Bầu cử tổng thống Mỹ 2012:

Chiến thuật cũng lắm, tiểu xảo cũng nhiều

Một chiếc camera ngụy trang sau ngọn nến và những chiếc ly pha lê sáng choang bí mật ghi lại hình ảnh Mitt Romney đang ăn uống với đám người giàu, miệt thị 7% dân Mỹ là những "kẻ ăn bám", đã giáng một đòn chí mạng vào vị ứng viên của đảng Cộng hòa trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2012.


Những miếng đòn bí hiểm


Báo chí Mỹ bảo đó là đoạn video (dài gần 20 phút) của một người phục vụ. Nhưng ai dám chắc đó là sản phẩm của một người bưng bê bình thường?


Đó hẳn phải là một kẻ nghe lén chuyên nghiệp, đón lõng sẵn một kịch bản chi tiết, từ việc đối tượng sẽ đứng ở đâu và ánh sáng trong phòng thế nào và cả một trang thiết bị đủ để ghi lại từng lời nói, dù thẽ thọt như cái cách Romney vẫn hay nhấn nhá câu chữ khi ông nói chuyện quan trọng. Chiếc camera ghi từ xa không rung rinh, không nhòe hình mất nét. Cực kỳ chuyên nghiệp.


Tác giả cùng với một đại biểu đảng Dân chủ Mỹ tại Đại hội đảng Dân chủ trước bầu cử tổng thống Mỹ 2012.


Đó có thể là một kẻ tay trong của đảng Dân chủ lúc ấy vẫn đang tìm kiếm những cơ hội để tung ra một cú knock-out đối thủ ngay trước thềm cuộc bầu cử, đặng giúp ông Barack Obama không phải chạy sô tranh cử khắp các bang chiến địa, và cũng không phải nhỏ lệ để lấy lòng cử tri.


Gần một năm về trước, khi mới chỉ là một trong số hơn chục ứng viên đang chạy đua trở thành ứng viên của đảng Cộng hòa, ông Mitt Romney đã dính những đòn từ phía sau lưng.


Ở bang Iowa, nơi đầu tiên tổ chức cuộc bầu cử sơ bộ (tháng 1/2012) của nội bộ đảng Cộng hòa, nhưng người ta thấy cả những cử tri của đảng Dân chủ cũng tham gia cuộc chơi ấy, và họ có thể bầu cho bất cứ ai miễn không phải ông Mitt Romney. Tất cả chỉ để nhắm tới một mục đích: Biến Mitt Romney, người mà đội ngũ cố vấn tranh cử của đảng Dân chủ cho rằng có thể sẽ phá hỏng giấc mơ "Thêm bốn năm" (Four more years) của ông Obama, trở thành kẻ thất bại ngay từ "vòng gửi xe".


Ông Romney không phải là một chính trị gia xuất chúng trong số hơn chục ứng viên của đảng Cộng hòa. Nhưng Romney lại giàu có với tài sản lên tới 250 triệu USD, và một mối quan hệ rộng khắp trong giới nhà giàu (thân hữu với tỉ phú Donald Trump), và đã sớm xây dựng cả một kế hoạch đấu với đảng Dân chủ, trong khi các ứng viên còn lại của đảng Cộng hòa chỉ có những kế hoạch ngắn hạn.


Kết cục là Mitt Romney đã thua ở bang Iowa, khi người giành được nhiều phiếu nhất ở đó lại là một gương mặt không được đánh giá thật cao trước đó, Rick Santorum.


Nhưng Mitt Romney không chấp nhận thất bại một cách giản đơn. Ngay trong đêm bầu cử sơ bộ ấy, Romney được tuyên bố thắng với 8 phiếu nhiều hơn. Nhưng gần 2 tuần sau, người ta bảo kiểm phiếu có vấn đề, ông Santorum mới là người chiến thắng với khoảng cách 34 phiếu, 29.839 so với 29.805.


Chính nhờ sự "nhầm lẫn" ấy mà Romney đã tạo ra biết bao ưu thế để hạ gục các đối thủ khác: Ông thắng dễ dàng ở bang New Hampshire. Các nhà tài trợ vốn có xu thế chỉ đổ tiền cho người đứng đầu, hầu như chỉ viết séc cho Mitt Romney, vì họ tưởng ông thắng thật ở Iowa và nghĩ ông là người đầu tiên trong lịch sử không phải là tổng thống mà thắng cả hai chặng đua đầu kế tiếp ở vòng sơ bộ.


Chỉ sau vài chặng, hàng loạt các ứng viên phải từ giã cuộc đua vì sắp cháy túi. Hai người bền bỉ cuối cùng là Newt Gingrich và Rick Santorum đua tới nửa đường cũng dừng bước vì quỹ bầu cử âm.


Không bắc loa trên cột điện, nhưng có gõ cửa


Số tiền ông Mitt Romney gom được ấy phần lớn dùng cho chiến dịch tranh cử rầm rộ bao gồm cả những cuộc công kích ông Obama trên mọi phương diện thông qua các quảng cáo trên truyền hình phát sóng tháng này qua tháng khác. Và cũng giống như ông Obama, tiền ấy chi cho cả những đợt kéo quân rầm rộ tới các bang chiến địa, gõ cửa từng nhà mời mọc cử tri đi bầu cử.


Đó là một phương thức huy động cử tri đôi khi hiệu quả nhưng gây khó chịu không kém là bao phương thức bắc loa gọi tên từng nhà phải đi bỏ phiếu.


Beckerman Huftson, 62 tuổi, ở Fairfax, bang Virginia, mà chúng tôi tình cờ gặp ở Đêm chiến thắng (Victory Night) do đảng Dân chủ tổ chức ở khách sạn Sheraton, bảo ông và những người hàng xóm của mình đã nổi đóa vì phe Dân chủ đã gõ cửa giục ông đi bỏ phiếu cả thảy 5 lần, còn đảng Cộng hòa cũng ghé thăm 3 lần, nhắn ông hãy chọn Romney.


Ngay trước thềm ngày bầu cử trọng đại, Jim Messina, kiến trúc sư trưởng của chiến dịch tranh cử của ông Obama năm 2012, tự tin rằng phong trào "Nền tảng" và những "Chiến dịch mặt đất", một dạng huy động các tình nguyện viên đi gõ cửa từng nhà đi bỏ phiếu, chính là chìa khóa mang lại thành công thay cho việc sử dụng các mạng xã hội trên Internet đã bão hòa.


Bà Veronique, một tình nguyện viên của những cuộc tranh cử tổng thống suốt từ thời ông Ronald Regan, ở trên đường Arlinton, bang Virginia, nói với tôi rằng việc gõ cửa, gọi đi bầu cử là một nghệ thuật, "phải biết họ tương đối, từ quan điểm chính trị cho tới tính khí ra sao" để tránh những rủi ro không đáng có.


Nhưng ai cũng thích


Jennifer Marsico, nữ chuyên gia phân tích chính trị và bầu cử thuộc Viện doanh nghiệp Mỹ, trong cuộc trả lời phóng viên TTXVN tại Washington D.C, cho rằng bầu cử tổng thống Mỹ trước tiên vẫn là một trò chơi chính trị giống như bất cứ nơi đâu trên thế giới với đầy đủ “hỉ nộ ái ố”.


Nhưng nó thực sự là một sản phẩm của nền dân chủ kiểu Mỹ, nơi mà hai đối thủ, giữa một người là đương kim tổng thống với một người là anh phó thường dân thực sự bình đẳng với nhau cả về cơ hội cũng như trách nhiệm. "Chẳng có gì tốt đẹp hơn việc chúng ta được thấy một ứng viên đối mặt trực tiếp, thoải mái chỉ trích những hạn chế và thiếu sót của tổng thống trước sự theo dõi của cả nước Mỹ và thế giới", bà Jennifer nói. "Và sự tham gia của truyền thông ở đây thực sự mang lại những điều tốt đẹp, từ sự công khai cho tới cơ hội để người dân được biết và được quyết định".


Ngay cả cuộc đua bầu cử tổng thống kéo dài tới một năm ròng rã với bao cửa ải phải vượt qua không chỉ khiến cho mái tóc của ông Romney bạc thêm phân nửa, hay những nếp nhăn trên gương mặt của ông Obama như sâu thêm, mà còn làm cho nước Mỹ như ngừng lại trước những bế tắc mà cả hai đảng chỉ chờ cho tới sau bầu cử mới chịu giải quyết. Nó cũng là một quy trình đảm bảo rằng ai được chọn đứng đầu nước Mỹ phải là người tài, có khả năng đương đầu với mọi sức ép.


Và hấp dẫn nữa. Bởi nếu buồn chán, người người trên thế giới đâu có bỏ cả việc để theo dõi tin bầu cử tổng thống Mỹ, và gần 70 triệu người Mỹ (gần 1/4 dân số) đã thức tới nửa đêm để chờ xem ông Obama thắng ông Romney với khoảng cách hơn 100 phiếu đại cử tri.



Phạm Tấn (Pv TTXVN tại Mỹ)

Người Mỹ lạc quan về nhiệm kỳ tới của Tổng thống Obama
Người Mỹ lạc quan về nhiệm kỳ tới của Tổng thống Obama

Bất chấp việc Nhà Trắng và phe Cộng hòa tại Quốc hội tiếp tục mâu thuẫn và bế tắc trong chính sách tài chính có nguy cơ đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới tái rơi vào suy thoái, người dân Mỹ có vẻ lạc quan hơn về hiệu quả 4 năm cầm quyền tiếp theo của Tổng thống Barack Obama.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN