Từ ngày 2/5 vừa qua, chính sách miễn thuế với hàng nhập khẩu trị giá dưới 800 USD – còn gọi là quy định "de minimis" – đã chính thức bị loại bỏ đối với hàng hóa từ Trung Quốc. Điều này khiến các lô hàng của Temu và Shein phải chịu mức thuế cao tới 120% hoặc phí cố định 100 USD, và dự kiến mức này còn tăng lên 200 USD vào tháng 6/2025.
Trước đó, quy định miễn thuế cho các gói hàng nhỏ là yếu tố then chốt giúp hai nền tảng này giữ được mức giá rẻ cho hàng hóa từ Trung Quốc. Khi chính sách này bị xóa bỏ, giá hàng hóa nhập trực tiếp từ Trung Quốc trên Temu và Shein đã tăng mạnh. Temu sau đó ngừng hẳn việc giao hàng trực tiếp từ nước ngoài sang Mỹ. Thay đổi này nhận được sự ủng hộ từ nhiều bên phản đối quy định "de minimis", bao gồm các nhà lập pháp Mỹ, công đoàn lao động và các nhà bán lẻ trong nước. Họ cho rằng Temu và Shein đã lợi dụng kẽ hở thuế để bán phá giá và đưa hàng giả, hàng nhái vào thị trường Mỹ.
Dù vậy, các chuyên gia trong ngành thương mại điện tử và chuỗi cung ứng cho rằng Temu và Shein vẫn còn nhiều lợi thế để cạnh tranh tại Mỹ. Bà Deborah Weinswig, Giám đốc điều hành (CEO) kiêm nhà sáng lập công ty nghiên cứu Coresight Research nhận định: “Đừng vội xem nhẹ họ. Các ứng dụng thương mại điện tử Trung Quốc rất linh hoạt và thích nghi nhanh. Họ đã có các phương án dự phòng và đang tìm cách điều chỉnh lợi nhuận để gánh thuế mới”.
Lối đi mới sau khi mất ưu đãi thuế
Việc loại bỏ quy định "de minimis" đã được dự đoán từ trước, khi Tổng thống Donald Trump từng tạm thời đình chỉ chính sách này vào tháng 2/2025. Để chuẩn bị, Temu và Shein đã đẩy mạnh chiến lược nội địa hóa tại Mỹ.
Ông Scott Miller, CEO công ty tư vấn thương mại điện tử pdPlus, cho biết cả hai nền tảng đang tích cực đưa hàng hóa của các nhà bán Mỹ lên ứng dụng nhằm tránh bị áp thuế.
Theo ông Miller, dù biên lợi nhuận của các thương hiệu và nhà bán hàng tại Mỹ có thể thấp hơn so với hàng Trung Quốc, nhưng vẫn đủ sức cạnh tranh. Temu hiện thu phí thấp, ít đối thủ hơn và hỗ trợ người bán nhiều hơn so với Amazon.
Gần đây, Temu – thuộc sở hữu của tập đoàn PDD Holdings (Trung Quốc) – đã chuyển sang chỉ giao hàng từ các kho nội địa tại Mỹ. Thực tế, nhiều mặt hàng này vẫn được sản xuất tại Trung Quốc và sau đó vận chuyển theo lô lớn tới các kho tại Mỹ. Dù các lô hàng này vẫn chịu thuế, chúng được hưởng lợi nhờ sản lượng lớn.
Theo chuyên gia Henry Jin từ Đại học Miami, điều này sẽ khiến danh mục hàng hóa trên Temu thu hẹp. Dù vậy, ông cho rằng Temu có thể nối lại giao hàng trực tiếp từ Trung Quốc nếu căng thẳng thương mại Mỹ - Trung dịu lại.
Trong khi đó, Shein mở rộng chuỗi cung ứng toàn cầu, xây nhà máy tại Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico (Mê-hi-cô) và Brazil (Bra-xin), và có kế hoạch chuyển sang Việt Nam. Theo ông Jin, Shein vẫn còn dư địa để chịu thuế nhờ biên lợi nhuận cao từ mảng thời trang nhanh.
Giá cả liệu có còn hấp dẫn?
Dù đã có các kế hoạch dự phòng, những chuyên gia nhận định chính sách thương mại của ông Trump sẽ khiến giá hàng hóa trên Temu và Shein tăng lên.
Dữ liệu từ Coresight cho thấy giá hàng hóa trên Shein đã tăng từ 5% đến 50% trong nửa cuối tháng 4/2025, đặc biệt ở danh mục đồ chơi, mỹ phẩm và sản phẩm chăm sóc sức khỏe.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn tin rằng hai nền tảng này sẽ giữ được mức giá cạnh tranh. Temu cho biết, giá bán cho người tiêu dùng Mỹ không thay đổi trong quá trình chuyển sang mô hình giao hàng nội địa.
Bà Weinswig cho biết, trước đây, giá hàng trên Temu và Shein chỉ bằng khoảng 1/3 so với Amazon. Ngay cả khi giá tăng gấp đôi để bù thuế, nhiều mặt hàng vẫn rẻ hơn so với các nền tảng bán lẻ Mỹ.
Nhiều lợi thế khác
Theo ông Anand Kumar, Phó Giám đốc nghiên cứu tại Coresight Research, hai công ty này thành công nhờ chuỗi cung ứng cực kỳ linh hoạt, phản ứng nhanh với thị hiếu người tiêu dùng. Chẳng hạn, Shein thử nghiệm kiểu dáng sản phẩm với số lượng nhỏ – chỉ khoảng 100-200 sản phẩm – trước khi sản xuất hàng loạt nếu có nhu cầu.
Ngoài ra, cả hai còn tận dụng ứng dụng với nhiều tính năng giữ chân người dùng như thông báo liên tục, thuật toán gợi ý sản phẩm và các chương trình giảm giá, flash sale thường xuyên. Temu thậm chí còn tổ chức chương trình “siêu ưu đãi” đầu tuần với những sản phẩm giảm giá sâu.
Không rõ liệu các sản phẩm giá rẻ này đã được nhập về Mỹ trước khi chính sách thuế mới có hiệu lực hay không. Tuy nhiên, người dùng ứng dụng còn có thể tham gia các mini-game để nhận phiếu giảm giá hoặc mua “hộp quà bí ẩn” chứa các món đồ ngẫu nhiên. Theo ông Jin, chiến lược "trò chơi hóa" này đánh trúng tâm lý thích săn giá hời của người tiêu dùng Mỹ.
Cuối cùng, Temu và Shein cũng rất giỏi trong việc tận dụng livestream và mạng xã hội để tiếp cận khách hàng. Trong khi đó, các nhà bán lẻ Mỹ lại phản ứng chậm, chưa điều chỉnh được chuỗi cung ứng và mô hình định giá để đối phó với sự trỗi dậy của hai nền tảng này.