Chủ nhà ở Mỹ đổi khóa, cắt điện để đuổi khách thuê giữa đại dịch COVID-19

Người thuê nhà thất nghiệp ở Mỹ đang ở trong tình trạng bấp bênh khi phải chịu đựng thái độ khó chịu của chủ nhà, nếu không sẽ phải rời căn nhà thuê giữa đại dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Tấm bạt với dòng chữ "Không có việc, đừng thuê nhà" treo ngoài một căn hộ ở Washington ngày 18/5. Ảnh: Reuters

Theo kênh NBC News, Sada Jones, 23 tuổi, là đầu bếp tại khách sạn và không thể trả tiền thuê căn hộ ở New Orleans từ khi phải nghỉ việc ngày 19/3 vì đại dịch COVID-19. Hậu quả là chủ nhà của cô bắt đầu sử dụng những chiêu gây hấn để buộc cô phải dọn đi. Ví dụ như cắt điện, nước và cử công nhân bảo dưỡng tới yêu cầu cô rời đi.

Jones nói: “Tôi sợ vì tôi không muốn dọn đi khi tình hình COVID như thế này, nhưng tôi cũng không muốn sống trong điều kiện này. Tôi liên tục lo lắng và hoảng sợ về những điều họ sắp làm. Tôi cảm thấy không an toàn”.

Dù đã có nhiều phán quyết của tòa án yêu cầu không đuổi người thuê nhà trong bối cảnh hiện tại, một số chủ nhà vẫn tự xử theo cách của mình bằng những chiêu trò bất hợp pháp. Họ quấy rối và đe dọa người thuê nhà như Jones – những người không có tiền trả cho chủ nhà do mất việc vì đại dịch.

Nhiều người trong số những người thuê nhà đang chờ trợ cấp thất nghiệp hoặc hỗ trợ của chính phủ. 

Amanda Golob, luật sư chuyên về luật nhà ở tại New Orleans, cho biết văn phòng cô đã chứng kiến nhiều chiêu trò bắt nạt người thuê của chủ nhà, ví dụ như thay khóa cửa, cắt điện nước, từ chối sửa chữa những thứ cần thiết trong nhà và liên tục quấy rối qua điện thoại hoặc tin nhắn. Cô nói: “Họ đang tạo ra môi trường buộc người thuê phải tự dọn đi”.

Hành vi bắt người thuê nhà tự bỏ đi là vi phạm pháp luật và diễn ra trên khắp nước Mỹ trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Theo khảo sát của Liên minh Nhà ở Công bằng Quốc gia, gần 30% tổ chức nhà ở được hỏi cho biết họ đã nhận được ngày càng nhiều đơn khiếu nại hoặc cuộc gọi về các tình huống như trên từ giữa tháng 3 – khi đa số bang ở Mỹ áp dụng lệnh phong tỏa phòng dịch.

Chú thích ảnh
Cửa căn hộ Jones thuê bị hỏng nhưng chủ nhà từ chối sửa. Ảnh: Sada Jones

Theo bà Hannah Adams, luật sư hỗ trợ pháp lý đại diện cho Jones, dù người thuê nhà có vi phạm hợp đồng thuê vì không có tiền trả, thì chủ nhà vẫn có nghĩa vụ đảm bảo căn hộ của Jones có thể sống như bình thường. Bà Adams cho biết hành vi khiến người thuê nhà tự rời đi bị cấm ở Louisiana và chủ nhà cũng bị cấm đuổi người thuê nhà theo luật liên bang. Luật này được thực thi để hỗ trợ các cá nhân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng trong đại dịch, theo đó cấm chủ nhà đã nhận tiền hỗ trợ hoặc khoản vay liên bang mà lại trục xuất người thuê tới ngày 25/7.

Nhiều người thuê nhà như Jones cũng trải qua tình cảnh tương tự sau khi mất việc giữa đại dịch. Đáng buồn là các chiêu trò của chủ nhà thường hiệu quả, đặc biệt là khi áp dụng với những người mà họ cảm thấy bị đe dọa và không thấy an toàn khi ở nhà.

Bà Alieza Durana, phát ngôn viên của Eviction Lab (tổ chức thu thập dữ liệu về người bị đẩy khỏi nhà) thuộc Đại học Princeton, cho biết lo trả tiền thuê nhà hiện nay là khó khăn lớn với nhiều người thuê. Nếu người thuê nhà kẹt tiền như nhiều người hiện nay, việc tranh cãi với chủ nhà hay ra tòa là quá sức với họ. Hơn nữa, khi ra tòa, họ gặp rủi ro bị ghi trong hồ sơ và có thể khó tìm nhà ở hơn trong tương lai.

Chú thích ảnh
Sada Jones không thể trả tiền thuê nhà do mất việc trong đại dịch COVID-19. Ảnh: Sada Jones

Với nhiều gia đình, họ chọn tránh kiện tụng hoàn toàn cho dù họ có quyền để ở trong nhà thuê và việc chủ nhà quấy rối là bất hợp pháp, không có cơ sở.

Để hỗ trợ người thuê nhà, các tổ chức nhà ở đang kêu gọi gia hạn thời gian hoãn trả nợ, trợ giúp thêm cho người thuê nhà… Một số phán quyết của tòa tại Minnesota và Washington, DC. đã bắt đầu truy tố mạnh mẽ những trường hợp chủ nhà có hành vi gây hấn. 

Ông Shamus Roller, Giám đốc điều hành Dự án Luật Nhà ở Quốc gia, nhận định: Bị đẩy ra khỏi nhà luôn là vấn đề rắc rối với người thuê nhà ở bất kỳ thời điểm nào, đặc biệt là trong đại dịch. Ông nói: “Điều cuối cùng mà chúng tôi muốn hiện nay là thấy mọi người phải đi khắp nơi tìm nhà thuê. Họ sẽ phải đi lại nhiều, gặp người lạ trong không gian kín và phải làm mọi thứ liên quan tới di chuyển. Họ gặp nhiều khó khăn trong tìm nhà và xoay đủ tiền thuê chỗ mới. Với một số người bị đuổi khỏi nhà, họ có thể phải thuê chung với gia đình khác hoặc trở thành vô gia cư – chấp nhận rủi ro sức khỏe lớn”.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Tỷ lệ thất nghiệp người Mỹ gốc Phi cao nhất trong hơn một thập kỷ
Tỷ lệ thất nghiệp người Mỹ gốc Phi cao nhất trong hơn một thập kỷ

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, tỷ lệ thất nghiệp người Mỹ gốc Phi trong tháng 5/2020 đã chạm mức kỷ lục trong một thập kỷ qua, trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp nói chung tại Mỹ đã giảm sau khi tăng cao vào tháng 3 và tháng 4 vừa qua do ảnh hưởng từ đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN