Chile phê duyệt vaccine ngừa COVID-19 CoronaVac của Trung Quốc

Ngày 20/1, Chile đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp vaccine CoronaVac của Trung Quốc phòng ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Chú thích ảnh
Sản xuất vaccine ngừa COVID-19 tại nhà máy của Tập đoàn công nghệ sinh học Sinovac ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Trước đó, vaccine CoronaVac do công ty Sinovac của Trung Quốc bào chế đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại Brazil, Trung Quốc, Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi Viện Y tế công Chile (ISP) quyết định phê quyệt vaccine CoronaVac, Chile hy vọng sẽ nhận được 10 triệu liều vaccine, đồng thời cho biết nước này đã bắt đầu phân phối vaccine của Pfizer/BioNTech.

Phát biểu với báo giới, Giám đốc ISP Heriberto Garcia cho biết cơ quan này quyết định phê duyệt vaccine CoronaVac do kết quả thử nghiệm cho thấy sản phẩm này an toàn và hiệu quả 78% trong việc ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm nếu tiêm 2 mũi cho những người trong độ tuổi từ 18-60.

Đầu tháng này, Brazil cũng xác nhận các cuộc kiểm tra riêng của nước này cho thấy vaccine CoronaVac hiệu quả 50%.

Tính đến nay, dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 17.500 người trong tổng số hơn 680.000 người nhiễm tại Chile.

Cùng ngày, Panama đã bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm chủng cho người dân, theo đó y tá Violeta Gaona là người đầu tiên được tiêm vaccine.

Panama hiện là nước có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất tại Trung Mỹ, với khoảng 300.000 ca nhiễm và hơn 4.800 ca tử vong do COVID-19.

Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, tại phiên điều trần trước Ủy ban VI của Quốc hội Indonesia ngày 20/1, Giám đốc Công ty dược phẩm Bio Farma (Persero) Indonesia, ông Honesti Bashir cho biết nước này có thể có được 663 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, nhiều hơn so với 426 triệu liều cần thiết. 

Ông Honesti nêu rõ công ty Bio Farma có thể cung cấp được 438 triệu liều vaccine thông qua nhập khẩu và sản xuất, song nếu chương trình COVAX cung cấp đầy đủ, công ty sẽ có 663 triệu liều vaccine. Để đạt được 70% khả năng miễn dịch trong cộng đồng, Indonesia phải tiêm phòng cho 181 triệu người với hai mũi tiêm, tương đương 362 triệu liều. Tuy nhiên, trên thực tế số vaccine có nguy cơ bị hỏng chiếm tỷ lệ khoảng 15%, nên cần tổng cộng 426 triệu liều.

Công ty Bio Farma đã ký thỏa thuận với một số nhà cung cấp vaccine toàn cầu với sự hỗ trợ của Bộ Doanh nghiệp nhà nước, Bộ Y tế Indonesia và các bộ liên quan. Cụ thể, công ty Sinovac của Trung Quốc đã cung cấp 3 triệu liều vaccine cho Indonesia. Theo kế hoạch, Sinovac sẽ sớm chuyển 140 triệu liều vaccine nguyên liệu đến Indonesia để Bio Farma chế biến vaccine thành phẩm. Bên cạnh đó, Bio Farma cũng đã ký hợp đồng với công ty Novavax để mua 50 triệu liều, và có sự lựa chọn bổ sung lên đến 80 triệu liều. Điều này phụ thuộc vào khả năng sản xuất và thực hiện thỏa thuận. 

Ngoài ra, Indonesia cũng đã nhận được cam kết cung cấp 54 triệu liều vaccine qua cơ chế phân phối vaccine toàn cầu COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Liên minh vaccine toàn cầu (GAVI) đứng đầu. Trong trường hợp có nhiều nguồn cung hơn, Indonesia có thể nhận được thêm 54 triệu liều nữa, nâng tổng số vaccine lên 108 triệu liều, qua đó đảm bảo tiêm phòng cho 20% tổng dân số.

Ông Honesti xác nhận Bio Farma cũng đang hợp tác với công ty dược Astrazeneca để mua 50 triệu liều và có lựa chọn mua thêm 50 triệu liều vaccine. Mặt khác, công ty cũng đang trong quá trình đàm phán với hãng dược phẩm Pfizer với hy vọng trong tuần này Pfizer có thể cam kết cung cấp 50 triệu liều vaccine cho Indonesia.

Đặng Ánh - Đình Ánh  (TTXVN)
Nhật Bản mua thêm vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech
Nhật Bản mua thêm vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech

Ngày 20/1, Chính phủ Nhật Bản đã đạt được thỏa thuận với công ty dược phẩm Pfizer của Mỹ về việc cung cấp vaccine ngừa COVID-19 của hãng này nhằm đảm bảo có đủ vaccine cho 72 triệu người trong năm nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN