Danh sách bệnh nhân COVID-19 trên toàn cầu dài thêm 10 triệu người sau 14 ngày, ngắn hơn 2 ngày so với thời gian số ca mắc tăng từ 60 triệu lên 70 triệu. Tốc độ lây lan virus nhanh hơn có lẽ đang là xu hướng không thể đảo ngược, nếu so với thời gian 18 ngày từ mốc 50 triệu lên 60 triệu ca và 20 ngày từ 40 triệu lên 50 triệu ca. Trong khi đó, biến thể mới của virus SARS-CoV-2 vừa xuất hiện tại một số nước khiến cho mùa Giáng sinh đầu tiên kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát càng trở nên u ám, dù các chiến dịch tiêm chủng đại trà vaccine đã được triển khai ở nhiều nơi.
Vùng tâm dịch của thế giới - Mỹ ghi nhận hơn 19,2 triệu ca mắc, với trên 338.000 ca tử vong. Trong đêm Giáng sinh, California là bang đầu tiên tại Mỹ có tổng số ca mắc vượt 2 triệu. Khi hơn 84 triệu người Mỹ đã lên kế hoạch đi du lịch và sum họp gia đình dịp Giáng sinh, giới chuyên gia lo ngại tình hình dịch bệnh tại nước này sẽ tiếp tục phức tạp. Dù vậy, việc Mỹ bắt đầu tiêm đại trà vaccine ngừa COVID-19 có lẽ cũng tạo tâm lý lạc quan. Nhiều người Mỹ trông đợi vaccine có thể khống chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Theo cam kết của giới chức Mỹ, đến cuối năm 2020 sẽ có 20 triệu người tại Mỹ được tiêm chủng, song đến ngày 23/12, mới chỉ có 1,1 triệu người được tiêm mũi đầu tiên trong tổng số 2 mũi.
Tại châu Á, Hàn Quốc và Nhật Bản đều đang vật lộn với đợt bùng phát dịch mới. Dù đã ban hành các quy định giãn cách xã hội nghiêm ngặt để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm virus trong mùa Đông, Hàn Quốc vẫn ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày trung bình hơn 1.200, chủ yếu là lây nhiễm trong cộng đồng. Chính quyền thủ đô Seoul và vùng phụ cận đã quy định cấm tụ tập từ 5 người trở lên, trong khi Chính phủ Hàn Quốc đóng cửa các khu nghỉ dưỡng trượt tuyết và các địa điểm nổi tiếng ngắm bình minh vào ngày đầu Năm mới. Sáng 25/12, Nhật Bản ghi nhận thêm hơn 3.800 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, mức cao kỷ lục ngày thứ hai liên tiếp, khiến nguy cơ hệ thống y tế bị quá tải ngày càng hiện hữu. Tại Đông Nam Á, số ca mắc mới theo ngày tại Indonesia vẫn duy trì hơn 7.200. Thái Lan đang đau đầu với đợt dịch bùng phát dịch ở chợ hải sản lớn nhất nước, nơi tập trung lao động nhập cư từ Myanmar.
Đặc biệt, châu Âu đã đón “Giáng sinh phong tỏa” khi nhiều nước phải siết chặt các biện pháp hạn chế để chặn đứng nguy cơ xâm nhập của biến thể mới, khác với chủng virus lần đầu tiên bùng phát tại thành phố Vũ Hán (Wuhan) của Trung Quốc hồi đầu năm. Italy là quốc gia mới nhất thực thi các quy định "vùng đỏ" trên cả nước sau khi số ca mắc mới COVID-19 tăng mạnh trong những ngày cuối năm, theo đó các biện pháp phong tỏa chống dịch sẽ được duy trì trong suốt kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và Năm mới kéo dài đến ngày 6/1/2021.
Không khí mừng Giáng sinh và Năm mới ở nhiều nước trầm lắng hơn do lệnh phong tỏa, đặc biệt khi biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đã xuất hiện ở Anh khiến dư luận lo lắng. Anh đã phát hiện hơn 1.000 trường hợp nhiễm biến thể mới có tên gọi là VUI-202012/01, mà các nhà khoa học ước tính có tốc độ lây nhiễm nhanh hơn tới 70%. Biến thể mới ban đầu được phát hiện tại hạt Kent (Đông Nam xứ England) và vùng đô thị Đại London lân cận vào tháng 9 năm nay, sau đó tiếp tục lây lan khắp Vương quốc Anh và đến ngày 25/12 đã xuất hiện tại ít nhất 8 nước châu Âu là Bỉ, Italy, Iceland, Hà Lan, Đan Mạch, Đức, Pháp, Thụy Sĩ; cùng với Australia, Israel, Singapore…
Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cũng vừa thông báo phát hiện một biến thể mới thứ hai của virus SARS-CoV-2 ở hai bệnh nhân có tiếp xúc với những người đã từng tới Nam Phi. Theo ông, biến thể mới được cho là xuất phát từ Nam Phi thậm chí có khả năng lây lan cao hơn và dường như đã biến đổi nhiều hơn. Trong khi chưa có đủ thời gian để tìm hiểu kỹ về biến thể mới của virus, Chính phủ của Thủ tướng Anh Boris Johnson đã tái áp đặt phong tỏa nghiêm ngặt đối với khoảng 38 triệu dân nước này. Như một biện pháp phòng vệ, hơn 40 quốc gia cũng đã cấm hoặc hạn chế đi lại với Anh nhằm ngăn chặn biến thể mới xâm nhập.
Đây không phải lần đầu tiên phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 bởi virus biến đổi theo thời gian là điều hết sức bình thường. Tháng 2 năm nay, biến thể D614G của SARS-CoV-2 đã xuất hiện tại châu Âu và sau đó lan nhanh trên thế giới. Một biến thể khác là A222V cũng lây lan khắp châu Âu, được cho là xuất phát sau kỳ nghỉ Hè của những người đến Tây Ban Nha. Tháng 11 vừa qua, Đan Mạch phát hiện chủng đột biến của virus SARS-CoV-2 tại các trang trại nuôi chồn và đã lây sang người, buộc nhà chức trách phải tiêu hủy 17 triệu con chồn nuôi ở nước này. Một biến thể tương tự, xuất hiện riêng rẽ nhưng có điểm chung đột biến ở protein gai giống như biến thể tại Anh, được phát hiện tại Nam Phi.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu phát hiện biến thể mới vừa xuất hiện ở Anh rất khác so với hơn 100.000 biến thể của virus gây bệnh COVID-19. Giới chuyên gia nhấn mạnh điều đáng lo ngại là những đột biến ở protein gai của virus giúp chúng nhân lên nhanh chóng và lây lan với tốc độ mạnh hơn. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có thêm nhiều người cần điều trị y tế và dẫn đến nguy cơ quá tải tại các bệnh viện.
Kể từ khi được phát hiện lần đầu tiên vào ngày 20/9 đến giữa tháng 11 vừa qua, 26% trong tổng số ca mắc COVID-19 trên cả nước Anh nhiễm biến thể VUI-202012/01 và tính đến hết tuần đầu tiên của tháng 12, có đến 60% tổng số ca mắc tại London nhiễm biến thể mới. Một điều đáng lưu ý nữa, theo Giám đốc Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại châu Âu Hans Kluge, khác với những biến thể trước đây, VUI-202012/01 có khả năng lây lan ở các nhóm trẻ tuổi hơn.
Một số chuyên gia cho rằng các biến thể mới của virus lây lan rộng đơn giản là do chúng tồn tại ở “đúng nơi, đúng thời điểm”, chẳng hạn ở London khi đó mới chỉ áp dụng các biện pháp hạn chế cấp độ 2 trước khi nâng mức độ giãn cách lên cấp độ 4. Virus tồn tại trong những điều kiện nhất định như sống trong cơ thể bệnh nhân có hệ miễn dịch suy giảm hoặc được điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau dẫn đến sự đột biến. Trên hết, sự đột biến của virus khiến người ta lo ngại sẽ làm giảm tính hiệu quả của thuốc điều trị và vaccine phòng bệnh bởi đa số những loại dược phẩm này được bào chế để nhắm vào protein gai mà virus SARS-CoV-2 dùng để xâm nhập vào tế bào khỏe mạnh, do đó các nhà sản xuất dược phẩm sẽ có thể lại tiếp tục chạy đua với những biến thể khó lường.
Điều đáng mừng là các chuyên gia WHO khẳng định chưa có bằng chứng cho thấy biến thể mới gây bệnh nặng hơn và tỷ lệ tử vong cao hơn. Giám đốc điều hành các chương trình y tế khẩn cấp của WHO, ông Mike Dean cho biết WHO đang tích cực nghiên cứu kỹ, đồng thời trấn an dư luận không cần hoảng sợ. Lãnh đạo các hãng dược phẩm hàng đầu thế giới BioNTech (Đức), Moderna (Mỹ) hay AstraZeneca (Anh) tự tin khẳng định các vaccine do họ bào chế cũng đạt hiệu quả phòng ngừa VUI-202012/01, trong khi vẫn đang tiến hành thử nghiệm để đảm bảo chắc chắn điều này.
Theo nhà khoa học hàng đầu WHO Soumya Swaminathan, virus SARS-CoV-2 còn biến thể chậm hơn so với virus cúm. Mỗi năm, vaccine ngừa virus cúm đều cần được đánh giá và xem xét lại dựa trên mức độ lây lan của chủng cúm vào năm đó. Bà Swaminathan khẳng định cho đến thời điểm này, dù virus SARS-CoV-2 đã có một số đột biến, nhưng những thay đổi đó không ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả của các liệu pháp điều trị hay vaccine. Chuyên gia Swaminathan nhấn mạnh rằng điều quan trọng là cần phải tiếp tục theo dõi sự phát triển của virus, trong đó tập trung vào nỗ lực giảm tỷ lệ lây nhiễm. Theo bà, virus càng lây lan thì nguy cơ chúng biến đổi và tạo ra biến thể càng tăng. Do đó, điều quan trọng là phải giảm thiểu mức độ lây lan trong cộng đồng, từ đó giảm tỷ lệ đột biến của virus.
Tiến sĩ Emma Hodcroft, nhà nghiên cứu dịch bệnh và người đồng sáng lập dự án Nextstrain theo dõi các mã gien, lạc quan tin rằng thế giới có thể khống chế được biến thể mới của virus, song những biện pháp hạn chế ở quy mô quốc tế sẽ ít hiệu quả nếu các chính phủ không “thanh toán” được dịch bệnh trong nước. Chuyên gia Hodcroft cho rằng các chính phủ sẽ cần cải tiến các hệ thống “xét nghiệm, theo dõi và cách ly”, điều mà đa số các nước phương Tây hiện chưa làm được, và thậm chí có thể phát triển những bộ xét nghiệm PCR phát hiện nhanh biến thể mới. Bà nhấn mạnh hiện chưa quá muộn nhưng các nước cần lập kế hoạch và hành động ngay lúc này.
Tiến sĩ Anthony Fauci, người đứng đầu Trung tâm các bệnh truyền nhiễm thuộc Viện Y tế quốc gia (Mỹ), khuyến cáo nên thật thận trọng với biến thể mới, nhưng không nên phản ứng thái quá. Những biện pháp căn bản như đeo khẩu trang và giãn cách để đối phó với một loại virus có độc lực cao cuối cùng sẽ giúp chặn đứng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Theo ông, biện pháp giãn cách và hợp tác với nhau trong khi các nước tăng cường triển khai chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19 chính là cách để thế giới có thể cùng nhau vượt qua cơn đại dịch.
Diễn biến bất thường của dịch bệnh xảy ra đúng vào lúc nhiều nước châu Âu dự kiến nới lỏng giãn cách xã hội dịp Giáng sinh, nay lại phải siết chặt hạn chế để ngăn biến thể bùng phát trên diện rộng. Từ châu Mỹ đến châu Âu, không còn không khí Giáng sinh ồn ào, náo nhiệt, không còn những bàn tiệc đông người, không còn những trung tâm mua sắm và cửa hàng, đường phố đông vui, nhộn nhịp. Có lẽ kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, chưa có một Giáng sinh nào buồn như năm nay và cũng chưa bao giờ lời chúc Giáng sinh an lành lại có ý nghĩa đến như vậy.
Thế giới chuẩn bị khép lại năm 2020 khó khăn chồng chất với dấu mốc 80 triệu ca mắc COVID-19, như một lời nhắc nhở, rằng chừng nào đại dịch chưa chấm dứt, cuộc rượt đuổi của vaccine theo những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 chưa có hồi kết, thì chừng đó mọi người chưa thể quẳng gánh lo đi để vui sống với những sự kiện, tiệc tùng hay hội hè đình đám. Cả thế giới vẫn phải cảnh giác và sẵn sàng ứng phó với đại dịch.