Chuông vang trên tháp Bosin và hành trình mới của xứ sở kim chi

Ông Yoon Suk-yeol đã chính thức đảm nhiệm vai trò Tổng thống Hàn Quốc với việc nghe báo cáo nhanh đầu tiên của Tổng tham mưu trưởng liên quân với tư cách là Tổng tư lệnh mới của các lực lượng vũ trang Hàn Quốc.

Chú thích ảnh
Tháp chuông Bosingak ở trung tâm Seoul. Ảnh: Anh Nguyên/Pv TTXVN tại Hàn Quốc.

Cũng ở thời khắc chuyển giao này, tháp chuông Bosin (Bosingak) ở trung tâm Seoul đã gióng những hồi chuông đánh dấu nhiệm kỳ 5 năm của Tổng thống mới bắt đầu.

Những khó khăn, thách thức 

Tổng thống Yoon nhậm chức trong bối cảnh tình hình chính trị trong nước và quốc tế có nhiều điểm không thuận lợi. Trong diễn văn nhậm chức vào sáng 10/5, Tổng thống Yoon đã nêu ra những thách thức mà Hàn Quốc và thế giới đang phải đối mặt như đại dịch COVID-19, khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu, biến đổi khí hậu… Tổng thống Yoon nhấn mạnh các cuộc khủng hoảng lương thực và năng lượng đang gây ra sự tàn phá trên toàn thế giới; xung đột vũ trang và chiến tranh là những cuộc khủng hoảng phức tạp mà không một quốc gia hay một nhóm quốc gia nào có thể tự giải quyết được; vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên chưa có bước đột phá. Trong khi đó, ở trong nước, Hàn Quốc đang có tốc độ tăng trưởng thấp kỷ lục và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, sự phân cực giàu nghèo trong xã hội ngày càng trở nên gay gắt.

Hai đảng chính trị lớn nhất là đảng Dân chủ (DP) cầm quyền và đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) đối lập hiện đang trong tình trạng chia rẽ sâu sắc. Tình huống hi hữu đã xảy ra khi tổng thống Hàn Quốc nhậm chức với nội các không có thủ tướng do Quốc hội chưa phê chuẩn. Trong khi đó, cho đến ngày nhậm chức, Quốc hội cũng mới chỉ phê chuẩn 5/19 ứng cử viên nội các do tổng thống đắc cử đề cử, khiến phiên họp chính phủ đầu tiên không thể tiến hành theo cách thức và địa điểm thông thường. Sự mâu thuẫn gay gắt giữa DP và PPP dẫn đến nguy cơ nhiều chính sách của chính phủ mới sẽ không thể triển khai do DP đang chiếm đa số tuyệt đối tại Quốc hội Hàn Quốc.

Về kinh tế, sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, mặc dù Hàn Quốc đã tận dụng tốt cơ hội để kích thích xuất khẩu, triển khai các chính sách nhằm sớm khôi phục cuộc sống thường nhật, song giai đoạn hậu COVID-19 vẫn còn nhiều bất trắc và biến động khó lường. Sự đứt gẫy chuỗi cung ứng và tác động từ cuộc xung đột Nga – Ukraine cũng là những yếu tố khiến nền kinh tế vĩ mô của Hàn Quốc kém ổn định. Nhiều tổ chức quốc tế đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc trong năm 2022.

Mục tiêu chiến lược và định hướng chính sách 

Tân Tổng thống Yoon Suk-yeol trước đó đã công bố 110 nhiệm vụ quan trọng của chính phủ mới trong việc điều hành đất nước nhằm hiện thực hóa 6 mục tiêu tổng quát để đạt được mục tiêu chiến lược mới là “Một Đại Hàn Dân Quốc phát triển nhảy vọt, một đất nước thịnh vượng cho mọi người dân”. 

Chú thích ảnh
Tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tại lễ tuyên thệ nhậm chức ở Seoul ngày 10/5/2022. Ảnh: Yonhap/ TTXVN

Để thực hiện tầm nhìn trên, Ủy ban chuyển tiếp của chính phủ mới đã đề ra các mục tiêu điều hành quốc gia ở các lĩnh vực chính trị, hành chính công, kinh tế, xã hội, ngoại giao và an ninh, phát triển tương lai, phát triển vùng, địa phương. Trong những mục tiêu được nêu ra, chính phủ của tân Tổng thông Yoon nhấn mạnh trọng tâm là an ninh kinh tế. 

Hơn 2 năm giãn cách vì đại dịch COVID-19 khiến nền kinh tế và đời sống của người dân Hàn Quốc bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu  của chính quyền mới là thông qua khoản ngân sách bổ sung lên tới 28 tỷ USD để hỗ trợ những thiệt hại do COVID-19 cho các tiểu thương. Về chính sách bất động sản, chính phủ mới lên kế hoạch cung cấp hơn 2,5 triệu nhà ở cho người dân, từng bước ổn định và lành mạnh hóa thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, chính phủ mới cũng cam kết thúc đẩy nền kinh tế thị trường lấy doanh nghiệp làm trung tâm, hỗ trợ khôi phục môi trường sinh thái công nghiệp đã bị ảnh hưởng do chính sách điện hạt nhân, cải thiện tính bền vững của thị trường tài chính. 

Trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, Hàn Quốc sẽ chú trọng phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp chiến lược trong tương lai như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo,… phấn đấu đưa Hàn Quốc trở thành một trong 5 cường quốc (G5) về khoa học và công nghệ trên thế giới. Chính phủ mới đặt mục tiêu tăng xuất khẩu chip lên 170 tỷ USD vào năm 2027 - năm cuối cùng trong nhiệm kỳ của Tổng thống Yoon Suk-yeol; thúc đẩy sự phát triển đồng bộ của ngành công nghiệp và thương mại; phát huy khả năng sáng tạo để đối phó với cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu, tăng cường hợp tác với các quốc gia cung cấp nguyên liệu thô hoặc các quốc gia có công nghệ tiên tiến. 

Về chính sách đối ngoại, chính phủ mới đề cao lợi ích quốc gia và tính thực tiễn, dựa vào lực lượng phòng thủ quốc gia vững chắc, chuyển đổi từ một “quốc gia bị ảnh hưởng” thành “quốc gia có ảnh hưởng” xứng tầm với vị thế kinh tế của đất nước. 

Tân Tổng thống Yoon đã đưa ra định hướng xây dựng lại liên minh Hàn-Mỹ và tăng cường “Liên minh chiến lược toàn diện” nhằm củng cố và mở rộng thế trận phòng thủ chung; từng bước mở rộng ảnh hưởng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương; liên minh chặt chẽ với Mỹ trong các cơ chế đa phương như nhóm Bộ Tứ (cơ chế tham vấn 4 bên giữa Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ) để tìm kiếm tư cách thành viên chính thức trong tương lai,… 

Về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, những ưu tiên của chính phủ mới ở Hàn Quốc gồm thúc đẩy phi hạt nhân hóa "hoàn toàn và có thể kiểm chứng", bình thường hóa quan hệ liên Triều, củng cố liên minh quân sự Hàn-Mỹ để đối phó với các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, thiết lập văn phòng liên lạc Hàn-Triều-Mỹ ở làng đình chiến Panmunjeom,... Trái với chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống Moon Jae-in, chính phủ mới chủ trương áp dụng nguyên tắc răn đe vũ lực, sẵn sàng tấn công phủ đầu để đạt lợi thế với Triều Tiên.

Chú thích ảnh
Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Yoon Suk-yeol (trái, phía trên) tại buổi giao ban với Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân trong một boongke dưới mặt đất ở Yongsan, Seoul, khởi đầu nhiệm kỳ Tổng thống, ngày 10/5/2022. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Giới phân tích nhận định rằng các hoạt động tăng cường liên minh quân sự Hàn – Mỹ - Nhật sẽ thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang ở Đông Bắc Á. Nhiều tiếng nói kêu gọi tân Tổng thống Yoon thay vì răn đe vũ lực, nên tôn trọng và thực thi các thỏa thuận hiện có với Triều Tiên, đưa ra một gói khuyến khích kinh tế nhằm thu hút Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán. 

Trong động thái mới nhất ngay trước lễ nhậm chức, Tổng thống Yoon Suk-yeol tuyên bố sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, song nhấn mạnh rằng bất kỳ cuộc gặp nào cũng chỉ được thực hiện khi mang lại kết quả rõ rệt trong vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên hay các hoạt động trao đổi liên Triều. Tổng thống Hàn Quốc cũng nhấn mạnh sẽ chuẩn bị các chương trình nhằm cải thiện đáng kể tình hình kinh tế của Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng có các bước đi phi hạt nhân hóa không thể đảo ngược.

Với chủ trương cải thiện quan hệ với Nhật Bản, Tổng thống Yoon đã cử phái đoàn phối hợp chính sách do Phó Chủ tịch Quốc hội Chung Jin-suk dẫn đầu sang Tokyo để cùng thảo luận các nỗ lực phát triển quan hệ Hàn-Nhật hướng tới tương lai, vì lợi ích chung của hai nước. Trong thư tay gửi Thủ tướng Fumio Kishida, Tổng thống Yoon đề xuất hai bên kế thừa và phát huy tinh thần thỏa thuận Hàn-Nhật được ký kết giữa cố Tổng thống Kim Dae-jung và cựu Thủ tướng Obuchi Keizo năm 1998, trong đó có nội dung không né tránh các vấn đề lịch sử. 

Trong quan hệ với Trung Quốc, ông Yoon Suk-yeol chủ trương điều chỉnh lại quan hệ Hàn – Trung trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau; không coi cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung là thách thức với Hàn Quốc mà là cơ hội có thể tận dụng để phát triển. Giới phân tích cho rằng ông Yoon sẽ không để xảy ra những bất ổn trong quan hệ với Trung Quốc do Bắc Kinh hiện là đối tác thương mại hàng đầu và là nguồn nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành công nghiệp quan trọng của Hàn Quốc.

Rõ ràng, tân Tổng thống Yoon Suk-yeol và chính phủ mới của Hàn Quốc sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn và thách thức trong nhiệm kỳ 5 năm tới. Tổng thống Yoon cam kết chính phủ mới sẽ ưu tiên cho đoàn kết toàn dân, dẫn dắt đất nước vượt qua khủng hoảng để đạt tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững.

Chú thích ảnh
Tổng thống mãn nhiệm Hàn Quốc Moon Jae-in chào người dân khi rời nhiệm sở tại Soeul, ngày 9/5/2022. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Trong phát biểu trước khi rời nhiệm sở, Tổng thống Moon Jae-in cũng bày tỏ hy vọng rằng chính phủ mới sẽ hàn gắn những mâu thuẫn sâu sắc sau cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, mở đường đoàn kết toàn dân, tiếp tục nỗ lực nối lại đối thoại giữa hai miền Nam - Bắc nhằm phi hạt nhân hóa và kiến tạo hòa bình vững chắc trên bán đảo Triều Tiên. Chỉ có như vậy, Hàn Quốc mới có thể tiếp tục bứt phá mạnh mẽ trên con đường thành công và mở ra một giai đoạn phát triển mới cho xứ sở kim chi.

Khánh Vân (Pv TTXVN tại Seoul, Hàn Quốc)
Hàn Quốc: Tân Tổng thống Yoon Suk-yeol tuyên thệ nhậm chức
Hàn Quốc: Tân Tổng thống Yoon Suk-yeol tuyên thệ nhậm chức

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol ngày 10/5 đã tuyên thệ nhậm chức trong buổi lễ được tổ chức trang trọng tại quảng trường trụ sở Quốc hội ở thủ đô. Đây là sự kiện quy mô lớn nhất được tổ chức tại thủ đô Seoul sau khi Hàn Quốc bãi bỏ các quy định giãn cách xã hội phòng dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN