Trong lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh mà Tiến sĩ Andrew Wells-Dang đang đảm nhận tại USIP, ông nhận thấy Việt Nam và Mỹ đã đạt được những dấu mốc quan trọng trong 10 năm qua, bao gồm việc hoàn thành xử lý dioxin tại sân bay Đà Nẵng, khởi động tẩy rửa điểm nóng dioxin lớn nhất của Việt Nam tại căn cứ không quân Biên Hòa, mở rộng các chương trình của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) nhằm hỗ trợ người khuyết tật liên quan đến chất độc da cam và vật liệu chưa nổ. Hợp tác tìm kiếm người mất tích trong chiến tranh giữa Việt Nam và Mỹ cũng phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn đối tác toàn diện. Trên cơ sở những hỗ trợ qua nhiều thập niên của Việt Nam trong tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích, các đội Việt Nam tiếp tục tự mình thực hiện các nhiệm vụ tìm kiếm, giúp xác định được một số quân nhân Mỹ mất tích dù trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19. Năm 2021, Bộ Quốc phòng hai nước đã khởi động Sáng kiến Tìm kiếm người Việt Nam mất tích trong chiến tranh (VWAI), trong đó các cơ quan của Mỹ bao gồm USAID, Đại học Harvard và USIP đóng góp thông tin và phân tích để giúp tìm kiếm và xác định những người mất tích.
Theo Tiến sĩ Andrew Wells-Dang, 10 năm qua cũng chứng kiến sự phát triển trong quan hệ chính trị, kinh tế và an ninh. Trong cuốn hồi ký "Không gì là không thể", cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius nhắc tới sự kiện Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới thăm Nhà Trắng năm 2016. Ông cho rằng chuyến thăm đã chứng minh rằng có thể đạt được tiến bộ trong quan hệ Việt - Mỹ cho dù hai nước có thể chế chính trị khác nhau. Điều này đã góp phần xây dựng lòng tin ở các cấp chính trị cao nhất. Kể từ đó, chính quyền dưới thời Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Joe Biden tiếp tục nhấn mạnh rằng Mỹ ủng hộ một Việt Nam hùng mạnh, thịnh vượng và độc lập. Trong chuyến thăm Hà Nội vào tháng 4 năm nay, Ngoại trưởng Antony Blinken đã bổ sung thêm chữ “kiên cường”. Những cam kết của lãnh đạo cả hai chính đảng ở Mỹ có thể là cơ sở cho quan hệ đối tác Việt - Mỹ ngày càng phát triển trong những năm tới.
Tiến sĩ Andrew Wells-Dang nhấn mạnh một điểm đặc biệt trong quan hệ Việt Nam – Mỹ là nền tảng quan hệ ngoại giao nhân dân, bao gồm các mối quan hệ giữa các cựu chiến binh, sinh viên, doanh nhân và các tổ chức phát triển phi chính phủ. Hơn 2,5 triệu người Mỹ gốc Việt đóng vai trò cầu nối quan trọng. Nhìn vào thời kỳ hậu chiến, Tiến sĩ Andrew Wells-Dang nhận thấy rằng sự tin tưởng và hợp tác giữa nhân dân hai nước đã hình thành từ trước khi hai quốc gia đạt được những tiến bộ ngoại giao ở cấp nhà nước. Nhìn chung, hầu hết tất cả hội nhóm chính trị xã hội đều ủng hộ mối quan hệ song phương mạnh mẽ hơn. Đây là thành tựu đáng kể trong quá trình hòa giải thời hậu chiến, và điều này mang lại cho ông hy vọng rằng trong tương lai, hai nước có thể làm việc cùng nhau để vượt qua những khác biệt một cách hòa bình.
Một bước ngoặt nữa là các gia đình gánh chịu tổn thất và đau thương thuộc tất cả các bên trong cuộc chiến giờ đây đã trở thành một trụ cột gắn kết giữa hai nước. Khi hai bên thừa nhận quá khứ và xây dựng các mối quan hệ cá nhân mạnh mẽ, thì điều đó có thể là cơ sở cho một tầm nhìn chung về tương lai.
Vừa qua, Tiến sĩ Andrew Wells-Dang đã có dịp cùng với Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng đến thăm bang Utah, miền Tây nước Mỹ. Nội dung các trao đổi mà ông chứng kiến trong chuyến đi đó cho thấy, rõ ràng các công ty Mỹ rất quan tâm đến thương mại và đầu tư ở Việt Nam. Các trường phổ thông và đại học ở Mỹ cũng rất chào đón các học sinh, sinh viên Việt Nam tới học tập. Sau thời gian giảm nhẹ do đại dịch COVID-19, số lượng du học sinh Việt Nam tại Mỹ hiện đang tăng trở lại.
Ngoài hợp tác kinh tế và giáo dục, quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Mỹ còn bao gồm các trụ cột về an ninh hàng hải, khí hậu và môi trường, nhân quyền, di sản chiến tranh và hợp tác quốc phòng. Tiến sĩ Andrew Wells-Dang bày tỏ tin tưởng tất cả các lĩnh vực này sẽ tiếp tục phát triển. Lãnh đạo hai nước sẽ chỉ rõ cách thức đưa các trụ cột hợp tác này vào thực tiễn. Tại USIP, các chuyên gia đặc biệt quan tâm đến hợp tác với Việt Nam trong các vấn đề hòa bình, an ninh khu vực và toàn cầu. Việt Nam nhận được sự tôn trọng từ các quốc gia ở các bên khác nhau trong những cuộc xung đột toàn cầu, vì thế có tiềm năng đóng vai trò là quốc gia trung gian hòa giải vì hòa bình.
Tiến sĩ Andrew Wells-Dang là người có nhiều năm gắn bó với đất nước và con người Việt Nam. Ông từng có thời gian 20 năm sinh sống ở Việt Nam, trong đó có 8 năm ở Hà Nội và 12 năm ở Hội An. Ông lấy vợ là người Việt Nam và mới cùng gia đình trở về Mỹ sinh sống từ năm 2019. Lĩnh vực hoạt động chính của ông tại Viện Hòa bình Mỹ là cùng một nhóm chuyên gia về châu Á xây dựng những dự án khắc phục hậu quả chiến tranh tại Việt Nam, thực hiện các hội thảo chuyên đề về di sản chiến tranh, qua đó hàn gắn vết thương chiến tranh, đưa quan hệ Mỹ - Việt hướng tới tương lai của hòa bình và phát triển.