Trong cuộc khảo sát với 50 nhà kinh tế được thực hiện từ ngày 13-20/11, 45% số người tham gia cho rằng mức thuế ông Trump sẽ áp đặt lên hàng hóa Trung Quốc sẽ dao động từ 31% đến 45%. Khoảng 35% dự đoán mức thuế sẽ nằm trong khoảng từ 15% đến 30%, trong khi 20% tin rằng mức thuế có thể cao hơn, từ 46% đến 60%.
Ông Trump nhiều lần nhấn mạnh việc áp thuế sẽ giúp củng cố nền kinh tế Mỹ, bảo vệ sản xuất nội địa và thúc đẩy đầu tư trong nước. Ông cũng đề xuất các mức thuế chung từ 10% đến 20% đối với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu, với hy vọng kích thích ngành công nghiệp nội địa.
Theo trang The Hill, trong cuộc tranh luận vào tháng 9/2024 với Phó Tổng thống đương nhiệm Kamala Harris, ông Trump tiếp tục nhấn mạnh cam kết tăng thuế nhập khẩu. Ông phát biểu đầy tự hào: “Chúng ta đang áp thuế lên các quốc gia khác. Tôi đã thu về hàng tỷ USD... từ Trung Quốc”.
Tuy nhiên, các nhà phê bình cảnh báo rằng việc tăng thuế có thể gây ra hệ lụy cho người tiêu dùng Mỹ. Hàng hóa bị đánh thuế sẽ tăng giá, trong khi các đối tác thương mại có thể trả đũa bằng cách áp thuế lên hàng hóa xuất khẩu của Mỹ, làm tăng chi phí sản xuất và ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu.
Theo Đại diện Thương mại Mỹ, Trung Quốc là nguồn nhập khẩu hàng đầu của nức này, với 16,5& hoặc 536 tỷ USD hàng hóa được nhập khẩu từ quốc gia này trong tổng số 3,2 nghìn tỷ USD hàng hóa vào năm 2022. Trung Quốc cũng nắm giữ 775 tỷ USD chứng khoán Mỹ, chỉ đứng sau Nhật Bản với 1,1 nghìn tỷ USD.
Theo The Hill, Trung Quốc không muốn xảy ra chiến tranh thương mại và nhấn mạnh tầm quan trọng của sự ổn định trong sản xuất và chuỗi cung ứng.
Thuế quan vốn dĩ được thiết kế để bảo vệ sản xuất nội địa, giúp các doanh nghiệp Mỹ cạnh tranh tốt hơn trên thị trường trong nước. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc giá cả hàng hóa bị áp thuế sẽ tăng, gây sức ép lên túi tiền của người tiêu dùng.
Khảo sát của Reuters cung cấp một cái nhìn rõ ràng về kỳ vọng từ giới kinh tế đối với chính sách thương mại của ông Trump. Với các mức thuế được dự đoán cao như vậy, chính quyền mới có thể đang chuẩn bị cho một cuộc đối đầu thương mại gay gắt với Trung Quốc, đồng thời định hình lại mối quan hệ kinh tế giữa hai cường quốc.
Việc áp thuế mạnh mẽ có thể tạo ra những tác động sâu rộng không chỉ đối với Mỹ mà còn trên phạm vi toàn cầu, trong bối cảnh các quốc gia khác cũng có thể đưa ra biện pháp đối phó để bảo vệ lợi ích của mình.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 14/11 vừa qua, lãnh đạo đảng Cộng hòa (Mỹ) chịu trách nhiệm về chính sách cạnh tranh với Trung Quốc đã trình dự luật nhằm chấm dứt quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn với Bắc Kinh.
Hạ nghị sĩ John Moolenaar (bang Michigan), Chủ tịch Ủy ban đặc biệt về quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, đã đề xuất hủy bỏ Quy chế Quan hệ Thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) đối với Trung Quốc, một chính sách đã được duy trì trong hơn hai thập kỷ. Dự luật của ông Moolenaar sẽ là bước tiến để tăng cường khả năng kiểm soát của Washington đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Ông Moolenaar cho biết, vào năm ngoái, Ủy ban đặc biệt về quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, với sự đồng thuận từ hai đảng, đã nhất trí rằng Mỹ cần phải điều chỉnh lại mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc.
Dựa trên các mức thuế từ thời chính quyền Trump và Biden, Đạo luật khôi phục công bằng thương mại sẽ tước bỏ quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn của Trung Quốc với Mỹ, bảo vệ an ninh quốc gia, hỗ trợ chuỗi cung ứng và đưa việc làm sản xuất trở lại cho Mỹ và các đồng minh.
Ông cũng khẳng định chính sách này giúp tạo ra sân chơi công bằng và giúp người dân Mỹ thắng thế trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc.