Có ít nhất một điều mà cả Tổng thống Mỹ Barack Obama và thủ lĩnh khủng bố Khalid Sheikh Mohammed đều đồng ý - đó là cả hai đều muốn đưa “kiến trúc sư” của loạt vụ khủng bố ngày 11/9/2001 ra trước tòa án.
Thỏa thuận với “cá nhỏ”
Cho đến nay đã là 9 năm kể từ khi nghi phạm chủ mưu vụ 11/9, Khalid Sheikh Mohammed bị bắt từ một hang ổ ở Pakixtan, và xuất hiện với mái tóc bù xù, hoang dại cùng chiếc áo phông màu trắng bẩn thỉu. Hắn biến mất trong 3 năm sau đó trong thế giới của các nhà tù bí mật do CIA điều khiển ở nước ngoài. Mohammed đã bị các mật vụ Mỹ thẩm vấn liên tục để khai thác xem liệu còn âm mưu 11/9 nào đang được bọn chúng lên kế hoạch. Những cuộc thẩm vấn này về sau được tiết lộ là bao gồm 183 vụ tra tấn kiểu “lướt ván nước”. Trong 6 năm cuối, Mohammed bị giam tại nhà tù thuộc căn cứ quân sự Guantanamo mà Mỹ chiếm đóng trên đất Cuba và dường như hắn chưa bao giờ được trả lời trước tòa về những tội mà hắn đã nhận.
Khalid Sheikh Mohammed sau khi bị bắt khỏi nơi lẩn trốn tại Pakixtan. Ảnh: Internet |
Nhưng năm nay, nếu chính quyền Obama thực hiện lời hứa của mình, phiên tòa đầu tiên xét xử tội ác khủng bố đẫm máu nhất trong lịch sử sẽ diễn ra tại một tòa án quân sự được xây dựng đặc biệt giữa căn cứ quân sự Mỹ ở Guantanamo. Mohammed và 4 nghi phạm khác đối mặt với án tử hình vì một loạt tội danh liên quan đến âm mưu khủng bố và hoạt động khủng bố, cùng với 2.793 cáo buộc tội giết người - mỗi cáo buộc liên quan tới một nạn nhân thiệt mạng tại Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC), Lầu Năm góc và 4 chiếc máy bay bị không tặc trong ngày 11/9/2001.
Trong tuần trước, đã xuất hiện một bước tiến gần hơn tới sự kiện được mô tả là “phiên tòa thế kỷ” này, đó là việc một cựu đồng bọn của Mohammed đạt được một thỏa thuận giảm án với các công tố viên quân sự tại Guantanamo để ra chứng thực chống lại “ông chủ” một thời của hắn.
Majid Khan, 32 tuổi, một người Pakixtan từng theo học tại Mỹ, thừa nhận, hắn đã được Mohammed lựa chọn là người chỉ huy loạt vụ tấn công ngày 11/9, trong đó có âm mưu nổ tung những hầm chứa nhiên liệu dưới lòng đất và đầu độc các hồ chứa nước. Khan khai, hắn cũng đã làm việc cho Mohammed trong một loạt âm mưu khủng bố khác, như chuyển 50.000 USD để trang trải chi phí cho vụ đánh bom xe nhằm vào một khách sạn ở thủ đô Giacácta (Inđônêxia), làm 11 người chết vào năm 2003, hay âm mưu ám sát Tổng thống Pakixtan, Pervez Musharraf.
Theo Đại tá Morris Davis, cựu Trưởng Công tố quân sự tại căn cứ Guantanamo, các thỏa thuận giảm án với những tên khủng bố như Khan trong một vụ xử chống lại Mohammed cũng giống như sử dụng các tay chân của mafia để hạ gục ông trùm. “Giống như trong một vụ mafia, ta cần phải bắt đầu từ dưới đáy, đưa ra thỏa thuận với những con cá nhỏ để có thể vạch tội được những tên cầm đầu”, ông Davis nói.
Với cam kết tranh cử của Tổng thống Obama là đưa các nghi phạm khủng bố ra xét xử tại các tòa án liên bang, các quan chức tư pháp đã vạch các kế hoạch xét xử Mohammed và 4 đồng phạm tại khu Hạ Manhattan, chỉ cách nơi tòa tháp đôi WTC từng đứng sừng sững vài con phố. Nhưng do các nghị sĩ Cộng hòa phản đối việc chuyển các nghi phạm khủng bố tới đất Mỹ vì lo ngại nhiều vấn đề an ninh xảy ra khi tiến hành xét xử, chính quyền Obama buộc phải đi đến quyết định truy tố Mohammed và đồng bọn theo hệ thống tòa án quân sự, điều mà ông Obama từng chỉ trích là làm mất uy tín của truyền thống tư pháp Mỹ.
Những “chiến tích” kinh hoàng
Sinh ra tại Côoét trong một gia đình người Pakixtan vào năm 1964 (hoặc 1965), Mohammed tham gia tổ chức Huynh đệ Hồi giáo từ khi còn là một thiếu niên, rồi theo học kỹ sư cơ khí tại một trường đại học ở Bắc Carolina (Mỹ). Năm 1987, Mohammed lần đầu tiên gặp trùm khủng bố Osama bin Laden.
Vụ khủng bố nhằm vào tháp đôi có lẽ là một sự kiện mang tính… gia đình, khi chính cháu của Mohammed là Ramzi Yousef đã cho nổ bom tại chính tòa nhà này vào năm 1993, làm 6 người thiệt mạng. Nhận thấy “triển vọng” từ vụ đánh bom này, Mohammed quyết định chuyển hướng điều hành trực tiếp hơn tới các hoạt động chống Mỹ. Hắn tới Philíppin năm 1994, hoạt động cùng Yousef trong Chiến dịch Bojinka, một âm mưu phá hủy 12 chiếc máy bay thương mại trên các tuyến bay giữa Mỹ, Đông Á và Đông Nam Á. Với ít nhất 400 người trên mỗi chuyến bay, âm mưu này nhằm mục tiêu sát hại khoảng 5.000 người.
Hơn 2.600 người đã thiệt mạng tại Tháp đôi WTC vào ngày 11/9.Ảnh: Internet |
Năm 1996, Mohammed tới Ápganixtan kết nối lại mối quan hệ với Bin Laden và vạch ra những âm mưu sau này phát triển thành vụ không tặc “đúp 4” năm 2001. Cuối năm 1998 hoặc đầu 1999, Bin Laden thông qua kế hoạch, giao cho Mohammed lựa chọn mục tiêu, và giúp sắp xếp cho những tên không tặc liều chết tới Mỹ. Phấn chấn trước thành công tưởng tượng của âm mưu này, Mohammed nhận vai trò nhà chiến lược khủng bố của al Qaeda. Hắn cử Richard Reid, kẻ “đánh bom giày”, tìm cách nổ tung một chuyến bay từ Pari (Pháp) tới Miami (Mỹ) và sắp xếp các âm mưu khủng bố khác tại Pakixtan và Bali (Inđônêxia).
Trong một hành động có lẽ là man rợ nhất của hắn, Mohammed thừa nhận đã chặt đầu Daniel Pearl, nhà báo Mỹ bị bắt khi đang điều tra về mạng lưới al Qaeda tại Karachi (Pakixtan). Sau vụ chặt đầu gây kinh hoàng khắp thế giới này, FBI đã sử dụng các phân tích hình ảnh để khớp mạch máu nổi lên trên tay Mohammed với hình ảnh ghi lại trong đoạn video quay cảnh chặt đầu mà nhóm bắt cóc tung lên mạng Internet.
Những cuộc săn tìm Mohammed, nổi tiếng với nhiều bí danh và tốn kém tiền bạc, đã ám ảnh các cơ quan tình báo Mỹ, vốn lo ngại hắn có thể tổ chức một cuộc tấn công khác với quy mô như vụ 11/9. Nhưng trong gần 18 tháng, không có tiến triển nào trong cuộc săn tìm này, cho đến khi tóm được Mohammed vào tháng 3/2003 tại Rawalpindi nhờ một tin báo. Người báo tin sau này đã nhận khoản tiền thưởng 25 triệu USD cùng một cuộc sống mới với một danh tính mới tại Mỹ.
Mọi sự chú ý về Mohammed giờ đây sẽ đổ về Trại Công lý (Camp Justice), nơi để đi đến phòng xử án bằng nhôm, kiểu như nhà chứa máy bay, phải qua một mê cung lối đi với các hàng rào mắt lưới dày đặc, dây thép gai, dưới sự canh gác cẩn mật của quân đội Mỹ. Vụ xét xử trùm khủng bố này sẽ do một luật sư quân đội giữ quyền chủ tọa, tương đương chánh án, và một ban gồm ít nhất 4 sĩ quan Mỹ đóng vai trò bồi thẩm đoàn. Mohammed sẽ được đại diện bởi một luật sư biện hộ quân sự do tòa chỉ định, được hỗ trợ bởi một luật sư dân sự người Mỹ, nhiều khả năng là David Nevin, người đã có kinh nghiệm với các bản án tử hình kể từ năm 1981.
Mohammed hẳn cũng rất mong đợi ngày này, và chắc chắn hắn sẽ nắm lấy cơ hội đưa ra thông điệp cá nhân, như đã làm trong một phiên buộc tội vào năm 2008. Tại phiên tòa này, khi được cảnh báo sẽ đối mặt án tử hình nếu bị kết tội, bằng thứ tiếng Anh trúc trắc, Mohammed tuyên bố: “Đó là mong muốn của tôi, để được tử vì đạo mãi mãi”.
Thu Hằng