Cuộc họp này có sự tham gia của Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Yasutoshi Nishimura, người phụ trách công tác ứng phó với dịch COVID-19 của chính phủ cùng Bộ trưởng Y tế, Lao động và Phúc lợi Norihisa Tamura. Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Nishimura đã giải thích lý do chính phủ muốn gia hạn tình trạng khẩn cấp tới ngày 21/3. Theo đó, tốc độ giảm số ca nhiễm mới ở vùng thủ đô Tokyo đang chậm lại, thậm chí ngừng giảm hoặc tăng trở lại trong một số ngày gần đây.
Bộ trưởng Nishimura cảnh báo hoạt động di chuyển của người dân có thể sẽ tăng trong các tháng 3 và 4 và lưu ý rằng dịch COVID-19 đã bắt đầu lây lan rộng ở nước này vào cuối tháng 3 năm ngoái.
Về phần mình, Bộ trưởng Tamura nói việc duy trì tình trạng khẩn cấp sẽ gây bất tiện cho người dân nhưng ông cam kết sẽ triển khai chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19 một cách suôn sẻ và ứng phó một cách chắc chắn với các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Dự kiến, trong ngày 5/3, Quốc hội Nhật Bản sẽ thảo luận về kế hoạch gia hạn tình trạng khẩn cấp của chính phủ. Sau đó, Ban Chỉ đạo ứng phó với dịch COVID-19 của chính phủ sẽ đưa ra quyết định cuối cùng trong chiều cùng ngày. Thủ tướng Suga Yoshihide sẽ tổ chức họp báo vào tối cùng ngày để chính thức công bố quyết định này.
Chính phủ Nhật Bản đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Tokyo và 3 tỉnh lân cận trong vòng 1 tháng vào ngày 7/1. Sau đó, phạm vi áp dụng tình trạng khẩn cấp đã được mở rộng ra 11 tỉnh. Tuy nhiên, tháng trước, Thủ tướng Suga đã lần lượt dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp ở các tỉnh Tochigi, Gifu, Aichi, Osaka, Hyogo, Kyoto và Fukuoka, trong khi vẫn duy trì tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Tokyo và 9 tỉnh, thành khác tới ngày 7/3.