điểm bỏ phiếu trên tổng số hơn 7.400 điểm bỏ phiếu được mở cửa trong cuộc bầu cử năm 2015.   

Không khí bất ổn, bạo lực đang bao trùm trước thềm cuộc bầu cử tổng thống lần thứ tư của Afghanistan. Các vụ tấn công gia tăng, nhất là từ ngày 6/8 vừa qua khi phiến quân Taliban đe dọa người dân nước này tránh xa các cuộc tuần hành và mít-tinh liên quan đến bầu cử. Từ ngày 6/8 – 22/9, hơn 240 dân thường và khoảng 40 nhân viên an ninh đã thiệt mạng trong khi lực lượng chức năng tiêu diệt 1.538 phần tử khủng bố. Giới phân tích cho rằng tình hình hiện nay tại Afghanistan không phải là thời điểm thích hợp để tiến hành bỏ phiếu. Taliban sẽ dùng mọi thủ đoạn làm gián đoạn tiến trình bầu cử.

Tuy nhiên, bất chấp các trở ngại trên, Chính phủ Afghanistan đang dồn mọi nỗ lực vào cuộc bầu cử sắp tới với cam kết đảm bảo bầu cử diễn ra tự do, minh bạch, đáng tin cậy và toàn diện. Ủy ban bầu cử độc lập (IEC) đã triển khai hơn 23.000 thiết bị sinh trắc học, lấy dấu vân tay, – “một công cụ” quan trọng để ngăn cử tri bỏ phiếu nhiều lần. Những tổ chức độc lập như Quỹ Bầu cử minh bạch của Afghanistan (TEFA) được phép tuyển chọn các giám sát viên tại 34 tỉnh của nước này. Công tác bảo đảm an ninh cho cử tri đi bầu và các quan chức tại điểm bỏ phiếu được ưu tiên hàng đầu. Khoảng 72.000 thành viên thuộc lực lượng an ninh được triển khai để bảo vệ các điểm bỏ phiếu trên toàn Afghanistan. 

Giới chuyên gia thận trọng khi dự đoán kết quả bầu cử vì lo ngại khả năng xảy ra các kịch bản như chiến dịch vận động bầu cử bị gián đoạn hay độ tin cậy của các lá phiếu, cũng như tỷ lệ cử tri đi bầu ở mức thấp do an ninh bất ổn tại Afghanistan. Một cuộc thăm dò do TEFA tiến hành trước thềm bầu cử cho thấy khả năng ông Ghani sẽ giành chiến thắng và ông Abdullah sẽ về thứ hai trong cuộc chạy đua giành ghế tổng thống. 

Giới quan sát đánh giá một cuộc bầu cử đầy tranh cãi và tỷ lệ đi bầu cử thấp thậm chí sẽ làm suy yếu hơn vị thế của chính phủ. Nếu đàm phán Mỹ - Taliban được tái khởi động, tổng thống đắc cử phải gánh vác nhiệm vụ vô cùng khó khăn, đó là đàm phán thỏa thuận chia sẻ quyền lực với Taliban. 

Tuy nhiên, không thể phủ nhận cho đến thời điểm này, bầu cử là cơ hội hòa bình để chuyển giao quyền lực. Cuộc bỏ phiếu, nếu diễn ra suôn sẻ theo đúng kế hoạch, sẽ mở ra hy vọng cho các cuộc đàm phán trực tiếp giữa chính quyền Kabul và Taliban nhằm đạt được một thỏa thuận chính trị, chấm dứt hơn một thập kỷ xung đột và bạo lực tại quốc gia này.

Nguyễn Hằng (TTXXVN)
Nga: Mỹ liên quan đến việc đưa khủng bố IS đến Afghanistan
Nga: Mỹ liên quan đến việc đưa khủng bố IS đến Afghanistan

Cơ quan an ninh Nga tố cáo các lực lượng của Mỹ có liên quan đến việc đưa phiến quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) đến vùng phía Bắc Afghanistan, nhằm gây bất ổn tại khu vực biên giới của Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (CIS). 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN