Chủ tịch Ủy ban AU Moussa Faki Mahamat tái đắc cử

Ngày 6/2, các quan chức Liên minh châu Phi (AU) cho biết, tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến các nhà lãnh đạo nhà nước và chính phủ châu Phi, Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) Moussa Faki Mahamat đã được bầu lại làm người đứng đầu cơ quan điều hành của AU thêm một nhiệm kỳ 4 năm.

Chú thích ảnh
Chủ tịch AU Moussa Faki Mahamat phát biểu tại cuộc họp báo ở Addis Ababa, Ethiopia. Ảnh (tư liệu): AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, trong thông báo trên trang mạng Twitter, người phát ngôn AU Ebba Kalondo nêu rõ: “Ông Moussa Faki giành được 51 phiếu bầu trong số 55 quốc gia thành viên đã bỏ phiếu cho nhiệm kỳ thứ hai của ông với tư cách là Chủ tịch Ủy ban AU”.

Ông Faki, cựu Thủ tướng Cộng hòa Chad, đã tham gia tranh cử để tiếp tục đứng đầu ủy ban được tái cấu trúc này, mặc dù có một số quốc gia thành viên đã bày tỏ lo ngại về hình thức bỏ phiếu trực tuyến trong quá trình bỏ phiếu kín.

Hôm 25/1 vừa qua, Tổng thống Uganda Yoweri Museveni đã viết thư cho ban lãnh đạo AU yêu cầu hoãn cuộc bầu cử "trong khoảng thời gian một năm hoặc cho đến thời điểm mà Hội đồng có thể tổ chức một cuộc họp thực tế để giải quyết các lựa chọn của Ủy ban AU" .

Tuy nhiên, cuối cùng, nỗ lực tái ứng cử của ông Faki đã diễn ra với rất ít sự phản đối vào ngày đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày. Ngoài các cuộc bầu cử nội bộ, hội nghị lần này cũng tập trung thảo luận các biện pháp ứng phó của AU đối với đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và các cuộc xung đột trên lục địa này.

Liên quan đến cuộc chiến chống COVID-19, phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh AU lần thứ 34 tổ chức theo hình thức trực tuyến diễn ra cùng ngày, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi cho rằng đại dịch COVID-19 là một thách thức lớn đối với "lục địa đen" và khẳng định Ai Cập sẵn sàng thực hiện các trách nhiệm của mình với mục tiêu đảm bảo vaccine ngừa COVID-19 cho các nước châu Phi, đồng thời kêu gọi sự hợp tác giữa các chính phủ và người dân các quốc gia châu Phi để kiểm soát đại dịch này.

Ngoài ra, Tổng thống El-Sisi cũng bày tỏ hoan nghênh lời mời Ai Cập tham gia Nhóm đặc nhiệm thu mua vaccine châu Phi (AVATT) vừa đi vào hoạt động hồi tháng trước. AVATT thuộc AU, do Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa thành lập để hoạt động như một thành phần của chiến lược cung ứng vaccine cho châu Phi.

Tại châu Phi, một số quốc gia đang đương đầu với đợt dịch COVID-19 thứ hai được dự báo tàn khốc hơn, đặc biệt là tại Nam Phi, nơi đã phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Các nghiên cứu gần đây cho thấy biến thể mới của SARS-CoV-2 ở Nam Phi mang tính chất dễ lây nhiễm hơn và đã xuất hiện tại Botswana, Gambia và Zambia. AVATT đã đặt mua 270 triệu liều vaccine của Pfizer/BioNTech, Johnson & Johnson và AstraZeneca/Oxford. Dự kiến, 50 triệu liều đầu tiên sẽ được cung cấp trong quý 2/2021.

Anh Tuấn (TTXVN)
Tháng 2/2021, châu Phi sẽ nhận được khoảng 90 triệu liều vaccine ngừa COVID-19
Tháng 2/2021, châu Phi sẽ nhận được khoảng 90 triệu liều vaccine ngừa COVID-19

Ngày 4/2, Bà Matshidiso Moeti, Giám đốc khu vực châu Phi của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết gần 90 triệu liều vaccine COVID-19 được đàm phán thông qua chương trình COVAX sẽ được chuyển đến Lục địa Đen trong tháng 2/2021.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN