Kênh DW (Đức) cho biết ngay cả trước khi hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - Arab khai mạc tại Saudi Arabia vào 9/12, Trung Quốc rất muốn làm nổi bật vai trò của nước này tại Trung Đông.
Vào đầu tháng này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố báo cáo 19.000 từ về “Thời đại mới hợp tác Trung Quốc - Arab” và nhấn mạnh rằng Bắc Kinh là “đối tác chiến lược, người bạn chân thành” đóng vai trò xây dựng tại Trung Đông.
Có nhiều quan ngại ngại rằng hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - Arab diễn ra ở thời điểm vô cùng nhạy cảm trong quan hệ Mỹ - Saudi Arabia.
Tuy nhiên, giáo sư Bernard Haykel tại Đại học Princeton (Mỹ) đánh giá hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - Arab không nhằm “chọc tức Mỹ”. Ông Haykel phân tích: “Saudi Arabia có quan hệ kinh tế mạnh mẽ với Trung Quốc và Chủ tịch Tập Cận Bình dự kiến đến sớm hơn. Chuyến thăm bị hủy một vài lần do phong tỏa vì dịch COVID-19”.
Nhiều chuyên gia cho rằng hội nghị thượng đỉnh với 14 lãnh đạo các nước Arab dự kiến tham gia nhiều khả năng liên quan đến thương mại. Ông Hasan al-Hasan tại Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS) nói: “Hội nghị thượng đỉnh liên quan đến các quốc gia có kinh tế khác nhau”.
Các chuyên gia cũng bổ sung rằng chuyến thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc không phải là điều bất ngờ bởi quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và các quốc gia Arab đã phát triển trong nhiều năm.
Theo Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), thương mại song phương giữa Trung Quốc và các quốc gia Vùng Vịnh trong đó có Saudi Arabia và Iran đạt tổng 2,48 nghìn tỷ USD trong năm 2021. Trên thực tế, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Saudi Arabia.
Ông Hasan al-Hasan nhận định hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - Arab có thể thể hiện vai trò của Trung Quốc là nhà cung cấp quỹ phát triển và kinh doanh, đồng thời để Saudi Arabia thể hiện vai trò lãnh đạo của mình trong thế giới Arab.
Các công ty Trung Quốc đã đóng vai trò đáng kể trong nhiều quốc gia Trung Đông. Những doanh nghiệp này đang xây dựng cảng, khu tự do thương mại trong khu vực, bao gồm những quốc gia Oman, Ai Cập, Kuwait, Saudi Arabia. Hợp tác giữa Trung Quốc và các nước Arab cũng đã phát triển bao gồm lĩnh vực công nghệ kỹ thuật số, năng lượng tái tạo, du lịch và hàng không. Hầu hết các quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) sử dụng công nghệ của tập đoàn Huawei (Trung Quốc) trong mạng lưới viễn thông của họ.
Nhà nghiên cứu Naser al-Tamimi tại Viện nghiên cứu Chính trị Quốc tế Italy (ISPI) phân tích: “Đối với Trung Quốc, ưu tiên tại Riyadh là kinh tế, ít nhất là về ngắn và trung hạn”. Các quốc gia Vùng Vịnh được đánh giá có môi trường chính trị ổn định, nguồn tài chính dồi dào để kinh doanh.
Về phần Saudi Arabia và các nước láng giềng, mối quan hệ thương mại với Trung Quốc sẽ giúp đa dạng nền kinh tế của họ, tránh khỏi việc phụ thuộc vào dầu mỏ. Họ biết rằng dần dần thế giới đang chuyển sang năng lượng tái tạo do vậy đã chi mạnh tay cho đa dạng kinh tế. Ông Naser al-Tamimi cho rằng Trung Quốc sẽ không để lỡ cơ hội này.