Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: EPA/TTXVN |
Ông đã vạch ra "giới hạn đỏ" trong giải quyết các mối quan hệ giữa Trung Quốc đại lục và Hong Kong, đồng thời cảnh báo mạnh tay với mọi mưu toan gây tổn hại tới chủ quyền quốc gia hay đe dọa chính quyền trung ương.
Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh việc ủng hộ và thực hiện các nguyên tắc của chính sách "Một nước, hai chế độ" bảo đảm đáp ứng lợi ích của người dân Hong Kong, đáp ứng sự cần thiết duy trì thịnh vượng và ổn định của Hong Kong, phục vụ lợi ích cơ bản của quốc gia và cảm hứng chung của toàn bộ người dân Trung Quốc.
Ông khẳng định mọi âm mưu đe dọa chủ quyền quốc gia, an ninh, thách thức chính quyền trung ương và chính quyền Khu hành chính đặc biệt Hong Kong đều là những hành động vượt "giới hạn đỏ" và hoàn toàn không được phép.
Kể từ khi trở về với Đại lục, Khu hành chính đặc biệt Hong Kong với hơn 7,4 triệu dân đã đón nhận nhiều cơ hội cũng như đối mặt với không ít thách thức mới. Tăng trưởng GDP của Hong Kong tương đối ổn định với mức tăng trung bình 3,2%/năm kể từ năm 1997, hiện đã tương đương với mức tăng trưởng của Thâm Quyến hay Quảng Châu.
Hoạt động giao thương với Trung Quốc Đại lục đã tăng từ mức tương đương 1/3 tổng giá trị xuất-nhập khẩu của Hong Kong lên trên 50%. Vị trí địa lý thuận lợi cùng với lợi thế cảng biển với mức thuế nhập khẩu 0% là điều kiện để Hong Kong tận dụng được ưu thế tăng trưởng nhanh của Trung Quốc.
Về du lịch, số du khách từ Trung Quốc Đại lục đến Hong Kong cao gấp 18 lần so với thời điểm năm 1997. Bước tiến này một phần do sự gia tăng nhanh chóng về nhu cầu đi du lịch của tầng lớp trung lưu Trung Quốc và một phần nhờ Bắc Kinh nới lỏng chính sách đi lại giữa Đại lục và Hong Kong, vốn bị thắt chặt sau đại dịch viêm đường hô hấp cấp (SARS) năm 2003.
Tạp chí cạnh tranh thế giới của Viện nghiên cứu quốc tế về phát triển quản lý (IMD) đã xếp Hong Kong là nền kinh tế có sức cạnh tranh chỉ sau Thụy Điển, Singapore và Mỹ. Đây là năm thứ hai Hong Kong đứng ở vị trí top 5.
Có thể nói, suốt thời gian qua, vùng lãnh thổ này đã giữ vững sự phát triển ổn định bất chấp tác động của các cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, đại dịch SARS và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá chỉ số thực thi luật pháp của Hong Kong (chỉ số cốt lõi cho thấy giá trị của xã hội) đã tăng từ vị trí thứ 60 trên thế giới vào năm 1996 lên vị trí thứ 11 vào năm 2015, vượt qua cả một số quốc gia lớn ở phương Tây.
Tuy nhiên, Hong Kong cũng đang đối mặt nhiều thách thức. Kinh tế Hong Kong trở nên phụ thuộc hơn vào Trung Quốc Đại lục, trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang chậm lại, rủi ro tài chính gia tăng chắc chắn sẽ tác động tới đà phát triển kinh tế của Hong Kong.
Dù bùng nổ về tài chính, thương mại và du lịch, song Hong Kong đang chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng khoảng cách giàu nghèo cũng như tỷ lệ thất nghiệp. Hong Kong cũng lọt vào danh sách những địa điểm sinh sống đắt đỏ nhất thế giới. Giá nhà đất đã tăng từ mức trung bình gần 8.300 USD/m2 vào năm 1997 lên mức hơn 15.000 USD/m2 hiện nay.
Nhiều người dân phải sống chen chúc trong những căn hộ chật hẹp: khoảng 200.000 người chỉ có đủ khả năng chi trả cho những căn hộ với diện tích chưa đầy 10m2 ở các khu công nghiệp hay những khu ổ chuột tồi tàn. Các nhà tài phiệt Hong Kong đang lo ngại nguy cơ "bong bóng" bất động sản trong tương lai.
Lễ kỷ niệm 20 năm ngày Hong Kong trở về Trung Quốc mang ý nghĩa rất quan trọng. Sự kiện này được kỳ vọng sẽ mở ra hướng đi mới cho tương lai phát triển của Hong Kong, trong đó Trung Quốc Đại lục sẽ tiếp tục thúc đẩy sự gắn kết gần gũi hơn nữa với Khu hành chính đặc biệt này.