Chính phủ Chile đã áp dụng điều luật được biết đến với tên gọi "Tạm biệt túi nhựa" từ tháng 8/2018, theo đó mọi hình thức sử dụng túi nilon sẽ bị cấm tuyệt đối tại tất cả các cơ sở kinh doanh thương mại như siêu thị, trung tâm thương mại, nhà hàng hay hiệu thuốc.
Các doanh nghiệp lớn sẽ có thời hạn 6 tháng để chuẩn bị cho việc loại bỏ hoàn toàn túi nilon, trong khi các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ có hai năm để thích ứng với điều luật mới. Các cơ sở kinh doanh có thể bị phạt tới 330 USD cho mỗi lần vi phạm điều luật nói trên.
Theo Bộ trưởng Môi trường Chile Carolina Schmidt, quy định "Tạm biệt túi nhựa" được chính người tiêu dùng Chile bầu chọn là “chính sách tốt nhất trong năm 2018, đồng thời tạo thay đổi lớn trong thói quen tiêu dùng chỉ trong một thời gian ngắn. Bà Schmidt cho biết, nếu nối liền số lượng túi nilon mà Chile đã giảm được kể từ khi điều luật được áp dụng vào tháng 8/2018, chúng có tổng chiều dài lên tới 2,75 triệu km, tức là gấp 7,1 lần khoảng cách giữa Trái đất và Mặt trăng và tương đương 68 lần vòng quanh Trái đất.
Việc áp dụng điều luật "Tạm biệt túi nhựa" là dấu mốc lịch sử của Chile trong nỗ lực bảo vệ môi trường, đưa đất nước "hình trái ớt" này trở quốc gia đầu tiên ở khu vực Mỹ Latinh cấm sử dụng túi nilon trên phạm vi cả nước.
Đảo quốc Antigua và Barbuda ở Caribe là quốc gia đầu tiên trên thế giới cấm túi nilon trong năm 2016. Cùng năm này, Colombia cũng đã ban hành quy định hạn chế sử dụng các loại túi nilon cỡ nhỏ, sau đó tiếp tục áp thuế đối với việc sử dụng loại túi cỡ lớn vào năm 2017. Ecuador (Ê-cua-đo) cũng siết chặt các quy định về sử dụng túi nilon, ống hút và chai nhựa quanh Khu vực Di sản Thế giới và khu bảo tồn sinh quyển Galapagos.
Nạn ô nhiễm rác thải nhựa sử dụng một lần, không thể phân hủy hoặc khó phân hủy đang trở thành vấn đề cấp thiết toàn cầu và được xem là thách thức môi trường lớn thứ hai thế giới, sau biến đổi khí hậu. Theo báo cáo của LHQ, mỗi phút, toàn thế giới tiêu thụ 1 triệu chai nhựa, trong khi mỗi năm có đến 5.000 tỷ túi nilon dùng một lần được sử dụng. Tổng cộng có một nửa số sản phẩm nhựa là loại chỉ để dùng một lần, từ ống hút, dây câu cá tới tã trẻ em hay túi bọc đồ. Mỗi năm, thế giới thải ra khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa, gần tương đương với trọng lượng của toàn bộ dân số toàn cầu. Loại chất dẻo này chiếm 10% tổng lượng chất thải hiện đang tác động tiêu cực đến môi trường, kinh tế và sức khỏe con người.
Theo công bố của Tổ chức Bảo vệ môi trường biển Ocean Conservancy, 90% lượng rác thải trôi nổi trên biển là rác thải nhựa gồm vỏ bánh kẹo, chai lọ nhựa, túi nilon, thìa, dĩa, ống hút… Trong số đó, 70-80% lượng rác thải trên biển có nguồn gốc từ đất liền, của các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp ven biển, xả thẳng ra sông, ra biển, không qua xử lý.
Theo ước tính của các chuyên gia, đến năm 2050, trên thế giới sẽ có thêm 33 tỷ tấn nhựa được sản xuất và một phần lớn trong số đó sẽ kết thúc ở các đại dương nơi mà chúng sẽ "trôi nổi" trong nhiều thế kỷ. Như vậy, theo một kịch bản xấu nhất mà Ocean Conservancy và Công ty Tư vấn McKinsey dự báo, tới năm 2025, cứ có 3 tấn cá sẽ có 1 tấn rác thải nhựa trên đại dương.