Theo Washington Post, vụ việc của sinh viên Trung Quốc Sherry Guo là trường hợp bị phát giác mới nhất trong bê bối chạy đại học rúng động nước Mỹ.
Đầu tháng 3, gần 50 người ở Mỹ là các nữ diễn viên Hollywood, lãnh đạo doanh nghiệp và huấn luyện viên thể thao tại các đại học danh giá đã bị Bộ Tư pháp Mỹ buộc tội tham gia đường dây bê bối gian lận tuyển sinh vào các đại học lớn hàng đầu của Mỹ như Yale, Stanford, Nam California hay Georgetown...
Chủ mưu vụ lừa đảo – nam ca sĩ William Rick Singer - thu về khoảng 25 triệu USD trong 7 năm (giai đoạn 2011-2018) từ hàng chục cá nhân để hối lộ các quản lý trường đại học. Một số nữ diễn viên nổi tiếng trong các bộ phim truyền hình hút khách như Lori Loughlin, Felicity Huffman… đã bị phát hiện có liên quan đến đường dây lừa đảo.
Trong vụ việc mới nhất, chủ mưu Singer đã tạo một hồ sơ xin học giả mạo cho Guo, trong đó miêu tả cô bé là một cầu thủ chơi bóng cừ khôi. Guo đã được một huấn luyện viên bóng đá giới thiệu vào Đại học Yale sau khi người này nhận khoản tiền hối lộ 400.000 USD. Đến cuối năm 2017, khi Guo nhập học, gia đình cô bé cũng phải trả thêm 1,2 triệu USD cho Singer và quỹ từ thiện hắn tạo ra để nhận các khoản tiền hối lộ.
Tuy nhiên, không giống hàng chục phụ huynh khác bị buộc tội khi bê bối bị phanh phui, các công tố viên liên bang vẫn chưa đưa ra bất kỳ lời cáo buộc nào đối với cha mẹ cũng như chính em học sinh này.
Trả lời hãng tin AFP, ông James Spertus – luật sư của gia đình Guo tại Los Angeles – đưa ra lý giải vì sao họ vẫn chưa bị buộc tội. Theo ông này, cha mẹ của Guo đã chuyển số tiền 1,2 triệu USD mà không nhận thức được vấn đề hay họ cố tình phạm tội. Luật sự Spertus cho biết “kẻ xấu” đã lợi dụng rào cản ngôn ngữ do cha mẹ Guo không nói tiếng Anh và sự không thông thạo của họ đối với hệ thống giáo dục tại Mỹ nhằm khiến họ rơi vào bẫy phạm tội.
Khi được Singer yêu cầu chi tiền, do không nói được tiếng Anh, nên cha mẹ Guo “100% tin rằng khoản tiền mà họ đóng góp là dành cho quỹ từ thiện”.
Hiện các công tố viên liên bang vẫn chưa nói lý do vì sao cha mẹ của Guo không bị truy tố.
Mới đây, một trường hợp khác liên quan đến một gia đình Trung Quốc trả cho Singer 6,5 triệu USD để giúp con họ giành một suất tại Đại học Stanford đã bị phát giác. Các công tố viên cũng không khởi tố phụ huynh của sinh viên đó.
Tính đến thời điểm hiện tại, có đến 33 phụ huynh bị buộc tội vì tham gia vào đường dây bê bối gian lận tuyển sinh và các đại học lớn hàng đầu của Mỹ. Để buộc tội một người nào đó phạm tội lừa đảo, các công tố viên được cho là phải chứng minh động cơ cụ thể để lừa đảo người khác.
Theo Michael Magner – cựu công tố liên bang tại New Orleans, nếu công tố viên không tìm được bằng chứng gia đình Guo cố ý lừa đảo để vào Đại học Yale hay bất kỳ trường đại học nào khác khi chi trả 1,2 triệu USD cho Singer, mọi lập luận sẽ trở nên không có giá trị.
Trong hồ sơ trên tòa, Singer đã trả 400.000 USD cho huấn luyện viên bóng đá trường Yale có tên Rudy Meredith để chứng nhận Guo là một cầu thủ giỏi, mặc dù Guo chưa bao giờ chơi môn thể thao này. Theo các công tố viên, việc chứng nhận là cầu thủ giỏi làm tăng “đáng kể khả năng” được nhận vào trường của Guo.
Luật sư Spertus từ chối xác nhận Guo đã bị công tố viên thẩm vấn hay chưa. Hiện trường Đại học Yale đã hủy kết quả trúng tuyển của sinh viên Guo.
Cha của Guo được giới thiệu cho Singer qua Qiuxue Yang – một cố vấn tài chính tại trụ sở Oppenheimer & Co. ở Los Angeles. Yang được miêu tả là một “nhân viên cấp thấp” của tập đoàn Oppenheimer, song luật sư Spertus khẳng định “không có mối liên hệ giữa tập đoàn Oppenheimer và gia đình Guo”.